Và những chất chứa thú vị
Chapter .00 – Những sự trì hoãn ban đầu…
Kì lạ là người ta nghĩ nhiều về nỗi buồn nhưng lại ít khi bộc lộ về nó. Ngay cả khi người ta bắt đầu muốn nói về nó, vẫn sẽ có đôi chút khó khăn khi diễn đạt ra. Bài viết này tôi cất đâu đó cũng mấy tuần lễ kể từ sau ngày viết ra cái tiêu đề cũng như nghĩ đến ý tưởng trình bày nó. Dù có người hứa thưởng kẹo, tôi vẫn lười viết. Ayyy, xem nào, để kể đến những cách buồn nơi công cộng thì ta có…
Chapter .01 – Cười với nỗi buồn hay “cười vào mặt nỗi buồn”
Tôi hay làm mọi người cười khi kể về chuyện buồn của mình. Và thật sự thì tôi thấy ổn với chuyện đó, vì dù gì đi nữa nó cũng vui. Người ta hay bảo sự việc diễn ra là một phần nhỏ còn thái độ của mình với nó mới thật sự là quan trọng, vậy nên nhiều khi tôi chọn cách cười vui với nỗi buồn của mình. Dần dà nó trở thành một thứ thương hiệu bất đắc dĩ, khi bạn bè bắt đầu bất lực trong việc an ủi. Theo nghĩa đen, vì họ đang mải bận cười =)).
Thật ra thì cách đó không có gì là tệ hay không phải khi buộc phải đối mặt với nỗi buồn cả, nhưng nó khá dễ gây nghiện vì bạn quen thuộc với nó đến một thời gian nào đó rồi thì cách bạn trình bày sẽ xoay quanh những tình tiết châm biếm và thú vị trong nỗi buồn. Xem nào, lần buồn này đem đến những điều gì kì lạ, cơn đau đó lấy đâu những thứ trái khoáy đến vô lý, hay nỗi thất vọng kia nó được cường điệu lên thế nào nghe cho hài hước… Não của bạn, khi đến đoạn đó, thay vì thong thả mà cảm nhận nỗi buồn thì… không, nó lại vận dụng hết tài năng để đi châm biếm. Người ta gọi hiện tượng đó là “não-nề”.
Trong vài khía cạnh, tấu hài trên nỗi buồn của bản thân bồi bổ kha khá cho những kĩ năng sáng tạo. Nhưng mặt khác, nó lại giảm bớt nét đa dạng trong cách người ta thể hiện mình. Tâm hồn cũng cần sự đa dạng trong khẩu phần cảm xúc như cơ thể. Nên dù nó biết rằng một nụ cười là mười thang thuốc bổ, tâm hồn đôi khi cũng “chợt thèm rau đắng nấu canh(1)”, vì đó là con đường quay về với những cảm xúc nguyên bản. Buồn cho nó ra trò ra trống. Và thế là một ngày nọ tự nhiên tôi thấy mình nên cân nhắc khi dùng cách đó cười cợt bông đùa khi kể về nỗi buồn.
Chapter .02 – Âm nhạc và những sự cảm thông
Tôi thích âm nhạc và cách cảm xúc chảy qua lăng kính âm nhạc. Từ ngữ cho ta một thứ mô tả cảm xúc trên mặt phẳng 2D thì âm nhạc dựng nó lên thành một không gian đa chiều, phân tách các layer cảm xúc và mô phỏng cách các thể loại lên xuống nặng nhẹ đang chảy vòng vòng trong suy nghĩ con người. Thậm chí một hai hợp âm hay cách thay đổi vị trí note, âm nhạc gọi tên chính xác những cảm xúc mà thiên ngôn vạn ngữ vẫn mới chỉ có thể gợi ra đôi chút. Nếu may mắn âm nhạc và ngôn từ có thể bắt tay nhau trong một hỗn hợp khéo léo, đó sẽ là những người dẫn đường cảm xúc tuyệt vời để đưa bạn đến nơi bạn cần tìm. Mà thôi cái đó chút nói sau…
Nỗi buồn khi rơi vào tay âm nhạc cũng sẽ được gọi tên. Và nhiều khi đó là tất cả những gì một người đang buồn cần, tôi muốn biết tôi đang ôm cái cục gì mà nặng quá. Việc nhận ra rằng, ừ thì cái thứ mình đang bao trùm mình, bắt mình lặn ngụp dở dở ương ương này hóa ra nó cũng có một cách để thể hiện ra, sẽ mang đến cho chúng ta những tia sáng đầu tiên để giải tỏa thứ nặng nề đó.
Đấy, và hôm đấy âm nhạc đến hắng giọng nói rằng: Theo như tôi thấy thì nỗi buồn của bạn là một vòng giai điệu với hợp âm cuối khuyết mất một note và nó được chơi bằng một loại nhạc cụ thuộc bộ dây kéo…. ơ là sao pa? Là vậy đấy, nằm đấy lắng nghe đi.
Chapter .03 – Những lời ca của người ta, hay cách chúng ta hát lên câu chuyện của mình
Như lúc nãy có bảo, âm nhạc đi kèm ngôn từ là một thứ cảm xúc có định hướng, một câu chuyện kể rõ ràng hơn. Ở góc nhìn ngược lại thì khi ngôn ngữ có âm nhạc, ngôn ngữ thể hiện được cho người đọc người nghe những bề mặt khác mà câu chuyện đang được kể không nói hết bằng lời.
Và một bài hát có lời, nó cũng vô tình tạo ra một lớp màn vừa đủ trong suốt, lại đủ mơ hồ để khi ai đó buồn họ có thể mượn nó để trưng ra. Bạn có thể chọn ra một kiểu buồn và một câu chuyện buồn để giả vờ nó là của ai đó, rồi kể người ta nghe về lòng mình. Người nghe vừa được tận hưởng một tác phẩm, lại đỡ bị “khúm núm(2)” khi phải nghe ai đó kêu than về nỗi buồn. Khác với cách phủ lấp nó bằng nụ cười, người ta phủ lấp nó với sự ẩn danh vào những bài hát mà “giờ đã hát cho mọi người(3)”.
Thế là tôi hay hát nhạc buồn, vì đó là một kênh để khoe nỗi buồn vừa to lại vừa tự nhiên, ít bị chất vấn hay gây khó xử.
Chapter .04 – Tìm ra những nơi chốn ta có thể thoải mái buồn mà không cần ái ngại
Mỗi người sẽ có những kiểu nơi chốn khác nhau để tự tin mà bước vào đó để buồn. Chả trách sao người ta hay gán chuyện “đi nặng đi nhẹ” với buồn. Vì có một ít liên quan nhất định, và cụ thể nhất là ở đây là “cần một nơi chốn phù hợp để giải tỏa”.
Nơi chốn của nỗi buồn không nhất định phải là không gian vật lý. Với tôi thì nhiều khi là những con đường dài lòng vòng và thưa thưa người, tôi sẽ lái xe và hát vu vơ hoặc nghĩ chuyện này chuyện nọ. Hoặc đó là những khi lẩn trốn vào một ngôn ngữ khác, khi tôi muốn nói ra thành lời thứ cảm xúc của mình mà không ngại ngùng vì tiếng mẹ đẻ của mình làm nó trở nên “trực tiếp” quá thể. Hoặc một ai đó đặc biệt có thể cùng lắng nghe, cùng bàn tán về nỗi buồn như một mối quan tâm tử tế, một sự đồng cảm đủ để lan tỏa qua lại và cộng hưởng vào nhau.
Cười với nhau thì dễ nhưng trông chờ những gì âu lo và cùng nhau đặt tên cho những nỗi buồn sẽ là một câu chuyện đòi hỏi nhiều sự thấu hiểu và nỗ lực hơn. Ai cũng muốn cùng bạn đi đến những nơi chốn phồn hoa, vậy ai sẽ xông vào toilet để đưa giấy cho bạn =))? Tìm được một “nơi chốn” như thế là một điều đáng quý, dù là ở giai đoạn nào.
Chapter cuối – Người cần nghe nhất về nỗi buồn của ta?
Chính là bản thân ta. Dù bằng tiếng gì, ngôn ngữ gì hay cách thức gì, ta cũng nên nói cho ta nghe về nỗi buồn của chính mình. Ta có thể ngại ngùng với ai đó về chuyện ta đang mang trong lòng một điều khó nghĩ, nhưng đừng ngại ngùng với chính mình. Đôi lần ta hơi ngại mình vì cái mà thiên hạ hay gọi là “ăn ở không rồi lo tào lao”, nhưng nhìn nhận ra những vấn đề đó không phải là một việc vô ích.
Ta nhìn vào nỗi buồn rồi bắt đầu cảm thấy thắc mắc. Ta sẽ tự hỏi nhiều về bản thân mình và đôi khi bơ vơ kẹt giữa những cuộc hoang mang. Ta nên dừng lại để kể cho ta nghe về một tiếng cười hơi chua chát, một giai điệu hơi tròn hơi méo, một ca từ chân chất nhưng nhiều tự sự …
Và rồi lúc đó ta sẽ có cho mình những dấu hiệu để trả lời.
Chú thích:
(1) Trích trong lời bài hát Rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn. Thấy nó hợp ngữ cảnh quá nên bưng về làm điển tích luôn
(2) là bản dịch từ “cringe” một cách rất “cringy“, vì nó cringy quá nên mượn về xài luôn.
(3) Trích trong lời bài “Giọt nắng bên thềm” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Tương tự (1), nó cũng hợp ngữ cảnh nên nhét vào.