Kể chuyện

Trên trang này mình cũng đã viết nhiều bài về câu chuyện của TELOS Academy – một doanh nghiệp giáo dục, và các góc nhìn về sản phẩm của nó, về quan niệm xây dựng giá trị cho học viên. Nếu các bạn quan tâm đến khía cạnh đó có thể ngó qua các bài viết khác rải rác trong cả trang cá nhân này của mình.

Lần này thì mình đi đến một khía cạnh mạng tính tổng thể hơn, đó là tổ chức, doanh nghiệp và quá trình trưởng thành. Nó có thể hơi lạ lẫm với người học nhưng có thể sẽ là một vài tư liệu tham khảo có giá trị cho những người quản lý và điều hành.

Hành trình chia sẻ kiến thức

Một cách rất tự nhiên của người làm chuyên môn, quá trình xây dựng nên TELOS Academy của mình bắt đầu từ việc làm ra sản phẩm trước, khi sản phẩm phát triển và nở to ra, tổ chức quản lý nó mới xuất hiện. Điều này có nhiều lợi điểm và đồng thời cũng sẽ mang lại những rào cản, phần sau của câu chuyện chúng ta sẽ bàn tới nó.

Mình bắt đầu với việc mở một khoá học, không dám nhận mình là giảng viên hay thầy. Đó thực chất là quá trình đóng gói kiến thức lại và chia sẻ về nó để tạo dựng giá trị. Thời điểm khởi đầu chỉ kì vọng hai hướng cực kì thực tế, không dám bay cao bay xa gì: Thứ nhất là, cái thứ mình mang ra chia sẻ nó đủ mới mẻ, đủ giá trị, không bị thị trường đánh giá là một khoá học “lùa gà” (định nghĩa dễ hiểu là quảng cáo cho lắm nhưng vào lớp mới biết các kiến thức đó quá sức bề mặt). Thứ hai là, có thêm một nguồn thu be bé và ổn định bên cạnh giá trị chuyên môn mình đang cung cấp thông qua công việc.

Vậy thôi đó.

Vế thứ nhất giúp mình tạo ra giá trị cho người học, vế thứ hai giúp mình tạo ra giá trị cho bản thân mình, doanh nghiệp giáo dục và đội ngũ đồng hành. Cân bằng hai thứ giúp khoá học tồn tại được và cứ tịnh tiến đề từng bước.

…và TELOS Academy

Đây là cái business thứ 2 của mình, sau TELOS Agency. Do vậy, mình cũng không chuẩn bị quá kĩ cho sự xuất hiện của nó. Nếu như với TELOS thì mình có một mơ mộng “làm chủ”, khi bản thân còn đang ở trong giai đoạn ngây ngô khi mới bước chân ra thị trường lao động, thì với TELOS Academy nó như một cái giải pháp cần thiết hơn là một mong muốn.

2022, cái sản phẩm mà mình đã đóng gói nó không còn có thể tồn tại một cách độc lập nữa, nó cần một nhân diện rõ rệt hơn. TELOS Academy sinh ra nhưng thực chất là được gọi tên, vì nó chính là hiện thân cho những khoá học đã tồn tại sẵn ở đó. Mình không còn chỉ là một cá nhân đi dạy figma nữa, mà mình đang đại diện cho một trung tâm đào tạo có một chuỗi các khoá học cho người muốn trở thành UI/UX Designer, với nhiều nhóm kiến thức đến từ các anh chị giảng viên chuyên môn lân cận nhau nhưng cũng rất đa dạng.

TELOS Academy (hay được gọi tắt là TLA) được chính thức xuất hiện như vậy, với cốt lõi là kiến thức và nền tảng là sự vận hành từ TELOS Agency. Trong những giai đoạn đầu, TLA là một doanh nghiệp giáo dục với sản phẩm là các khoá học. Giờ đây khi sắp sửa bước sang 2025, tụi mình đang phát triển ra những dịch vụ giáo dục và đào tạo khác.

Khái quát hoá và hình thành triết lý

Trực tiếp tham gia vào giảng dạy (giảng viên, người thực thi) và đồng thời làm công việc định hướng và điều hành (người quản lý) cho mình khá nhiều trải nghiệm. Quá trình đó kết hợp với bản tính thích khái quát hoá và lưu trữ lại khiến cho mình có được nhiều thứ có thể chia sẻ.

Có những người sẽ đang làm vai trò điều hành, và mong muốn có cho mình một tổ chức kinh doanh sản phẩm giáo dục. Cũng sẽ có những người là chuyên gia, và đã đi truyền đạt kiến thức, đang đến giai đoạn trăn trở làm sao để xây tổ chức nâng tầm cái sản phẩm kiến thức đó. Trong những điều mình sắp nói ở đây, có nhiều cái có thể sẽ rất căn bản với nhóm đối tượng này, nhưng lại là một điều mới mẻ với người khác, ví dụ bắt đầu với việc…

Nên có một tôn chỉ

Người làm quản lý học về điều này đến mòn cả tai từ các lớp cử nhân cho đến MBA, hay các khoá học lãnh đạo. Tuy nhiên với một chuyên gia, điều này đôi khi lại bị lướt qua. Tôn chỉ là cách thức một tổ chức sẽ tự định hình cái khuôn của nó, các khoá học về sau, các sản phẩm mở rộng và cả cách thức mà tổ chức tạo ra giá trị sẽ là dựa trên tôn chỉ này.

Vấn đề này sẽ không thể hiện ra quá nhiều khi bạn vẫn đang độc lập mang khoá học của mình đi chia sẻ, nhưng nó sẽ rất quan trọng khi có một nhân diện rõ ràng. Khi bạn trở thành một tổ chức, một doanh nghiệp giáo dục thì cái cốt lõi này sẽ cần phải rõ ràng, nếu không thì mọi thứ sẽ khá rời rạc và mơ hồ.

Doanh nghiệp giáo dục cần có cho mình một tôn chỉ
Cần có cho mình một tôn chỉ

Cái tên TELOS bắt nguồn từ khái niệm tiếng Hy Lạp “τέλος” có nghĩa là mục đích cốt lõi. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp một khi sinh ra đều đã mang trong mình những sứ mệnh, mục tiêu và những giá trị đẹp đẽ của riêng mình. Lúc xây dựng một branding agency, chúng mình muốn giúp những khách hàng xung quanh “visualize their own TELOS“. Mình dùng tư duy đó để bỏ vào tổ chức mà mình xây dựng.

Tôn chỉ của doanh nghiệp nói chung đã vậy, một doanh nghiệp giáo dục lại càng cần phải rõ ràng, phải phù hợp và phải thực tế hơn. Doanh nghiệp sản xuất có thể dùng chất lượng sản phẩm mình tạo ra để thể hiện cái tôn chỉ của mình. Còn với những sản phẩm càng khó cầm nắm, mơ hồ trong hình tướng, thì thứ tạo ra định vị cho nó sẽ phải là những niềm tin định hướng.

Tôn chỉ chính là cái đó.

Chọn kiến thức làm nhân vật chính

“Tư duy nhân vật chính” là một cách xây dựng giải pháp cho các vấn đề quản lý mà mình hay áp dụng, trong một dịp nào đó chắc mình sẽ viết về nó. Thật ra cũng không có gì quá mới lạ, chỉ đơn thuần là ứng dụng lại các lý thuyết về biên kịch, xây dưng kịch bản và nội dung cho một tác phẩm kể chuyện. Khác cái là mình đem áp nó vào việc kinh doanh hoặc quản lý.

Trong tình huống của một doanh nghiệp giáo dục, nhân vật chính nên là “kiến thức”.

Rút ra sau khi quan sát thị trường, và quan sát chính mình

Điều này quan trọng, ít nhất là trong mắt mình. Doanh nghiệp giáo dục cần cái lõi của mình là “kiến thức“. Thiếu cái lõi kiến thức, thì đó chỉ là một doanh nghiệp đang kinh doanh… trên cái gì đó mà mình cũng không biết chắc, chỉ biết là trong nhiều trường hợp thì điều này thật sự sẽ tạo ra những bất lợi cho người học – đối tượng đáng ra cần là người được phục vụ chính trong hoàn cảnh này.

Bạn cũng có thể lựa chọn “người học” như một tuyến nhân vật chính. Thiết kế câu chuyện xung quanh họ, và tìm cách tối ưu hành trình của người học. Tuy nhiên với mình khi đó góc nhìn nhân vật chính có thể sẽ hơi hẹp, trong khi nếu lựa chọn kiến thức sẽ tao ra nhiều khả năng khác rộng rãi hơn khá nhiều. Cái này nếu cần thảo luận sâu hơn chắc hẹn nhau cafe, chứ nói thêm nữa nó sẽ lạc đề.

Tích cực mà nói thì hướng lựa chọn không phải những cái trên thường là số ít, nhưng không phải không có, và nhiều khi nó lạc đi xa. Nếu trong đầu bạn đang có một vài cái tên trung tâm, mà chất lượng giảng dạy có vấn đề nhưng họ vẫn sống tốt, kinh doanh đạt lợi nhuận và phát triển đều thì có thể họ là một mô hình kinh doanh không chọn “kiến thức” hay “học viên” làm giá trị cốt lõi. Họ có thể là một mô hình đang vận hành rất tốt, nhưng người học có thể sẽ không thu gom được các giá trị xứng đáng.

Kiến thức là cốt lõi, trọng tâm, nhân vật chính của doanh nghiệp giáo dục
Kiến thức là cốt lõi, trọng tâm, nhân vật chính

Nếu buộc lòng phải loại bỏ hết tất cả các thứ râu ria, và chỉ giữ lại một nhân tố, thì xin hãy giữ lại “kiến thức” làm lõi cho tổ chức của bạn. Và có thể điều này đôi khi sẽ tạo ra một vài khó khăn cho tổng thể, nhưng hãy giữ nó.

Ví dụ như ở trường hợp của mình, trong vài trường hợp được đội ngũ performance tư vấn về thông điệp tiếp cận học viên dễ dàng hơn, nhưng nó đặt trọng tâm ở một khía cạnh khác phù phiếm về mặt kiến thức thì mình đắn đo lắm rồi cuối cùng vẫn từ chối. Điều đó khiến các bạn ấy trở nên khó khăn hơn trong việc làm marketing, nhưng lại mang lại cái lợi lâu dài, cho mình, cho các bạn học viên và cho sự phát triển của lĩnh vực.

Bạn xây dựng kiến thức như một nhân vật chính, và đóng gói nó lại để trao đi. Cách tiếp cận bây giờ sẽ như một quá trình tìm cách lan toả kiến thức và nhận về những giá trị từ việc đó. Nếu nhân vật chính bạn chọn là một đối tượng khác, câu chuyện sẽ được kể ở một góc nhìn khác.

Điều này đôi khi không thay đổi quy trình giảng dạy, tuyển sinh v.v… của bạn, nhưng nó thay đổi góc nhìn và tư duy tìm kiếm giải pháp của bạn.

Ví dụ như ở phần tiếp theo ….

Thực hiện các hoạt động xung quanh một tuyến truyện

Đi sâu vào lý thuyết về biên kịch, xây dựng thế giới cho nhân vật,… chúng ta sẽ có khá nhiều những chiến lược để sáng tạo. Những điều gì tạo nên giá trị của nhân vật chính? Những thử thách lớn nhỏ nào mà nhât vật phải vượt qua? Và những năng lực nào mà nhân vật có thể tận dụng?

Một cốt truyện hay, một tác phẩm được biên kịch chặt chẽ sẽ khiến người ta tin, hồi hộp theo dõi và tiếp nhận được thông điệp của tác giả.

Một sản phẩm cũng có thể áp dụng lộ trình đó, để mang nó đến với người tiêu dùng.

Làm sao để lan toả kiến thức ra?
Làm sao để lan toả kiến thức ra?

Nhân vật chính đã có, và như cái đã nói ở trên, mình chọn “Kiến thức“. Vậy thì theo lý thuyết này mình sẽ bắt đầu xây dựng một lộ trình để nhân vật này đi, vượt qua các thử thách để đạt được những mục tiêu lớn nhỏ. Học viên sẽ là ai trong hành trình của kiến thức, và họ sẽ được lợi gì?

Đây là một framework mình đã dùng cho nhiều dự án và sản phẩm nội bộ. Phương pháp này không hẳn là giải pháp tốt nhất, nhưng mình thấy nhiều giá trị từ cách tư duy viết kịch bản cho đời sống của sản phẩm. Bạn hãy thử ứng dụng xem sao.

Nên có chuyên gia đóng vai trò người truyền cảm hứng

Cho kiến thức làm nhân vật chính là một tư duy để vận hành và phát triển. Nếu nói về câu chuyện truyền thông ra bên ngoài thì cần có một chân dung khác cho tổ chức của chúng ta.

Kiến thức là thứ trừu tượng và khó phân định, dựa vào nó để làm cốt lõi là điều nên làm nhưng song song đó chúng ta cũng cần một thực thể vật lý để có cái mà hình dung. Chuyên gia chính là hình ảnh trực quan nhất của kiến thức. Nếu bạn đã chọn kiến thức là nhân vật chính thì việc có chuyên gia đại diện cũng khá tự nhiên.

Một chuyên gia thật sự sẽ là nguồn kiến thức vô hạn. Chuyên gia đó cũng đồng thời là chốt chặn quan trọng cho việc truyền bá những thứ vượt khỏi giới hạn tạo ra giá trị của kiến thức (ví dụ như quảng cáo quá lố về sự toàn năng của kiến thức được học). Chuyên gia sẽ có một nỗi sợ và trách nhiệm với việc đưa ra nhưng thông tin vượt quá hiểu biết hoặc ghê hơn nữa là sai lệch.

Vậy nên nếu có một chuyên gia vừa là người đại diện phát ngôn, vừa quản lý các kênh truyền thông thì tổ chức của bạn sẽ chừng mực hơn trong các thông điệp về dịch vụ, sản phẩm của mình. Nói đúng, nói đủ, và uy tín.

chuyên gia nên đại diện cho doanh nghiệp giáo dục
chuyên gia là hình ảnh của kiến thức

Nếu người thành lập doanh nghiệp giáo dục là chuyên gia thì điều đó là một lợi thế lớn. Nếu bạn đang ấp ủ việc thành lập một tổ chức giáo dục và chưa có chuyên gia cho mình, hãy chuẩn bị cho chuyện đó.

Một nỗi sợ khác là “tổ chức sẽ phụ thuộc vào chuyên gia“, đây là một lo lắng có cơ sở. Tuy nhiên, ở giai đoạn ban đầu, có cái để phụ thuộc sẽ giải quyết được kha khá vấn đề của tổ chức, ít nhất là tốt hơn việc chênh vênh vô định. Câu chuyện chuyển giao kiến thức cho đội ngũ kế cận sẽ được lên kế hoạch khi tổ chức trưởng thành qua giới hạn của chuyên gia. Tới đó rồi lo, không cần phải nghĩ cho những vấn đề chưa xảy ra ngay lập tức.

Quy trình hoá và hiện thực chân dung

Có kiến thức, có câu chuyện và các giá trị muốn xây dựng rồi, hy vọng bạn đã nhìn thấy được một chân dung mà tổ chức của mình muốn trở thành, hay hoa mỹ hơn, phần linh hồn của doanh nghiệp đào tạo. Giờ mình cấu trúc cái bộ máy của mình ra sao đây? Chúng ta bước vào câu chuyện thực tế hơn, cái thể xác và cấu trúc cơ thể của tổ chức.

Tổ chức như thế nào? Mô hình gì?

Đoạn này mình nghĩ sẽ khá ớn ăn với những chuyên gia muốn xây doanh nghiệp giáo dục, tại trước giờ vốn liếng đang xoay quanh chuyên môn hoặc kiến thức của mình, giờ thì mình buộc phải trang bị thêm những thứ mang tính hỗ trợ hơn, và chắc hẳn là nó sẽ là điều mới mẻ nằm ngoài hiểu biết của bạn.

Sẽ thật may mắn nếu bạn có đồng đội, những người có thể giúp bạn lo về thuế má, thủ tục, phòng học hay một chiếc tool dùng để đăng ký khoá học và lưu trữ thông tin học viên. Đó là những domain rất khác nhau, nếu tự học để làm sẽ tốn nhiều thời gian và chứa đựng nhiều rủi ro.

Nếu đứng bên ngoài và nhìn vào một tổ chức đã được hoàn thiện với quy trình chặt chẽ và đội ngũ vận hành trơn tru, người ta thường cảm thấy choáng ngộp. Nhưng thật ra kinh nghiệm của cá nhân mình cho thấy đó thật ra là một quá trình lặp lại liên tục của việc phát sinh vấn đề – tìm kiếm và xây dựng giải pháp. Những thứ bạn đang thấy nó là biểu hiện của những giải pháp mà những nhân sự hoặc bộ máy trong quá trình vận hành đã tạo ra. Một đội ngũ sẵn sàng phát triển và trưởng thành cùng sản phẩm.

Tổ chức, mô hình và những con người của doanh nghiệp giáo dục
Tổ chức, mô hình và những con người

Mình may mắn có một đội ngũ như vậy bên cạnh, và họ giỏi cái mình dở nhất. Nên nếu có bất cứ lời khuyên gì từ mình về vận hành, kĩ thuật hay back office, mình cho nó đều sẽ rất là sáo rỗng, vì mình chỉ là người thừa hưởng thôi. Nên thôi khúc này mình chỉ có thể nói với bạn là nó cần thiết thôi.

Tin mừng là nếu bạn cần một sự hỗ trợ, mình nghĩ mình sẽ có thể kết nối cho bạn những người đồng đội của mình, những là những thợ xây doanh nghiệp giáo dục lành nghề. Họ nhận được cảm hứng từ mình với cấu trúc khoá học và cách truyền tải, đóng gói nó bao nhiêu, thì mình cũng ngưỡng mộ và biết ơn họ ở phần tạo dựng nền tảng và tự động hoá quy trình bấy nhiêu.

Xây dựng sản phẩm và quản lý nó ra sao?

Đóng gói sản phẩm cũng là một phần khiến nhiều chuyên gia đau đầu. Kiến thức đã có rồi, thì sản phẩm sẽ là gì? Nó là những khoá học. Kiến thức của bạn sẽ rất dàn trải và có thể quá trình tích luỹ sẽ là một lịch sử rất phức tạp. Bạn học được điều A lúc 20 tuổi, mất tận 4-5 năm sau để biết điều A+, nhưng rồi bạn nhận ra A và A+ nên ở cạnh nhau khi trình bày. Khoảng cách giữa việc “có rất nhiều kiến thức” và “truyền đạt nó ra hiệu quả” nhiều khi là một bước rất dài ngăn cản chuyên gia trở thành người đào tạo giỏi.

Vậy khoá học sẽ trông như thế nào? Thời lượng hay khối lượng kiến thức phải vừa đủ nhiều để hàm chứa hết cái cần-phải-biết và cũng đồng thời phải vừa đủ gọn để người học không bị bội thực.

Cụ thể hơn nữa thì bạn đang thiết kế nó cho ai? nó có cốt lõi là gì và người học sẽ đi qua những gì, đạt được những gì sau khoá học? Bức tranh người học thấy sẽ rất khác với kiến thức tổng thể của người giảng dạy, nếu khó thấu cảm ở giai đoạn này bạn hoàn toàn có thể trao đi một lượng kiến thức sai chỗ và sai cách.

Kịch bản của quá trình học (hay “giáo trình”) sẽ là gì? Và nếu bây giờ không chỉ là một khoá học mà là một chuỗi lộ trình với không chỉ một mình bạn là người đứng lớp mà còn cả những cộng sự thì cái series phim nhiều tập đó cần phải diễn tiến ra sao? Đóng gói một khối kiến thức cá nhân và đóng gói một chuỗi kiến thức chung phối trộn với nhau từ nhiều chuyên gia đòi hỏi thêm một vài kĩ năng khác. Đây là những phần diễn ra Trước khoá học.

Song song với việc phát triển sản phẩm, thì bạn cũng đồng thời cần phát triển những thứ xung quanh nó. Ví dụ như hình thức học, trải nghiệm phù hợp với các kiến thức này là gì? phương pháp học tập, tiếp xúc giữa giảng viên và học viên sẽ xảy ra thế nào? Có một gian phòng với các thiết bị học tập trang bị siêu chi li chi tiết, hay chỉ cần một group online? Người học và người dạy sẽ tương tác trực tiếp hay họ có thể giao tiếp bất-đồng-bộ? Kiến thức khúc chiết, nội dung học bài bản rồi thì hình thức và trải nghiệm học cũng phải được đảm bảo. Đây là phần Trong khoá học.

Khoá học mang đến kiến thức, và người học sẽ tiêu hoá nó để biến nó thành chất bổ cho tư duy của họ. Vậy làm sao để biết họ hấp thụ và chuyển hoá kiến thức tốt? Điều gì sẽ là tiêu chí đánh giá của bạn? thế nào là đạt được kết quả và thế nào là không? Thi cử hoặc đề án cuối khoá là điều buộc phải có, nếu không lớp học sẽ trở thành một buổi workshop hoặc đơn thuần là talkshow. Vậy thiết kế đề bài như thế nào? Các chứng nhận có được từ khoá học sẽ có giá trị thực học gì nếu thật sự người học cầm trên tay tấm bằng? Đây là phần Sau khoá học.

Cách bạn tạo ra giá trị cho người học?

Người học, nếu xét trên hành trình mà kiến thức là nhân vật chính, sẽ có thể là những NPC được tiếp xúc với người chơi và giao cho họ những nhiệm vụ dọc đường, sau đó trả cho người chơi những tài nguyên. Hoặc nếu sâu hơn, họ có thể là những đồng đội của bạn trong hành trình đánh boss, chinh phục thử thách, và bạn sẽ tìm cách để gia tăng giá trị cho họ.

Nếu bạn xoay câu chuyện ngược lại, người học chính là nhân vật chính thì cách bạn xây dựng câu chuyện sẽ là một cách khác. Đây cũng là một cách tiếp cận rất hay, tạo được giá trị và các hướng đi hay. Tuy nhiên trong góc nhìn này thì chúng ta sẽ không bàn đến nó nha.

Nhìn rộng ra bên ngoài sản phẩm đóng gói lại thành khoá học, bạn còn có thể tạo ra thêm các giá trị khác cho học viên không? Là cơ hội nghề nghiệp, là những định hướng cho cách dùng kiến thức bạn đã dạy? Là những mối quan hệ xung quanh trung tâm hoặc từ cộng đồng cựu học viên? Đôi khi học viên cảm thấy các giá trị bên cạnh kiến thức lại là cái rất quan trọng của một chương trình học, và nhiều khi bạn cũng không ngờ là các món quà đi kèm đó lại là thứ giá trị.

Trước, trong và sau việc học, những gì sẽ diễn ra? Bên cạnh một timeline rõ ràng của giáo trình thì còn gì có thể đính kèm vào quá trình đó? Với mình nhiều khi việc tư vấn cho người học từ lúc họ chưa đóng học phí đã là một cách để tạo ra giá trị, và người làm giáo vụ bên mình sẽ không chỉ đơn thuần là chốt sales mà còn phải là người hiểu về khoá học và cách lĩnh vực này hoạt động, từ đó đưa ra lời khuyên cho người muốn học.

Cách bạn xây dựng mô hình giá trình xung quanh khoá học
Cách bạn xây dựng mô hình giá trình xung quanh khoá học

Với doanh nghiệp sản xuất, bạn có thể thấy khi một sản phẩm cầm nắm trên tay, người ta dễ dàng hình dung nhiều tính chất và cả có những đánh giá rõ ràng cho nó. Người ta sẽ dễ đưa ra quyết định hơn khi có thể thử được sản phẩm, nên hoạt động sampling hay cho tặng là một điều rất thiết yếu. Vậy nếu với một doanh nghiệp kinh doanh kiến thức, thì sao? Thứ gì có thể cho, thứ thì có thể thử và thứ gì sẽ có học phí?

Bài toán nâng cao thêm một chút, bạn sẽ sẵn sàng “phát sampling” với cái gì trong vốn liếng kiến thức của bạn? và khi đã xác định được giới hạn “cho – thử – thật” thì bạn sẽ dùng chúng nó như thế nào?

Học viên sẽ đi đâu tiếp sau khi đã hết hành trình cùng bạn? Khi này về mặt giao dịch, bạn đã hết trách nhiệm với họ, tuy nhiên việc có thể tạo ra thêm giá trị hậu kì sẽ luôn trả lại những quả ngọt. Hãy nghĩ về những partner sẽ tiếp tục phục vụ người học của bạn và liên kết với họ. Có thể là một kênh phân phối nhân sự, một trung tâm đào tạo nâng cao hơn, một môi trường lao động luôn khát khao người lành nghề và giỏi.

Học viên sẽ còn có thể tận hưởng những dịch vụ giáo dục nào khác từ bạn? Điều này thường sẽ bắt đầu phát sinh khi bạn đã sắp đạt ngưỡng về tối ưu cho kiến thức đóng gói. Nếu vẫn còn chỗ để cải thiện hoặc còn khiếm khuyết cần khắc phục, người ta sẽ ít nghĩ ra bên ngoài, nó như kiểu bạn cần phải đổ đầy chiếc bình chính, sau đó khi thấy sắp hết chỗ bạn mới tìm thêm những chiếc bình phụ. Nếu có gì mà mình cần bạn lưu ý khi tạo ra thêm các sản phẩm phụ thì, hãy lưu ý tuyến truyện chính của câu chuyện kiến thức và tôn chỉ ban đầu.

Làm sao để người ta biết đến, quan tâm và chọn bạn?

Hay chuyên môn hơn: làm marketing, làm truyền thông.

Dù muốn dù không, khi bạn đọc đến đây, dù bạn đã ở nấc nào của hành trình xây dựng doanh nghiệp giáo dục đi nữa, thì chắc hẳn bạn đã đã thực hiện các tác vụ marketing rồi. Nếu vậy thì hãy tìm cách để làm nó bền vững hơn, hiệu suất hơn nữa.

Bạn sẽ xuất hiện với một chân dung thế nào? Dù hiện bạn đang là chuyên gia hay đã là một tổ chức rồi, thì phần hình ảnh này cũng sẽ là một chân dung quan trọng. Nếu hình dung tôn chỉ là cái lõi vô hình, kiến thức là cái khối giá trị và chuyên gia là con người chứa đựng nó, thì hình ảnh này là điều sẽ đọng lại trong tâm trí người nhìn thấy hoặc quan tâm đến bạn. Cần chuẩn bị cho nó thống nhất xuyên suốt và hợp lý.

Ai sẽ lắng nghe, họ ở đâu và nghe xong họ sẽ trở thành học viên của bạn chứ? Nếu bạn đã có một lượng học viên cụ thể trong quá trình đã diễn ra trước đây thì họ cũng là manh mối để bạn phác hoạ ra cái hình mẫu những đối tượng sẽ chú ý đến những thông tin của bạn. Thêm nữa, họ sẽ ở đâu để bạn tìm thấy họ, hay là bạn sẽ đến đâu để họ tìm thấy bạn? Nền tảng mạng xã hội? Các hội thảo du học? Ngày hội của trường? Những workshop về kĩ năng? Hay một kênh phân phối các kiến thức miễn phí nào đó?

Thu hẹp hơn nữa, bạn sẽ cần họ quan tâm đến kiến thức của bạn và sau đó sẽ là lựa chọn bạn như một người thầy đáng tin cậy để cung cấp dịch vụ giáo dục cho họ. Tìm thấy nhau, cho nhau thấy cái hay và thuyết phục họ lựa chọn mình.

làm cách nào để nổi bật giữa vô vàn trung tâm khác
làm cách nào để nổi bật giữa vô vàn trung tâm khác

Bạn đem lại gì cho người tiếp xúc với bạn? Bạn có thể CHO những gì, như ở phần trên đã đề cập? Có một cách khá hay để marketing cho dịch vụ đào tạo: bạn đem đến kiến thức miễn phí trước cho người ta và tạo một đường dẫn vào lộ trình học tập mà bạn đã tạo ra. Với một thứ đặc thù như kiến thức và giáo dục, sẽ có những cách giúp đỡ người học và biến thứ quà tặng đó trở thành một kênh marketing hiệu quả.

Tại sao họ lại phải chọn bạn? giữa những doanh nghiệp đào tạo khác? Câu hỏi này đôi khi sẽ là thứ rất khó trả lời, hoặc nó sẽ nằm sẵn đó ngay trong sự khác biệt của kiến thức cá nhân hoặc tập thể chuyên gia của bạn. Có khá nhiều bài học hay ở ngoài thị trường, nhưng đôi khi sẽ không thể nào bắt chước được những sự thành công của những doanh nghiệp giáo dục khác. Chỉ có thể gợi ý rằng đây là một thứ quan trọng, một chiếc chìa khoá để mở ra một tầng khác cho sự phát triển, vậy nên phải luôn trong trạng thái đi tìm kiếm/tạo ra nó.

Những điều gì quan trọng, những điều gì không?

Lại một lý thuyết be bé nữa, mình hay dùng một mô hình checklist theo dạng vòng tròn, chứ không phải một danh sách các hạng mục theo thứ tự. Tôn chỉ của checklist này là “hãy làm ra một hình tròn nhỏ và trọn vẹn, hơn là cố gắng làm ra những vòng tròn to nhưng méo mó”. Khi cần phải thực hiện gì đó, mình bỏ hết những thứ mình chợt nghĩ ra lên một không gian và xác định sẽ nó thuộc lớp nào của vòng tròn.

Khi điều kiện không cho phép thực hiện hết thì chúng ta cần phải đi từ trong tâm vòng tròn ra và xử lý các điều cốt lõi. Đó chính là việc xác định xem điều gì tối cần thiết, và điều gì có thể từ từ bổ sung.

checklist vòng tròn cho doanh nghiệp giáo dục (demo)
checklist vòng tròn

Ví dụ về việc điều này ảnh hưởng thế nào đến cách chọn lựa đầu tư hoặc tiêu tốn công sức: Đối với nhiều doanh nghiệp giáo dục khác, một địa điểm vất lý có thể là thứ quan trọng, nhưng với hình mẫu của TELOS Academy thì có thể để từ từ về sau. Có lúc điều này khác thường và khiến chương trình học kém hấp dẫn hơn (vì không có một không gian sang xịn mịn thì chắc là cũng thuộc dạng lôm côm), nhưng khi mọi người thay đổi tư duy thì cách nghĩ này lại giúp ích tụi mình khá nhiều.

Với chúng mình việc xây dựng một kho bài giảng có thể đem đi cho free sẽ quan trọng hơn, nằm ở gần trung tâm checklist hơn là việc phải có mặt bằng đẹp. Việc biết thứ gì quan trọng theo thứ tự checklist từ trọng tâm ra có thể sẽ giúp tổ chức của chúng ta tận dụng nguồn lực hạn chế một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Định giá, học phí và các vấn đề về tiền bạc

Đây là điều cuối cùng mình đề cập trong chuỗi các vấn đề về những yếu tố mang tính thực tế và xây dựng cho tổng thể, vì nó là thứ thực dụng nhất. Nhân vật chính và hành trình của ổng có tuyệt vời đến đâu, mang lại giá trị cao vời vợi thế nào, mà nhịn đói 3 bữa thì cũng xụi cả. Thu nhập của doanh nghiệp giáo dục chính là thứ đem lại sức sống và năng lượng cho bộ máy này vận hành.

Bài toán định giá cho kiến thức sau đóng gói là một bài toán nói dễ cũng dễ mà khó cũng khó. Thậm chí đến tận những giai đoạn gần đây mỗi khi cần phải cập nhật lại học phí cho các khoá học, đội ngũ nhà chúng mình cũng đang mơ hồ ở khá nhiều thứ và vẫn phải đi thu thập data từ nhiều nơi để xác định lại xem việc điều chỉnh giá có hợp lý không, và nếu hợp lý thì con số mới sẽ là bao nhiêu.

Khi còn là một chuyên gia đơn thuần, bạn có thể bắt đầu với suy nghĩ về giá trị của kiến thức mình có và việc nó sẽ tốn bao nhiêu công sức của bạn. Kết hợp thêm vào đó những chi phí cần có cho việc vận hành một lớp học (như thuê cơ sở vật chất, vận hành và tuyển sinh, quảng cáo hay làm truyền thông …) sau đó đem chia đều cho số lượng học viên trung bình bạn có thể hỗ trợ trong một lớp học.

học phí nên được xác lập như thế nào?
học phí nên được xác lập như thế nào?

Bạn có thể nhìn xem thị trường đang có những mức học phí nào từ các đối thủ hoặc các đơn vị có mô hình và kiểu sản phẩm tương tự. Bạn ngầm xác định vị trí mình trên bản đồ thị trường đó, và bạn quyết định về một mức phí phù hợp, dễ chấp nhận với học viên. Qua thời gian, bạn có thể nghĩ về việc định lượng những đơn vị kiến thức của mình thành khối và tính học phí cho nó, nếu nó thật sự hữu ích và đem lại giá trị cho người học rõ rệt thì việc họ sẵn sàng trả học phí cao là hoàn toàn dễ hiểu.

Cũng với công thức đó thì ở quy mô tổ chức, mọi thứ có thể phức tạp hơn với nhiều biến số hơn và chi phí cho những phần thuộc vùng xa trung tâm hơn của checklist vòng tròn ở trên. Cũng bởi vì thế nên sự cân bằng giữa việc tận dụng nguồn lực để gia tăng giá trị của dịch vụ giáo dục hay lược bỏ thứ không quá cần thiết để giúp duy trì tình bền vững của mô hình doanh nghiệp giáo dục sẽ là một câu chuyện ngày qua ngày và không bao giờ dứt.

Những hình mẫu có thể mang đi

Sau hai phần rất dày đặc những kinh nghiệm, câu chuyện, trải nghiệm và sự khái quát hoá từ mình và TELOS Academy, thì mình nghĩ đã đến lúc tóm tắt lại. Một sự đúc kết.

Nếu bạn đã đi đến tận dòng này, thì mình nghĩ mức độ quan tâm và mong muốn tìm hiểu về một doanh nghiệp giáo dục của bạn đã rất là ấn tượng. Không rõ bạn đang chỉ tò mò về hành trình đã diễn ra của mình, hay bạn đang mong chờ vào việc sẽ có cho mình một tổ chức như vậy? Cũng có thể bạn đã bước chân trên hành trình xây dựng một trung tâm như vậy rồi và đang tìm kiếm những góc nhìn mới để phát triển hơn cái bạn đang có. Dù là gì thì hy vọng những kiến thức mình viết ra sẽ cho bạn nhiều thứ để làm tốt hơn.

Nếu bạn cũng định làm, điều gì có thể rút ra?

Một trong những điều mình sợ khi đóng vai trò tư vấn và đưa ra góc nhìn tác động đến quyết định là, thực tế mỗi một tổ chức sẽ có những vấn đề khác nhau và những con đường để đi, những mấu chốt thành công khác nhau. Cái mình có với TELOS Academy đang ổn và khiến mình tự tin, nhưng không hẳn là cứ áp dụng triệt để thì nó sẽ thành công ở một mô hình khác.

Nếu bạn muốn một bài học, chắc mình sẽ không có một framework đảm bảo, một công thức tuyệt đối thành công. Mình có những quan điểm, và nó sẽ góp vào cho bạn các thông tin, dữ liệu để đưa ra định hướng. May mắn hơn nữa nó có thể tạo cảm hứng và động lực.

Đi cùng nhau không?

Năm 2025, mình và team TLA không chỉ đơn thuần là giảng dạy và đóng gói kiến thức cho các bạn học viên nữa. Tụi mình bắt đầu nghĩ về chuyện cung cấp các dịch vụ tư vấn và đồng hành cùng các đơn vị giáo dục như một phần phụ của các giá trị mà TLA có thể tạo ra.

Hiện tại TELOS Academy vẫn chưa có một cấu trúc gọn gàng cho loại hình dịch vụ này, khi nhu cầu xuất hiện tụi mình sẽ tìm cách để lượng hoá nó. Nếu bạn muốn thử, chúng ta có thể cùng đi trong câu chuyện doanh nghiệp giáo dục của bạn.

Lưu Trọng Nhân
Creative thinker. Entrepreneur

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.