di sản của những lần "cứ làm đi"
1. Khi những câu chuyện cũ kéo về
Quay bút
Tầm đâu tuần trước mình được mời về tham gia một buổi trò chuyện với cộng đồng quay bút Việt Nam. Nôm na thì mỗi năm cứ vào dịp Tết, các bạn spinner ở Việt Nam sẽ làm một video thường niên. Tết Collaboration sẽ là video có sự đầu tư quan trọng nhất trong năm của cộng đồng và nó là một truyền thống đã được duy trì đến năm thứ 15 rồi.
Mình may mắn được là một nhân tố của giai đoạn 4 năm đầu, và đã vô tình tạo ra một phần của cái gọi là lịch sử. Hồi còn cấp 3, đúng kiểu dư thừa năng lượng và cũng ham thích những thứ có thể chứng tỏ bản thân, mình và bạn bè tham gia cái gọi là cộng đồng quay bút Việt Nam, cũng chinh Nam chiến Bắc, có cơ hội may mắn để trở thành một “cái gì đó” trong một thế giới rộng lớn mà người ta biết tới nhau thông qua kĩ năng dùng tay điêu luyện (cái skill này thì xài public được chứ không cần giấu giếm).
Giờ mình quay trở về, không quen biết gì ai cả, những cái tên mới, những kĩ năng mới, những phong cách mới trông thật sự xịn mà cũng thật sự lạ lẫm. Mình biết chặng đường của quay bút Việt Nam đã đi rất xa so với những ngô nghê ngày đầu mà tụi mình có.
Các bạn bật video xong cùng xem, quay lại 5 cái Tết đầu tiên, tầm những năm 2008-09, vậy là cũng hơn mười năm. Tuổi đời của những bạn chơi quay bút thường dao động cuối cấp 2 cho đến hết cấp 3. Vậy là chỉ cần thêm vài cái tết nữa, cộng đồng này sẽ có những thành viên thậm chí còn chưa sinh ra khi mình bắt đầu quay những video đầu tiên.
Mình xem xong hay bảo là kiểu mình giờ mà có tham gia cũng sẽ không có gì nổi bật, sẽ tàng hình giữa bao nhiêu những bạn trẻ hậu bối quay hay, kĩ thuật tốt lại còn có nhiều trick đẹp. Và đúng thế thật, chúng nó còn vác nhau ra nước ngoài thi đấu quốc tế và có cả giải mang về với cả tư cách đại diện cho cả cộng đồng, cho riêng cá nhân. Ớn chưa?
Guitar
Lúc vừa bước chân vào đại học, mình định sẽ nộp thân vào cho một câu lạc bộ âm nhạc nào đó, nhưng trường lúc đó còn chưa có nhiều hoạt động nên tìm mãi không ra. Hồi tầm năm 2 đại học, mình với thằng bạn cũng kiểu chả có gì làm nên quyết định lập luôn cái gọi là “Câu lạc bộ guitar” cho trường. Việc lập một câu lạc bộ nghe thì nó ghê, nó hoành tráng chứ thật ra chỉ cần một nhóm người có cùng sở thích, có điểm chung và cũng… thích tụ tập lại với nhau thì nó ra thành hình câu lạc bộ thôi. Và thế là tụi mình có cái gọi là một không gian do tụi mình sáng lập ra.
Nhiều năm sau ngày tụi mình lập ra câu lạc bộ, cuộc sống nó vẫn kiểu phải tiếp diễn và tất nhiên, mình không thể là sinh viên mãi được (dù mình học đúp lại thêm 2 năm nữa =))). Tụi mình bàn giao lại cho các thế hệ tiếp theo, và cũng không có gì ngạc nhiên khi chất lượng thành viên và cả các hoạt động ngày một trở nên đỉnh cao hơn. Vẫn màu áo đó, vẫn chiếc huy hiệu và cái tên đó nhưng các thế hệ mới đã mang lên sân khấu những màn trình diễn đẳng cấp, hay ho hơn hẳn. Trong những thành viên qua nhiều đời của CLB thậm chí có cả những người đang hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Mỗi lần một lứa thành viên mới vào, mình lại được rủ về nói một vài lời, mình lại có dịp bảo là thật ra ngày xưa lúc lập ra câu lạc bộ của mình tụi anh cũng không nghĩ nhiều và không có kỳ vọng gì, tụi anh may mắn được làm người khởi tạo thôi, chứ giờ thì câu lạc bộ này là của các bạn và sự phát triển của nó đều là do năng lực và tài năng của các bạn đó. Mình cũng bảo với mấy đứa thế hệ đầu là giờ mình về casting chắc rớt từ vòng loại, mà chắc là vậy thật :)). Và năm nay là 10 năm kể từ ngày tụi mình ngồi với nhau ở một bàn nước phía sân sau của ngôi trường với một quyết định bắt đầu bằng “ê hay là…”
2. Vĩ mô một tí cho nó ngầu…
Mình đọc Sapiens (của Yuval Noah Harari) giờ thì cũng chữ nhớ chữ quên, nhưng mà một trong những thứ đọng lại và gây nên cảm giác mind-blowing nhất cho mình đến giờ vẫn là cách tác giả nêu lên điểm khác biệt của loài người và các động vật khác. Điểm khiến chúng ta – trên tư cách của một loài – có thể trở nên chúng ta của hiện tại với các kì quan, các thành tựu văn hóa, nghệ thuật, với các thành phố khổng lồ, đủ thứ phương tiện kì diệu và với một sức mạnh khủng khiếp có thể thổi bay nguyên hành tinh như bây giờ, ngạc nhiên thay, chính là năng lực tưởng tượng.
Sự tưởng tượng tạo ra những câu chuyện, tạo ra những niềm tin, tạo ra cộng đồng, và rồi nó khiến cả cộng đồng cùng hợp sức lại mà hướng về một điều gì đó. Một tập thể, một bầy đàn thì luôn có một giới hạn nhất định về số lượng thành viên, nhiều hơn nó sẽ phân rã thành những nhóm nhỏ. Nhưng chính sự tưởng tượng đã, vẽ ra những thứ không thật và rồi, kéo tất cả lại thành một khối chung và tạo thành một nguồn lực để phát triển hết sức đáng nể. Chính sự tưởng tượng đã phá bỏ những giới hạn của quần thể, của bầy đàn để tạo ra “điều lớn lao hơn chính bản thân”.
Công ty, tổ chức, tập đoàn, các dân tộc, quốc gia … tất cả đều không thật, được tạo nên bởi sự tưởng tượng nhưng lại có thể tạo ra những kỳ quan rộng lớn vô cùng. Những sự vật như vậy có thể tạo ra những giá trị vì người ta tin vào nó và tưởng tượng ra sự tồn tại của nó. Hình dung như đó là một chiếc bình chứa vô hình, mở ra để những cá thể loài người có thể đổ vào đó năng lực và giá trị, để rồi nó sẽ tạo ra những sản phẩm, thành tựu có thật. Những chiếc bình chứa không có thật, nhưng đồng thời lại chính là những điều lớn lao bao trùm lấy tất cả những cá thể “thuộc về nó”.
3. Hành trình của những chuyến “làm gì đó đi”
Nhận thức
Một thời điểm nào đó trong đời, bạn sẽ hơi vô vọng một (hoặc nhiều) chút vì biết mình không đủ giỏi, mình không toàn diện và mình cũng có nhiều giới hạn. Mình nghĩ thời điểm đó nếu có thể đến sớm sẽ là một dạng may mắn. Với mình thời điểm đó đến từ lúc nào mình không rõ nhưng nó khiến mình liên tục phải nghĩ nhiều về việc không đủ giỏi để trở thành “một cái gì đó”, và chìm nghỉm giữa sự xô đẩy của thời gian.
Khi đã nhận ra được cái sự “vô khả nại hà” mà bản thân không thoát ra được rồi thì bạn lại phải tiếp tục ngồi giữa hai ngã rẽ: (1) không làm gì cả, vì dù có làm gì đi nữa thì ngoài kia cũng sẽ luôn có cái gì đó, ai đó tốt hơn và cái mình làm ra chỉ là đồ thừa. Và, (2) làm gì cũng được vì cỡ nào cũng có sự bất toàn, có sự dở, có sự chưa ổn, nhưng không sao, ai cũng vậy mà, và ta sẽ từ từ cố gắng.
Tất nhiên, mình thích con đường thứ 2 hơn. Và mình làm, làm nhiều thứ. Có nhiều cái làm ra mà giờ không dám xem lại (tại thấy gớm quá, tất nhiên), và cũng có nhiều thứ mà nó thật sự trở thành điều gì đó “lớn hơn bản thân mình”.
Trải nghiệm
Mỗi thứ khi ra đời từ mình, đều bắt đầu có cho nó những cuộc phát triển riêng, như cái câu ta hay nghe là “tác phẩm có đời sống riêng của nó, tách khỏi tác giả“. Và nếu chúng nó may mắn, chúng nó sẽ “bốc đầu” và phát triển đến mức vượt khỏi các giới hạn đã có của người tạo ra chúng. Cái cảm giác nhìn các tạo tác mình làm ra nó đi một con đường xa nhờ sự xây dựng mình là một cảm giác vui, thế nhưng nhìn thấy các tạo tác đó bứt ra khỏi giới hạn của bản thân người tạo ra nó lại còn là một cảm giác thú vị hơn nhiều lần.
Năm 2017 mình bắt đầu cởi mở hơn với việc làm việc theo nhóm, xong rồi cơ hội xui rủi cho mình cùng bạn bè thành lập TELOS. Giai đoạn tầm 2 năm đầu mình thầu luôn các đầu việc chuyên môn về thiết kế, đôi khi có người phụ, đôi khi thì húp trọn. Chất lượng tất nhiên chỉ ở mức giới hạn của bản thân, ẹ thì cũng không ẹ lắm, nhưng mình biết là nó có thể tốt hơn. Từ 2019 mình bắt đầu để cho các nhân sự có chuyên môn, có năng lực tốt hơn tự hoạt động, và đến giờ mình đã bị bỏ rơi lại trong những câu chuyện thực thi, thiết kế.
Câu phát biểu “Anh ngồi yên để tụi em làm, đừng đụng vào lại hỏng việc” nên được xem là dấu mốc khởi đầu cho việc “giờ nó đã lớn hơn mình”. Hiện tại, mỗi ngày lên công ty, task chính của mình với team chắc là rủ tụi nó dựng kèo trà sữa và đi đẻ ý tưởng tào lao. Lại một lần nữa mình nghĩ “nếu giờ nộp hồ sơ vào công ty của chính mình chắc có khi bị đánh rớt =))))“
Lan truyền
Trong một lần được rủ về nói chuyện cho đại học FPT Polytechnic ở Cần Thơ về câu chuyện của chuỗi chương trình Explorians Chất Việt, mình có nhận được một câu hỏi của một bạn muốn mở ra và tổ chức một câu lạc bộ về Lịch Sử cho trường, và bạn cũng có bao nhiêu trăn trở thường tình, đó là những lo lắng về trình độ hiện tại của bản thân, về những khó khăn khi mở ra một cái gì đó và về việc mình có đủ sức để đưa câu lạc bộ của mình phát triển lên thành cái gì không.
Thật ra ai khi sắp sửa tạo ra cái gì đó “lớn hơn bản thân mình” đều sẽ có thứ cảm giác đó. Cảm giác của việc phải chịu trách nhiệm với một cái cụ thể, phải duy trì phải đưa ra kế hoạch hay phải đương đầu với những khó khăn chưa được gọi tên. Ờ thì câu trả lời cho việc sản phẩm đó có thành công hay không sẽ không thể nào chắc chắn được, nhưng có một thứ mình đã thử và đã trải nghiệm rất ổn, đó là khi bạn tạo dựng một thứ như vậy, nó sẽ không chỉ nằm giới hạn trong phạm vi năng lực của bạn, và chính bản thân cái cộng đồng bạn tạo nó sẽ thu những nguồn năng lượng vào để cùng đồng hành.
Nếu cứ mãi bàn về những khó khăn, những rủi ro có thể xảy ra, chắc chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở ý tưởng và mong ước, vậy sao không thử liều một tí? Dự án chúng ta định làm, ai biết được, có thể vì những chướng ngại nào đó, nó sẽ chìm xuống và sẽ tan đi, hoặc cũng có thể nó sẽ tự tìm ra những cách thức để tự nhân rộng và phát huy bản thân nó ra, rồi thăng hoa và bùng nổ?
Và bởi vậy nên, lời khuyên của mình cho bạn đó là: bạn hãy cứ thực hiện, vì nó sẽ đem lại cho bạn nhiều giá trị. Cho dù có thất bại trong việc duy trì cộng đồng mà bạn tạo ra thì rủi ro mà bạn có nhận lại cũng không có gì quá đáng lo ngại, nhất là trong một môi trường sinh viên sẵn sàng cởi mở cho những thử nghiệm như vậy. Bù lại, bạn được tận hưởng cảm giác của người đi gieo một hạt mầm đầu tiên, dù có thể các thế hệ nhân sự sau bạn mới là người tiếp nối và phát triển, nhưng có sao đâu, một cái gì đó do chính bạn tạo ra đã có điểm khai sinh của nó rồi.
“Cứ làm đi” là một câu nghe khá cliché, tuy nhiên trong trường hợp này thì không thấy có gì khác có thể nói lên ý đó. Đôi khi mình nghĩ, cái tính cách “cứ làm đi” nó nên trở thành một phẩm chất, và thứ phẩm chất ấy đáng được tôn vinh.
4. Di sản
Trong những lời căn dặn của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói đến ý “không, tôi không chỉ như thế, tôi là hơn thế nữa“. Với một đứa mà “cái tự ngã” vẫn còn tồn tại ngập tràn như mình, thì hiểu được những lời đó nhưng cảm vẫn chưa được nhiều. Trong một khoảnh khắc nào đó, chắc mình cũng đã mơ hồ hình dung được khi thấy hình ảnh phản chiếu của mình qua những thứ do mình tạo ra, nhưng vẫn chưa nhiều.
Tất nhiên sự bất tử về mặt sinh học nó vẫn thơm hơn, ít nhất là với mình thời điểm này, một đứa ham ăn ham chơi thích tận hưởng =)). Nhưng biết chắc tỉ lệ xảy ra của những thứ như thế rất viển vông, nên thôi giờ thì hãy chuẩn bị cho một mớ những thứ di sản mà nó có thể giữ cho mình tồn tại mãi cùng chung quanh.
Suy cho cùng, đến lúc nào đó ta cũng phải chạm tới những giới hạn, đôi khi là về vật lý, về sinh học và có khi là cả về thời lượng có mặt của mình ở một đoạn đường. Để vượt qua những điều đó có lẽ chỉ có thể thông qua phương tiện là những di sản, thứ thoát ra được khỏi sự níu kéo của giới hạn ở mỗi cá nhân. Di sản, nghe có vẻ to tát, lớn lao nhưng kì thực chỉ đơn thuần là một công trình có thể kế thừa, và phát triển hơn.
Mình đã để lại những phong cách và cảm hứng nơi những video quay bút của cái thời youtube chỉ có 360p. Mãi sau này có nhiều bạn vẫn bảo, bạn tiếp cận với quay bút là nhờ mình. Mình để lại cho ngôi trường đại học (mà mình bị chậm tốt nghiệp 2 năm) một hạt mầm âm nhạc, để giờ này những thế hệ sau đang vun nó lên thành một thân cây thật to.
Mình cũng để lại cho công ty mình rất nhiều tasks, project ăn hại, và nợ tiền trà sữa của nhân viên mua dùm bị đòi rất nhiều lần nữa, mà thôi cái đó để sau…
Di sản, những thứ tạo tác thoát ra được khỏi cái bản thân người tạo ra nó, những thứ “lớn hơn bản thân mình” cứ vậy nhẹ nhàng xuất hiện và xuất hiện thông qua những lần “cứ làm đi” hoặc “ê hay là mình…” như thế. Một sự thật nghe rất ngạc nhiên, nhưng lại không có gì là kỳ lạ, đó là: bạn hoàn toàn có thể để lại những di sản với giá trị to lớn hơn chính bản thân bạn rất nhiều lần.
——
Và ta hoàn toàn có thể bắt đầu để lại nó ở mọi bước chân mình đi ngay từ bây giờ.