...để rồi lãng quên
Tản mạn xíu
Hát một bài hát riêng tư ngày trước cho mọi người nghe sau này, để mọi thứ chìm vào quên lãng là một kiểu cảm giác kì lạ. Âm nhạc, lời thơ hay các tác phẩm nghệ thuật nói chung có nhiều kiểu triết lý. Nhiều khi nó chỉ gom gọn lại khúc chiết trong đôi ba dòng, nhưng lại mang đến khoảnh khắc thay đổi cả một cách nhìn, và kéo theo đó là cả những cách hành xử của một người kể từ đó về sau.
Chừng hơn một chục năm trước, mình nghe được giai điệu của Giọt nắng bên thềm. Cả bài nó phảng phất một nỗi buồn của nhiều đổi thay, của sự chuyển dời một không gian yêu đương chỉ gồm hai người ra thành một tác phẩm của cộng đồng. Bài hát cứ kéo dần kéo dần người nghe lên trên con dốc của sự tiêng tiếc, nuôi nuối… rồi tự nhiên nó thả rơi mình vô cái đỉnh buồn khi “bài hát cho em giờ đã hát cho mọi người, để rồi lãng quên”.
Thật ra cao trào của bài hát, với nhiều người nó có thể đến sau đó, với phần điệp khúc, với phần da diết kết thúc ở giai điệu phía sau. Nhưng với mình, cái khoảnh khắc phá vỡ sự riêng tư đó, là những câu ngắn gọn, sâu thẳm và đắt giá nhất của cả một thời nghe nhạc tuổi 18~20.
Tác giả Thanh Tùng chỉ nhẹ nhàng bảo hôm đó ngồi chơi trước sân thì thấy tia nắng, vậy là viết ra một ca khúc với cái ý đó, chứ có gì sâu xa đâu. Chả biết câu chuyện có gốc gác vu vơ thế nào, nhưng cái vết hằn của bài hát nó đã đi theo mình hết những yêu đương tuổi trẻ.
Nay sầu tình một tí, không biết viết vào đâu thì lại viết ra ở đây.
Sự trọn vẹn của những riêng tư…
Trải qua mấy bận yêu đương, mình vẫn cảm thấy điểm quý giá nhất của những tỏ tình, những yêu thương nó là sự độc nhất và riêng tư. Tức nghĩa, đã là một lần yêu thì những gì mình làm, mình trao đi và cả những nỗi buồn mình mang, sẽ là dành cho người kia. Chúng nó đều sẽ là của riêng họ, dành cho riêng họ và nó sẽ mãi mãi không bao giờ được công khai ra.
Điều này dần dần hình thành một tôn chỉ trong cách mình thể hiện yêu thương và giữ cho cái yêu thương đó ở trong một cái vùng riêng tư. Bạn bè có thể sẽ rất ít biết mình đã và đang làm gì trong mối quan hệ với người yêu, kể cả khi chia tay nhau, thứ mình thông báo cho mọi người biết chắc cũng chỉ là một tí gì đó của câu chuyện. Nên bạn bè cảm giác mình không có gì là đau buồn kể cả đang trong cơn đổ vỡ.
Với mình, chúng nó như những riêng tư, trọn vẹn. Nó có thể là những gì trải qua cùng nhau, những gì mình đã trao tặng cả vật chất và tinh thần. Nhìn chung nó là một cuốn phim chỉ tồn tại trong tâm trí hai người xem.
Mình là một người bày tỏ kém, nên cách thông thường và ít tốn chất xám nhất, mình sẽ dùng hết những năng lực của hành động để làm những điều tốt nhất cho người kia. Đón đưa, ăn uống, dành thời gian an ủi và cả những âu lo,… dần dần trở thành những điều mình đã quen thuộc và sẵn sàng làm mỗi ngày. Nhưng đôi khi điều đó với mình vẫn chưa đủ, vậy nên mình thích để lại cho họ những di sản. Là âm nhạc, và chữ nghĩa. Nó sẽ không phải là một sản phẩm sáng tạo, không phải là một câu chuyện phục vụ cho công việc, nên nó rất thuần túy là một công cụ truyền tải cảm xúc.
Mình thích những di sản như vậy, nó thuần túy là một giá trị tình cảm được hiện thực hóa thông qua năng lực sáng tạo của mình. Không cần phải quá gồng gánh và truyền tải nhiều thông điệp, nó chỉ là một lát cắt của cảm xúc mình trong một lần hết lòng. Và do nó thật nên nó rất quý (dù chưa biết có hay ho xuất sắc hay không).
Và tất nhiên, nó sẽ phải được gói chặt trong một lớp bọc của sự riêng tư và gởi đi. Người ta nhận nó và đồng thời người ta sẽ sở hữu riêng một mảng cảm xúc của mình luôn, chả cần phải lo sợ san sẻ nó một cách công cộng với ai. Việc không cần phải hé lộ với ai về cái cục tình cảm đó không khiến mình khó chịu mà đồng thời lại còn khiến mình vui vì đó là cái nó vốn là.
Trao đi những khía cạnh riêng tư của cảm xúc, với mình cũng là một ngôn ngữ tình cảm.
…và sự hợp tan, và những gỡ bỏ…
Thì hợp, thì hết lòng, thì rồi để lại cho nhau bao nhiêu di sản yêu đương. Vậy nếu có tan âu cũng là lẽ thường, nhỉ?
Thật ra thì dù có giác ngộ tới mức nào, mỗi lần bước ra khỏi một cuộc tình nó cũng sẽ là những chuỗi dài của cố gắng và phục hồi. Y như việc bạn biết cơ chế của một cơn đau vật lý là do điều này điều kia, nhưng đau thì vẫn nó vẫn đau và cơ thể sinh học của bạn nó vẫn sẽ có những giới hạn mà nhận thức không có cách nào cứu chuộc được. Cơn thất tình cũng phần nào y vậy.
Vậy nên có nhiều kiểu cảm xúc riêng tư mình giữ lại trông nó rất kì khôi. Mình nhớ có một lần nọ mình không uống Phúc Long trong hơn cả năm trời vì với mình nó là một “trải nghiệm riêng tư” với người yêu cũ =)). Chuyện cũng dễ lắm vì về bản chất mình cũng không thích hương vị của Phúc Long, mình chỉ nhớ là mình thích uống nó cùng bạn kia, nhưng đôi khi công ty rủ hoặc bạn bè muốn đến Phúc Long mình cũng lần lữa chọn từ chối. Chả phải một nghi thức hay tín điều gì, chỉ là nhiều khi cảm xúc nó không cho phép thì tự nhiên mình làm không được.
Khá khó để gỡ bỏ những riêng tư ra khỏi câu chuyện cũ, con đường cũ, nhất là khi mình đã cố hình thành những thói quen xung quanh nó.
Sự chấp nhận hòa tan cho những xưa cũ…
Chuyện “đem bài hát cũ, hát cho mọi người” đôi khi không chỉ tồn tại trong câu chuyện thuần túy của việc giải phóng cho những yêu thương riêng tư ra ngoài. Nó còn là ẩn dụ cho một dấu mốc để giải phóng chính bản thân khỏi những thói quen cũ.
Đối với mình, sẽ có những bước chuyển dần dần. Chứ tình cảm nó không thể là một cái công tắc mà bật lên thì bật rồi ngày nọ tự dưng hào hứng tắt đi như chưa có gì. Và quá trình hòa tan đó đòi hỏi nhiều thứ.
Mình nhận thấy mọi thứ như một vệt chuyển sắc dài. Bạn rời khỏi vùng màu đen từ khi nào thì bạn cũng chả rõ, chỉ biết một ngày đẹp trời nọ thì thấy mình đã ở một mảng sáng hơn rất nhiều. Khi ấy tự nhiên kể về những chuyện riêng tư ngày cũ cũng thấy có nhiều thoải mái hơn.
Như lúc nọ, cũng nhẹ nhàng muốn thử lại một điều gì đó mà suốt thời gian trước đó mình không dám thử. Và làm nó một mình. Một ngày đẹp trời nọ sau nhiều năm chia tay mình thử nghe lại bài hát cũ mình viết cho người ta. Niềm vui là mình thấy nó hay chứ không thấy mình ở trong đó nữa. Mình nhớ vì sao giai điệu lại như vậy, ca từ lại như vậy, mình nhớ những cảm xúc của ngày đó.
Một lúc khác, mình đi hỏi bạn bè là “ê, muốn nghe thử bài hồi xưa tao viết hông?”. Rồi mình đánh nó nghe, để góp ý về những kĩ thuật, về cái sáng tạo và cái hạn chế thú vị của tác phẩm. Mình gật gù kể về ngày xưa như một câu chuyện gì đó mà mình nhìn ở ngôi thứ 3.
Và mình cảm thấy tốt vì nó đã ở đó, ở kia và ở đây.
Ừa rồi thì?
Thì như bao nhiêu hành trình, bao nhiêu câu chuyện khác, tình cảm cũng là một đời sống mà khi người ta bước vào người ta cũng dè dặt khi nghĩ về cái kết. Nhưng, những quy luật, ừa, đệch cụ những quy luật, có đôi khi mình phải chấp nhận là nó sẽ lăn ra chết bất thình lình.
Rồi giờ sao? Có người chọn đem chôn, có người chọn sống vật vờ và không tin tình cảm đã chết, cũng có những kẻ thực dụng đem cái chết nọ biến thành di sản. Di sản nhiều khi, ừ, như nhân vật trong Giọt nắng bên thêm, nó phải là một bài hát cho mọi người, hay cụ thể hơn là một tác phẩm dành cho đại chúng. Đôi khi nó chỉ cần là một trải nghiệm khiến bản thân trở nên tốt hơn so với chính mình khi bước vào đoạn tình cảm đó.
Như mình, mình sẽ đem những riêng tư đó thành nguyên liệu cho sáng tạo, cho những yêu thương sau này.
Vậy nên, nếu hôm nào rảnh thì đi uống Phúc Long, he?