"Tài cá hủ, ngọ kiu Lầu Chóng Dành..." (*)
1. Khởi (起)
Mình hiện tại đang có bốn ngôn ngữ trong người. Tiếng Việt là thứ đã sinh ra, lớn lên cùng mình, công cụ mình dùng nhiều nhất, thuận lợi nhất, và cũng là thứ mình yêu thích sử dụng nhất. Tiếng Anh là một trang bị bắt buộc, vì nó là thứ mà cả xã hội dùng, nó là ngoại ngữ mà mình dành nhiều thời gian để học và xài, thế nên nó có thể được dùng thoải mái, cũng như tốt nhất. Tiếng Trung Quan thoại/Phổ thông là do mình vô tình va phải trên đường tìm kiếm chỗ học tiếng Quảng Đông, thêm nữa cũng bởi nó dễ tiếp cận, lại hay và nhiều tầng lớp ý nghĩa nên mình không ngần ngại mà tiếp thu nó để dùng luôn.
Mình là người Việt không có gốc Hoa, hoặc nếu có chắc cũng từ đời xưa xửa nào đó mà chả ai trong dòng họ còn nhớ rõ nữa rồi. Gia đình mình không ai nói tiếng Hoa, cho đến tận 4-5 năm trước mình không hề nghĩ mình sẽ chủ động đi học tiếng Quảng Đông để làm gì. Mình và tiếng Quảng Đông chả có bất kỳ sợi dây liên kết nào rõ rệt, trong suốt khoảng thời gian từ lúc mình mới sinh ra cho đến …ummm, một thời điểm đặc biệt nào đó mình chả rõ, bụp một phát, mình quyết định là phải đi học nó. Chả vì lý do gì, chả vì động lực gì, rất lạ.
2. Duyên (緣)
Tiếng Quảng Đông, khác nhất trong cả ba ngoại ngữ, là thứ mình chủ động đi tìm và cố công mà tìm cho ra được nơi để có thể học được nó, không mục đích gì ngoài nói, nghe và tận hưởng cảm giác của một người sử dụng ngôn ngữ đó. Không có lý do hay lợi ích đính kèm, nó là một sự yêu thích đơn thuần.
Như chuyện ngày nọ, bạn phát hiện ra mình có niềm quan tâm đặc biệt đến một cô hàng xóm đã giáp mặt nhau cả trăm lần trước giờ. Hoặc giả, bạn đột nhiên muốn trở thành một đầu bếp, một họa sĩ, một chuyên gia, chả vụ lợi gì, chỉ vì thích. Có thể, “con bướm của định mệnh” đâu đó đã vỗ cánh từ một miền xa xôi, gây ra hàng loạt phản ứng dây chuyền, và nó kết thúc ở chỗ não mình. Não quyết định rằng “Ê, tao muốn học tiếng Quảng Đông”.
Ừ. Thì học thôi.
Ở Sài Gòn nhiều người nói tiếng Quảng, họ là một cộng đồng lớn và dễ dàng tìm gặp. Nhưng để tìm được một người có thể dạy, hơn nữa là dạy theo kiểu mình muốn học thì thật rất khó. Ấy vậy mà vô tình thế nào vẫn tìm ra, cũng rất tình cờ khi đối diện chỗ mình làm freelance ngày đó lại là nhà của một gia đình gốc Triều Châu, với thầy mình ở trỏng. Thầy mình là một “Đường Nhân” (cách người Hoa di cư sang Việt Nam tự nhận mình) năm nay đã hơn 70 tuổi, biết cả tiếng Tiều, Quảng, Phổ thông. Một tờ giấy đánh máy tính A4 trước cửa nhà để “nhận dạy tiếng Hoa giao tiếp”, vậy thôi đó, là tìm thấy.
Tuy thầy không phải dân sư phạm, cách dạy không chuẩn mực, nhưng nhờ vậy nó lại rất phù hợp với lối học “bản năng” của mình. Nhiều khi ngẫm chứ đúng là duyên tới cản không được.
3. Tố (做)
Tìm được thầy rồi, nhưng mình vẫn chưa bắt đầu với tiếng Quảng. Suốt khoảng gần một năm đầu mình học tiếng Phổ thông vì rủ bạn học cùng và nó không chịu hông tiếng Quảng. Sau khi đã dứt điểm hết cuốn sách cơ bản về tiếng Phổ thông, có thể bập bẹ một vài đoạn hội thoại bi bô như trẻ em, bạn mình nghỉ. Mình tiếp tục ở lại và chuyển sang học tiếng Quảng Đông, theo một cách tự nhiên nhưng ít gặp, đó là kiểu học ngôn ngữ của mấy đứa trẻ 1-2 tuổi.
Tất nhiên cũng cần đôi ba bài vở, một vài mẫu ngữ pháp cơ bản cái cắm đâu đó rải rác trong cả quá trình học. Tuy nhiên đa phần mình tập trung cho câu chuyện hấp thụ ngôn ngữ thông qua việc đặt bản thân mình vào trạng thái chưa biết gì, ngồi nghe những câu nói vu vơ và tập hiểu dần, kết nối các từ ngữ với nhau, sau đó là bắt chước nói theo. Rất chập chững nhưng lại thú vị.
Đến giờ này, chắc “đứa trẻ” cũng đã được 4-5 tuổi, và nó bắt đầu phát hiện nhiều cái hay trong lối dùng của tiếng nói, trong cách người ta kết hợp các từ lại, cho ra những ý nghĩa mới. Nó nhận ra thêm rằng những điều đó ảnh hưởng gì đến lối suy nghĩ của một người nói thứ tiếng đó, chịu ảnh hưởng bởi thứ văn hóa đó. Cái cảm giác tìm thấy những điều thú vị đó, nó cứ khiến cho chuyện tiếp thu thêm những điều mới không bị gò bó và ngán ngẩm.
4. Luyện (練)
Tất nhiên việc học một ngôn ngữ không chỉ gói gọn trong khung cảnh bạn ngồi vào bàn và sẵn sàng chờ người hướng dẫn đút cho từng “thìa ngôn ngữ”, mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi. Suốt một thời gian dài trước đó, mình dùng âm nhạc cùng những thứ liên quan tiếng Quảng Đông để thực hiện việc mình hay gọi là “tắm trong ngôn ngữ“. Mình cứ để nó phát ra rả bên tai mình dù mình không thật hiểu cái gì đang diễn ra.
Những công cuộc này mình cứ để nó diễn ra cả chủ động lẫn thụ động. Có ngày cả 8 tiếng làm việc ở công ty, tai nghe mình toàn phát nhạc Quảng Đông. Ngoài mấy bài bất hủ thời 8x-9x, mình nghe cả rap, cả mấy cái tin tức random bằng tiếng Quảng. Thực sự thì mình chả cảm giác đó là bỏ công ra học, nhưng hiệu quả của nó khá là tốt và sâu.
Thời gian sau đó là lắng nghe và hiểu, một cách có chủ đích hơn. Mình bước vào giai đoạn “chủ động tiếp nhận thông tin“. Mình lắng nghe mấy cái thầy mình nói về đủ thứ chủ đề, cuộc sống thường nhật, hoặc chuyện xưa, chuyện đông chuyện tây. Khi bắt gặp từ lạ thì phản xạ đầu tiên của mình là “giả vờ biết”, lồng ghép nó vào cả câu văn xem có ý nghĩa gì. Bí bách lắm mình mới hỏi.
Mình qua ngồi lắng nghe những câu chuyện rời rạc hoặc được chấp vá đó đều đặn đến đâu tầm nửa năm, mình đã có thể chủ động bước vào giai đoạn “tạo lập ngôn ngữ“, hay nôm na dễ hiểu là nói và hồi đáp lại. Có những bước sản xuất ngôn ngữ cho riêng mình.
5. Ngoạn (玩)
Tới một lúc nào đó khi bạn có đủ thông tin và thoải mái với một thứ gì đó, bạn sẽ tìm được cách để chơi với nó. Càng học, càng nhiều trò để chơi. Càng chơi với cái mớ chữ đã học thì đồng thời cũng học thêm được nhiều thứ mới. Kể ra thì thật sự nhiều, đơn cử vui vui vài cái dưới đây.
Điều thú vị trong quá trình học tiếng Quảng Đông đó là ngôn ngữ này nó khá gần gũi với tiếng Việt, đặc biệt là đối với tiếng Việt miền Nam. Sự giống nhau xuất hiện ở nhiều phương diện, như về mặt cấu trúc từ, câu, về mặt từ vựng và cả các âm tiết, thế nên chuyện đoán đúng từ rất dễ xảy ra. Chưa kể là có hàng loạt từ vựng tiếng Việt là từ mượn của tiếng Quảng, thế nên có khá nhiều manh mối để bạn có thể đoán được.
Ví dụ bạn đã từng biết chữ “gia” trong “gia đình” (phát âm nghe như là “cá thình”), bạn biết thêm chữ “bảo đảm” đọc nghe như là “bổu đảm” và bạn muốn nói chữ “gia giảm” (hai chữ “gia” này tuy đồng âm mà khác nghĩa nhau, trong cả tiếng Việt và Quảng). Bạn sẽ tự suy luận là âm đọc của nó sẽ là “Cá cảm“. Tèn ten, xin chúc mừng, nó đúng là thế thật. Mình dùng phương pháp suy đoán đó với những từ vựng có gốc Hán rất nhiều và tỉ lệ trúng rất cao. Tất nhiên sẽ có những trường hợp biến âm ngoại lệ hoặc nghĩa của chữ bị thay đổi, cơ mà nếu nó sai thì chỉ cần được sửa lại bạn sẽ dễ nhớ nó hơn.
Hoặc khi bắt đầu nghiên cứu, mình mới nhận ra một phần không nhỏ lời ăn tiếng nói của dân Nam Kỳ lục tỉnh mang âm hưởng tiếng Quảng Đông. Những “Hầm bà lằng”, “ba bảy hai mốt” hay “xàm xí”,”số zách”, rồi hàng loạt tên những món ăn đã quen mặt, quen mùi, thậm chí cả các từ lóng về tệ nạn, phong cách chửi bậy cũng vương vấn đâu đó một phần văn hóa người Hoa Chợ Lớn. Vậy là vô tình, học ngôn ngữ này mà lại đi bồi bổ thêm cho vốn kiến thức của chuyện khác.
Hấp thụ thêm vào đó là một cảm nhận rõ rệt hơn về văn hóa và tính cách của những con người thuộc một dân tộc khác nữa cơ. Những ngày tết Nguyên Tiêu, những dịp lễ Thanh Minh giờ tự nhiên nó chui vào danh sách sự kiện trong năm của mình. Những hàng quán chè, nước sâm, tiệm hủ tíu hay tiệm cơm người Hoa cũng lọt vào check list cần đến thường xuyên. Thật ra ngôn ngữ – văn hóa là một cặp đôi không thể tách rời, rất khó để học riêng biệt chỉ một trong hai, thậm chí có thể cho là bất khả thi.
À còn cái nữa, một trong những cảm giác thú vị nhất chính là được cười với những câu đùa của những người nói thứ tiếng đó, khó giải thích ra nhưng lần đầu tiên hiểu và cười với một cái pun tiếng Quảng Đông làm mình thấy sướng hơn học được 100 từ vựng mới =)).
Tới được mức độ chơi đùa với ngôn ngữ cho người học(nhất là học mà chả vì lợi ích gì) như mình một loạt những trải nghiệm rất hài lòng, thỏa mãn, và “đã”.
6. Thành (成)
Thế rồi kể từ đó đến nay, mình đã cứ lênh đênh như vậy trên cái dòng ngôn ngữ của tiếng Quảng Đông, bồng bềnh mà tận hưởng. Thật ra vì không có mục tiêu nên chuyện đạt được một điều gì đó cũng không quá làm mình bận tâm. Vậy nhưng cứ trôi mãi trôi mãi, chơi đùa vu vơ hoài thì cảm thấy cũng không ổn cho lắm. Mình cần một tí bến bờ nào đó để mà thật sự bơi về, và mình cho là nó nên là một mức độ thuần thục trông thấy được của việc sử dụng ngôn ngữ.
Tiếc là mình chưa có một môi trường nào đó để trải nghiệm. Bạn biết đấy, Sài Gòn có nhiều người Hoa, nhưng việc mình và họ có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt làm chuyện mở miệng bắt chuyện bằng tiếng Quảng trở nên rất trở ngại. Giống như bạn đã viết tốt bằng tay phải, giờ lại tranh thủ tận dụng việc gì đó để ngồi tập viết tay trái, người xung quanh không có thời gian còn bạn thì biết mình có thể dùng một công cụ khác nhanh hơn, và họ bảo bạn sử dụng nó đi. Vậy nên mãi mình chả có cơ hội để thử nghiệm, cho tới khi…
Khoảng hơn một tháng trước, mình rất có duyên (lại là “duyên”) gặp được một bạn người Úc. Hay ho, và cũng trớ trêu, thế nào mà bạn lại là người Úc gốc Quảng Đông, và bạn là người thứ ba trên cái cuộc đời này mình nói chuyện bằng tiếng Quảng, sau ông thầy và một ông chú ở quê. Tất nhiên, giữa cả hai có một cái lingua franca khác là tiếng Anh, nhưng hôm đó chúng mình đã chọn tiếng Quảng Đông làm cầu nối để giao tiếp, và mọi thứ diễn ra khá ổn.
Dù có sự bập bẹ, sai sót và cả nghe không rõ giọng nhau vì “vùng miền”(vâng, tiếng Quảng Đông thì cũng sẽ có nhiều giọng địa phương), nhưng nhìn chung quá trình truyền đạt thông tin của đôi bên không bị trục trặc gì nhiều. Bạn bảo bạn không ngờ là đi sang tận Việt Nam và lại có thể dùng tiếng Quảng, còn mình thì bảo là mình cũng không ngờ người đầu tiên mình sử dụng tiếng Quảng Đông để giao tiếp như một công cụ thật sự lại là… người Úc. Sau buổi tối đó, mình nhận ra là quá trình học đã có những kết quả nhất định. Một kiểu niềm vui mới, khi mình dùng được thứ trước giờ mình theo đuổi vô tư mà không quá quan tâm tới kết quả.
7. Tiếp (接)
Mình viết ra bài này trong những ngày cách ly xã hội chống dịch Covid-19. Chỉ là do dừng việc qua nhà thầy học trong vài tuần, nên ngồi viết ra để tạm tổng kết xem đã trải qua những gì, cũng không ngờ nó lại dài thế.
Việc học, và đặc biệt là học ngôn ngữ, thì sẽ không có cái gọi là “Kết”, nên đoạn cuối bài này sẽ là một chữ “Tiếp”. Mình sẽ vẫn tiếp tục những bước đều đặn khi trôi lờ đờ trên cái dòng ngôn ngữ này, tuy nhiên sẽ phải có thêm vài ba pha nhấn nhá để quá trình học trở nên phát triển hơn, tốt hơn. Sẽ là một điểm đến du lịch, HongKong hay Quảng Châu gì đấy? Sẽ là một vài mối quan hệ giao tiếp với những người Hoa ở “Thày Ngòn“? Hoặc sẽ là gì đó khác hơn nữa mà mình chưa nghĩ ra…
Nhưng mà cứ bước đi, cứ tận hưởng thôi.
(*) – Câu giới thiệu ở sub-title là “xin chào các bạn, tôi tên là Lưu Trọng Nhân” phiên âm tiếng Quảng Đông