Đây là tóm lược phần nội dung mình trình bày trong buổi talkshow về chủ đề Ứng dụng Chất Việt trong kinh doanh – một phần hoạt động trong chuỗi sự kiện Dung Dăng Dung Dẻ – Play With Culture của Echoing Drum. Buổi nói chuyện có ba phần:

– Nội dung phần đầu là những chia sẻ về những gì cá nhân mình, cùng đồng đội tại TELOS đã trải nghiệm trong quá trình tổ chức và vận hành Explorians Chất Việt.

– Phần hai là một vài góc nhìn về những gì đang diễn ra trong cộng đồng những người sáng tạo và cả từ phía những người theo dõi, và sự ảnh hưởng cũng như sức mạnh tiềm tàng mà văn hóa Việt và Chất Việt đang mang lại.

– Phần ba sẽ là những nhận định, những bài học kinh nghiệm để chỉ ra cái thách thức bên cạnh cơ hội và giá trị to lớn của Chất Việt. Cùng với đó là những cảm hứng để người tham gia lắng nghe có cho mình để bắt đầu một hành trình khai phá Chất Việt và ứng dụng nó vào cái họ đang làm.

Những ý tưởng ban đầu

Ngay từ những ngày còn chưa thành lập TELOS cho đến mãi về sau này sau khi đã có đội ngũ, có một tập thể cùng chung định hướng, chúng mình đã ham thích thực hiện những project thể hiện cá tính sáng tạo tích cực. Với tần suất khá ổn định, cá nhân mình mỗi năm tối thiểu phải có một dự án gây được một chút viral trong cộng đồng cứ thể đều đặn từ 2014 đến giờ.

Buổi nói chuyện về ứng dụng Chất Việt trong kinh doanh

Nhìn lại các sản phẩm sáng tạo đó, đột nhiên chúng mình nhận ra hầu hết các sáng tạo đều tận dụng một thứ chất liệu rất đặc trưng: Chất liệu Việt Nam. Bất luận nó là danh lam thắng cảnh, chữ nghĩa văn chương, ẩm thực, văn hóa đường phố, v.v…, tất cả đều phảng phất trong đó một thứ “nguyên liệu” Việt Nam đậm đà đậm vị …

Nhìn ra ngoài môi trường bên ngoài, chúng mình cũng nhận ra rằng dù vô tình hay cố ý, những sáng tạo xung quanh ta đều đâu đó có cái Chất Liệu Việt Nam đó. Và xâu chuỗi lại team TELOS cảm giác rằng đó là một thứ hình mẫu mới, một kiểu trào lưu đang tự phát triển ngầm. Chúng mình đặt cho nhau một câu hỏi muôn thuở: “tại sao lại như vậy?”. Cái câu hỏi mà thường xuyên phát xuất ra được hàng tá thứ hay ho, hàng tá dự án hay ho.

Những gì TELOS và mình đã làm đều có cái Chất Việt trong đó
Những gì TELOS và mình đã làm đều có cái Chất Việt trong đó

Và một cảm giác rất thú vị khi đội ngũ TELOS lờ mờ nhận ra rằng có một thứ tên là Chất Việt, lúc đấy còn chưa được gọi tên ra, đang âm ỉ chảy và tồn tại.

Không cần phải gọi nó bằng những khái niệm đao to búa lớn, hay khoác vào cho nó những bộ cánh lộng lẫy của tình yêu nước, của sự tự hào ngàn năm,… Đơn giản là khi những nhà sáng tạo người ta cần một nguồn nguyên liệu đủ gần gũi, đủ dồi dào và cũng là thứ họ hiểu sâu về nó, có như vậy họ mới dễ dàng và thăng hoa trong việc tạo ra những điều gì đó mới mẻ. Như một điều gì đó rất tự nhiên, Chất Liệu Việt Nam thỏa hết các điều kiện này. Người nghệ sĩ, nhà sáng tạo … nhẹ nhàng lấy nó ra để sáng tạo vì điều đó hết sức bình thường.

Hiểu được chuyện đó rồi nên team TELOS và các partner quyết định bắt tay xây dựng một dự án cộng đồng có tên là Explorians Chất Việt.

Buổi Exploring Day số 8 tại the Hive Villa

Phần 1: Chất Việt – bức tranh toàn cảnh

Explorians – Chất Việt về bản chất là một cộng đồng. Nó vừa là sân chơi để những nhà sáng tạo thể hiện khả năng sáng tạo lối đi mới bằng nguồn chất liệu thân thuộc là Việt Nam, vừa là nền tảng để các bạn lan tỏa tiếng nói và ý tưởng đến cộng đồng, hướng người xem đến những góc nhìn mới, và từ đó tạo ra những tiếng vang lớn thông qua các sự kiện diễn ra bên lề như những buổi triển lãm, trưng bày dài kì, các buổi talkshow chia sẻ về chuyên môn, kiến thức văn hóa… và truyền thông mạng xã hội.

Ban đầu để thu các bạn về một mối, mình và mọi người sử dụng một xương sống chính cho cộng đồng là một cuộc bình chọn với giải thưởng. Các bên cùng nhau đưa dự án, tác phẩm của mình lên một chart bình chọn và tham gia vào cuộc đua. Sau khoảng thời gian vài tháng chúng mình thu về khoảng 60 tác giả và nhóm tác giả và hơn 70 tác phẩm, dự án sử dụng chất liệu Việt.

Trình bày giáp thời Trần tại Exploring Day 2 ở Toong 126 Minh Khai
Buổi Exploring Day số 2 của Chất Việt về Lịch sử và gây quỹ cộng đồng; Nguồn ảnh: Pulu

Có chất xúc tác giải thưởng và tập trung cộng đồng, chúng mình đem mọi thứ đi kết nối và lan tỏa nó đến những đối tác có nguồn lực để họ có thể tận dụng và đồng thời hỗ trợ. Và niềm vui đáng ngạc nhiên đó là mọi người rất nhiệt tình hỗ trợ và nhìn nhận về tiềm năng, sức ảnh hưởng của cộng đồng Chất Việt. Team đã tạo ra được rất nhiều dấu mốc tốt đẹp dù thật sự không có tiềm lực tài chính gì trong tay.

Có những đơn vị như Toong Co-working spaceThe Hive, sẵn sàng tài trợ không gian sử dụng để làm triển lãm và thực hiện những buổi Exploring days. Có những diễn giả là những học giả, giảng viên tên tuổi hoặc các doanh nghiệp lớn sẵn sàng đến và chia sẻ những kiến thức quý báu. Có những đơn vị hoạt động tổ chức sự kiện như VECS sẵn sàng đồng hành trong việc tổ chức, cung cấp những vị trí trong chuỗi sự kiện lớn và đặc sắc như Saigon Reinvention. Và quan trọng hơn cả là sự tham gia rất nhiệt tình của những nhà sáng tạo, những “nhân vật chính” đã góp phần xây dựng nên cộng đồng Chất Việt bằng chính sản phẩm sáng tạo của họ.

Cách người trẻ nhìn về Chất Việt và cảm nhận của cộng đồng về Chất Việt

Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng thật ra cũng không có gì bất ngờ với thông tin này: Cộng đồng Chất Việt nhận được sự đón nhận, tham gia sáng tạo và quan tâm nhiều nhất từ những người trẻ, rất trẻ… Một số góc nhìn phiến diện hoặc chỉ đơn giản là cảm tính sẽ dễ dàng đưa ra các kết luận rằng: “người trẻ quay lưng lại với lịch sử, với văn hóa…” hoặc “chuyện bảo tồn, phục dựng văn hóa là chuyện của những nhà nghiên cứu, người có tuổi”. Kì thực, chuyện sáng tạo, quan tâm và ứng dụng văn hóa là chuyện không có nhiều liên hệ với tuổi tác, nó đến từ những yếu tố khác mà ở phần sau của câu chuyện này chúng ta sẽ nói tới.

Các bạn trẻ tại Exploring Day 4 Họa sắc Việt
Những người trẻ, ngược với quan điểm chung, lại là những người quan tâm và nghiêm túc nhất với Chất Việt

Số liệu thống kê hay những khảo sát thì mình không nắm nên không thể mạnh dạn khẳng định, chỉ có thể dễ dàng nhìn thấy trong tầm quan sát là có rất nhiều bạn trẻ thật sự quan tâm, ham thích tận hưởng những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước theo cách rất đậm đà và hiện đại.

Họ có sự nghiên cứu, sự tìm tòi. Họ bắt tay vào sáng tạo trên hiểu biết và thái độ cầu thị. Họ thưởng thức những tác phẩm và tìm hiểu về ý nghĩa đằng sau cũng như sẵn sàng dung nạp thêm vào những kiến thức giúp họ có thể tận hưởng thứ sản phẩm này nhiều hơn.

Và họ có những tư duy mới. Những tư duy mới đó thể hiện qua một số những nhận định về Chất Việt. Những tư duy ấy, có thể mỗi cá nhân họ không nói ra, có thể không có một ước định hay khẳng định cụ thể, càng không phải những luật lệ bắt mọi người phải tuân theo. Và dưới đây là một vài cái mà mình đã đúc kết lại được:

Chất Việt không phải là bất di bất dịch, mà là một dòng chảy

Chất Việt trong tâm thức nhiều người có lẽ là một cái gì đó đóng kín, thuần chất và không thay đổi. Có thể phải là áo dài nón lá hay trống đồng văn lang,… những thứ quá xa lạ được du nhập hoặc kế thừa từ những nền văn hóa khác đối với họ thì khó nhìn nhận nó là Chất Việt. Kì thực suốt chiều dài lịch sự cái hay nhất của Văn Hóa Việt nó là dung hòa rất nhiều rất nhiều yếu tố bên ngoài và biến nó thành một phần, một tài sản của riêng mình, mang một nét đặc trưng rất riêng. Tính chất đó há chẳng phải là của một “Dòng chảy” hay sao?

Từ thời điểm nào bắt đầu có sự trào lưu, thượng nguồn ở đâu hay dòng chảy Chất Việt đó đã thu gom vào mình bao nhiêu phù sa và tinh hoa văn hóa thì có lẽ không ai trả lời được, chỉ biết dòng chảy ấy đã len qua nhiều thế hệ, nhiều dân tộc và giờ đây nó như một con sông đã đến với đồng bằng – thời điểm hiện tại của chúng ta và bên trong nó mang theo rất nhiều phù sa màu mỡ.

Các tác phẩm với cảm hứng từ Hát Bội
Cùng một chất liệu “Hát Bội” nhưng cách các nhà sáng tạo vận dụng nó thì muôn hình vạn trạng.

Như với ảnh trên, chúng ta nhìn thấy các tác phẩm về Hát Bội, một loại hình văn hóa dân gian hấp thụ từ những nền văn hóa phía Bắc.

Các tác giả của cộng đồng Chất Việt lấy văn hóa ấy về và lại một lần nữa tiếp biến để cho ra những tác phẩm sáng tạo với nhiều kiểu hình, nhiều loại hình hơn. Là artwork cho rượu Bàu Đá, hay tranh phong cách 8-bit, là mô hình chibi hay tranh cắt dán phong cách collage… Tất cả đều là những ứng dụng dựa trên chất liệu đã dung hòa và trở thành một phần Chât Việt. Dòng chảy ấy cho phép sự hòa lưu, và đồng thời cũng tự có bản sắc của riêng mình.

Và cũng bởi vì tính hòa nhập, tiếp nhận và sẵn sàng tiếp biến văn hóa đó, Chất Việt lại có thêm một đặc tính…

Chất Việt không phải là chuẩn mực, mà là điểm chung

Chúng ta sẽ có thể nhận ra cái gọi la Chất Việt trong những sản phẩm mà chúng ta chiêm ngưỡng hoặc đánh giá. Nhưng để xác định quy chuẩn sáng tạo của Chất Việt là phải như thế nào và có cái gì, thì có lẽ rất khó.

Vì bởi sáng tạo thì sẽ có một không gian rộng lớn bao la để thỏa sức mà tạo ra những giá trị mới. Và, thôi thì thay vì tranh cãi xem thế nào là “đúng”, là “sai” trong một sáng tạo có Chất Việt, hãy xem nó như một một tài nguyên, một cái đề bài và tận hưởng những ngạc nhiên mà chúng ta có thể thấy với nó.

Thế nên nếu hỏi như thế nào là sáng tạo ra một nhân vật “đúng”, có lẽ sẽ rất khó trả lời. Thay vào đó người ta tìm cách làm sao để tận dụng các điểm đặc trưng, điều mà tiền nhân gửi gắm vào câu chuyện của nhân vật và thông điệp chủ đạo của nhân vật gốc để tạo ra một nhân vật mới, một tác phẩm phái sinh. Và khi nó đã là một sản phẩm sáng tạo mới mẻ, mang hơi thở hiện đại, nó vẫn có cái hồn, cái chất của nhân vật sẽ được ra đời.

Các tác phẩm về Thánh Gióng trong chuỗi các tác giả Chất Việt
Thánh gióng là một hình tượng được nhiều tác giả lấy làm cảm hứng

Như trên hình các bạn thấy ở đây, là 4 Artwork của 4 tác giả và nhóm tác giả khác nhau về Thánh Gióng (từ trái sang: Đồ Chơi Thánh Gióng Figure của 8KStudio, Artwork Thánh Gióng nằm trong chuỗi Tứ Bất Tử của Pulu Studio, Thánh Giống của Sử Hộ Vương và Tạo hình Thánh Gióng trong tác phẩm cùng tên của Thụy Phong).

Bằng các chất liệu sáng tạo, ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, các tác phẩm được tạo ra và không ai giống ai, nhưng chúng ta đều có thể ngầm định rằng đây đều là Thánh Gióng – Một vị thánh Bất Tử đại diện cho sự bất khuất trong chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây không phải là một ví dụ cá biệt, nó chỉ là ví dụ điển hình cho rất nhiều kiểu hình sáng tạo của các bạn trẻ trong cộng đồng Chất Việt. Không có sai hay đúng ở đây, chỉ có nguyên mẫu và những sáng tạo, sự tiếp biến và cái tinh thần được bảo lưu bên trong quá trình sáng tạo đó.

Chất Việt có sự giao thoa, tiếp nhận, không phải đóng kín

Hẳn các bạn có nghe một cụm từ rất hay được dùng là “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt“, đúng không? xuất phát điểm của điều này cũng đến từ việc chúng ta thấy có quá nhiều yếu tố ngoại lai bên trong ngôn ngữ đời sống hằng ngày dẫn đến nó làm mai một đi những từ vựng cũ đã được dùng thường xuyên trong tiếng Việt. Nhưng thực tế có phải là tiếng Việt nó cần được “giữ gìn” hay không?

Một ngôn ngữ thường xuyên có nhiều sự cập nhật và phát sinh từ ngữ mới chứng tỏ nó là một sinh ngữ. Và điểm này hẳn cũng có nét tương đồng khi chúng ta đề cập đến văn hóa, nghệ thuật và đặc thù hơn nữa là sáng tạo trong nghệ thuật và văn hóa.

Chúng ta hãy nhìn vào ảnh bên dưới, và cũng như đã đề cập ở các đoạn trước đây là các tác phẩm Chất Việt không-cần-chuẩn-mực, mà giữa chúng là một điểm chung: các bạn có thể dễ dàng cảm nhận và đoán ra được đó là con chim Lạc.

Các tác phẩm lấy Chim Lạc làm cảm hứng
Lạc có sự dùng hòa yếu tố hoa văn Ai Cập, Hy Lạp, Lạc có yếu tố cơ khí viễn tưởng…

Bên trong từng tác phẩm, chúng ta có thể thấy những yếu tố tiếp biến văn hóa từ cổ chí kim, từ các nền văn minh hiện đại tới những yếu tố cơ khí. Vậy cộng đồng liệu có phản ứng tiêu cực rằng nó không đủ “Thuần Việt”? Vẫn có, và đó là một phần không thể tránh.

Nhưng nghệ thuật và văn hóa thì luôn cần du nhập, luôn cần những điểm phối hợp và làm mới bản thân tác phẩm và cả những thành phần bên trong của nó, vì đó là điều rất tự nhiên trong sáng tạo. Ngay cả người xưa đã thế, có những yếu tố mà mọi người vẫn đinh ninh rằng nó là thuần Việt là bất khả xâm phạm, là cần phải gìn giữ lấy sự trong sáng. Những thứ đó, những thứ mà chúng ta đã và đang có thì rất nhiều trong số đó, tiền nhân của ta cũng trải qua những học tập và áp dụng từ nhiều nguồn thì mới có ra một thứ như thế. Đơn cử như chiếc áo dài, nghệ thuật hát bội, bảng chữ cái Quốc Ngữ của chúng ta…

Vậy thì cứ mở ra và giao thoa, cái hay thì mình tiếp biến, cái tệ thì mình loại bỏ đi. Cái sáng tạo của Chất Việt mới có thể phát triển, cập nhật và đi cùng nhu cầu của thời đại được.


Tóm lại, trong một quá trình sáng tạo từ nguồn nguyên liệu Việt và tiếp biến văn hóa Viết, để thăng hoa và tận dụng hết sự rộng lớn, phong phú của Chất Việt, chúng tôi tâm niệm:

– Chất Việt là dòng chảy, nó không đứng yên bất di bất dịch;
– Chất Việt là điểm chung, không phải là chuẩn mực;
– Chất Việt là một nguồn mở có giao thoa, tiếp nhận, không phải đóng kín.

Và trên đây là phần một của câu chuyện về Chất Việt và việc Ứng dụng văn hóa Việt vào kinh doanh. Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ trăn trở thêm về việc vì sao chất liệu văn hóa, dân tộc của Việt Nam mình lại trở thành một chuyện gì đó rất đáng quan tâm và tạo được nhiều ảnh hưởng trong bối cảnh hiện nay.



Phần 2: Tại sao Chất Việt lại trở nên ảnh hưởng?

Làn sóng sáng tạo về văn hóa và chất liệu văn hóa đã bắt đầu từ lâu, nhưng đâu đó thời gian gần đây nó lại rộ lên một cách mạnh mẽ từ những dự án cá nhân nhỏ lẻ cho đến những chiến dịch lớn. Thậm chí có nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn định vị tầm nhìn và nhiệm vụ kinh doanh của mình như những đơn vị kinh doanh gìn giữ, lan truyền và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Chúng ta, ở đây là giới làm sáng tạo nói riêng và cả Việt Nam nói chung, đang bước vào một giai đoạn chuyển mình, hay yếu tố văn hóa này lại trở nên hợp thời với toàn thế giới? Người làm sáng tạo và cộng đồng, họ tìm hiểu văn hóa là vì nó thật sự có những giá trị sâu xa hay vì nó là trào lưu nhất thời? Và sự ứng dụng này sẽ kéo dài trong bao lâu, còn hợp thời trong bao lâu nữa?

Có nhiều câu hỏi sẽ khó trả lời được ngay, nhưng chúng ta có thể thấy được một điều hiển hiện ngay trước mắt rằng nó đang diễn ra. Thành công kéo dài, phát triển thêm hay sẽ chìm vào im ắng, chúng ta chỉ có thể đợi thời gian trả lời. Riêng về bản thân mình và những người lấy văn hóa Việt làm nguồn cảm hứng, chúng mình luôn mong mọi thứ sẽ phát triển hơn, đạt đến nhiều cột mốc cao cấp hơn và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng hơn.

Nhìn vào những đặc điểm của giai đoạn này, chúng ta có thể nhìn ra những yếu tố thúc đẩy, khiến cho chủ đề “sáng tạo dựa trên Chất Việt” trở nên nóng bỏng và nhận được nhiều quan tâm. Cụ thể mình xin liệt kê ra ở đây:

Người Việt đang trên đường tìm kiếm bản dạng của Dân Tộc

Trong buổi trò chuyện Exploring Day thứ 4, chị Trịnh Thu Trang của S-River và Họa sắc Việt đã có đề cập đến việc xây dựng một hệ thống thương hiệu quốc gia và những giá trị mang lại từ việc đó. Tạo dựng cho Việt Nam một khung nhận diện thương hiệu cũng là một vấn đề mà chúng ta, những người làm truyền thông, văn hóa và kinh doanh,… sẽ phải để tâm nhiều trong tương lai sắp tới nếu muốn vị thế đất nước mình phát triển lên một tầm cao mới.

Các Artwork của Văn Hóa Nhật Bản và Trung Quốc
Các thiết kế đậm đà và dễ nhận diện của Nhật và Trung

Những hình ảnh trên có thể không cần một chú thích, các bạn vẫn sẽ nhận ra những biểu tượng, hoa văn họa tiết này thuộc về đất nước nào đúng không? Đây chính là một lời khẳng định to lớn cho sự nhận diện thương hiệu của Nhật Bản và Trung Quốc, những quốc gia đã bước đi trước chúng ta về câu chuyện làm truyền thông cho văn hóa và xây dựng bản sắc.

Hình dung mỗi đất nước như một tổ chức khổng lồ, phóng chiếu vào hình ảnh các doanh nghiệp (tất nhiên không thể so sánh về quy mô và sự vận hành, chúng ta chỉ đang so sánh tương quan để dễ hình dung). Lúc một tổ chức, doanh nghiệp vừa mới thành lập, họ tập trung vào phần cứng, phần cốt lõi về vận hành, doanh thu và các vấn đề để ổn định bộ máy. Đến khi họ muốn vươn ra bên ngoài, bán hàng hay khẳng định sự hiện diện, họ cần thương hiệu, họ cần một hình ảnh trong mắt người xung quanh. Mỗi đất nước cũng tương tự thế, Việt Nam cũng thế.

Sau một thời gian dài xây dựng nền tảng về kinh tế, chính trị xã hội một cách đủ ổn định, người Việt bắt đầu có nhu cầu chứng tỏ mình. Câu hỏi người Việt bắt đầu trăn trở đó là: làm thế nào để thế giới biết đến Việt Nam, Việt Nam phải trông như nào trong mắt bạn bè quốc tế, làm sao để người ta có thể nhận ra ngay mình là người Việt Nam.

Vậy nên chúng ta có thể nói là:…

Chất liệu văn hóa là thứ chất liệu cao cấp

Qua rồi cái thời dân mình mong chờ “ai cũng có cơm ăn áo mặc”, những năm 90 của thế kỉ XX, người Việt Nam đã tiến lên “ăn no mặc ấm”, rồi đến khi bước vào thế kỉ XXI, người ta bắt đầu quan tâm chuyện “ăn ngon mặc đẹp”. Thời điểm này người Việt bắt đầu một nhu cầu mới cao cấp hơn: Ăn gì và mặc gì để thế giới biết tới Việt Nam? Và còn phải là một Việt Nam đáng tự hào nữa kìa.

Văn hóa, chất liệu dân tộc, có thể phần nào đem lại câu trả lời.

bộ bao bì Xuân Khúc đến từ Bratus
Bộ bao bì mứt tết “Xuân Khúc” đến từ Bratus Agency

Người tiêu dùng có sự quan tâm đến yếu tố văn hóa và chất liệu Việt Nam cũng sẽ là một cộng đồng với những nhu cầu cao cấp hơn khi những giá trị khác được thỏa mãn. Những yếu tố đính kèm về văn hóa, thương hiệu quốc gia và cảm giác tự hào sẽ là thứ tạo ra những giá trị cao cấp cho sản phẩm của các doanh nghiệp.

Điều đó đến từ một yếu tố rất quan trọng, rằng…

Văn hóa Việt là niềm tin, là điểm kết nối, là thứ thương hiệu thuộc về cộng đồng

Khái niệm về “dân tộc” hay “Việt Nam” đã là một thứ gì quá hiển nhiên trong đời sống của mỗi chúng ta. Nhưng để xác định cái phạm vi bao trùm của khái niệm đó đến đâu thì thật sự rất khó. Giống như cách mà tác giả Yuval Noah Harari đã đề cập trong tác phẩm “Sapiens: Lược sử loài người”, thứ liên kết một nhóm lớn các cá thể loài người lại với nhau chính là sự tưởng tượng và niềm tin. Đây cũng chính là thứ phân định loài người Sapiens và các loài sinh vật khác trên trái đất này.

Các thiếu nữ da trắng trong trang phục được thiết kế dựa trên chất liệu Việt. Nguồn ảnh: Vietnam Centre
Các thiếu nữ da trắng trong trang phục được thiết kế dựa trên chất liệu Việt. Nguồn ảnh: Vietnam Centre

Bạn nghĩ cái tính từ “Việt Nam” nó nằm trong sắc tộc, màu da, hay cụ thể hơn là trong đặc tính sinh học… thì đâu đó vẫn có những con người khác chúng ta về những điểm đó. Họ nhập tịch, trở thành một phần của Việt Nam và đóng góp cho đất nước này – Họ vẫn là Việt Nam.

Bạn nghĩ “Việt Nam” được xác định dựa trên địa lý, thì đâu đó trên trái đất này, ở những nơi xa xôi vẫn có những người Việt gom góp và bổ sung vào cho vốn liếng của dân tộc này – Họ vẫn là Việt Nam.

Hay “Việt Nam” là cái tồn tại trong tiếng Việt, ngôn ngữ Việt…? Có biết bao nhiêu dân tộc anh em tồn tại trên dải đất này, và trong số họ có bao nhiêu kiểu ngôn ngữ được nói. Họ không nói tiếng Việt – Họ vẫn là Việt Nam.

Tứ linh Ông Nghê Quy Lạc - Lạc - Requiem for the sun
Tứ linh Ông Nghê Quy Lạc – Lạc – Requiem for the sun

Cuối cùng cái thứ quyết định rằng điều gì “Việt Nam” hay “không là Việt Nam”, chắc có lẽ chính là niềm tin, hay cái Chất Việt cùng những tính chất của nó mà mình đã đề cập ở Phần một của bài viết này.

Chất Việt là một công trình chung, là niềm tin và là điểm kết nối của rất nhiều lớp người với đặc điểm khác nhau. Nó là dòng chảy, là sự bồi đắp, là quá trình lắng đọng chắt lọc. Cái thứ kết tinh cuối cùng là một chuỗi dài những niềm tin và những giá trị tinh thần, nó có tác dụng kết nối và làm nảy sinh ra rất nhiều cảm xúc, điểm kết nối một cộng đồng lớn – ở đây chính là cộng đồng Việt Nam.

Trong bối cảnh của thời đại này, nhất là khi có rất nhiều chuyển biến đang diễn ra ngoài kia. Cái niềm tin đó đang có một vị thế cực kì to lớn để giúp chúng ta đạt được những thứ cao hơn. xa hơn và tốt đẹp hơn.


Phần 3: Cơ hội khai phá – Bên cạnh đó là thách thức

Nếu chỉ nói về mặt tuyệt vời của việc ứng dụng Chất Việt vào kinh doanh thôi thì cũng chưa đủ, chúng ta hãy đề cập đến những đặc điểm đáng lưu tâm của việc dùng thứ nguyên liệu đặc biệt này vào trong quá trình sáng tạo của mọi người.

Trải qua một thời gian dài hoạt động cùng những nhà sáng tạo trong cộng đồng, team đã chứng kiến hàng loạt các dự án thành công được đón nhận, bên cạnh đó cũng là những thất bại, vấp váp, khó khăn từ không ít dự án. Điều này có thể được đúc kết ra thành những nhận định rất thiết thực và hữu dụng để chúng ta có thể lấy làm lưu ý, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình bắt đầu các dự án mới và không phải đi vào con đường khó khăn mà người đi trước gặp phải.

Văn hóa Việt là tài sản chung, nên khi dùng nó cần có sự cẩn trọng

Như những gì đã đề cập ở hai phần trước, chúng ta có thể phần nào đồng ý rằng Chất Việt nó là một dòng chảy bất tận, sẵn sàng dung hòa thêm và sẵn sàng chia sẻ. Dĩ nhiên cũng sẽ không có một cá nhân nào có quyền sở hữu với Chất Việt. Chất Việt là một tài sản chung của mọi người. Và tài sản chung dễ thấy là một khái niệm đặc biệt, đòi hỏi được đối xử và sử dụng theo cách đặc biệt.

Hoa văn Trống Đồng - Một biểu trưng điển hình của Chất Việt
Hoa văn trống đồng trên mặt trống Đông Sơn

Biểu trưng trống đồng như trên là một ví dụ vừa mang tính hình tượng vừa mang tính điển hình sâu sắc cho nhận định này. Nó là một hình ảnh mang tính chất thương hiệu và đại diện cho dân tộc Việt Nam, bản thân hình dạng và ý nghĩa hình họa của trống đồng cũng mang đến một thông điệp về tính đại đoàn kết dân tộc tính chất hướng về cái chung và cái thống nhất.

Bạn có thể sử dụng các hoa văn trống đồng để làm ý tưởng tác phẩm, trích xuất nó làm những hình họa biểu trưng để thể hiện thông điệp của bạn. Nhưng phải dùng nó một cách cẩn trọng như cách bạn dùng một tài sản chung. Một chiếc ghế chiếc bàn của tập thể đã cần một sự tử tế và tôn trọng nhất định khi dùng thì thử hỏi, một biểu tượng văn hóa còn yêu cầu sự kính cẩn và chỉn chu cao đến thế nào trong việc thể hiện. Và thêm một thử thách nữa đó là “ranh giới” giữa dùng thế nào là sáng tạo và thế nào là thiếu tôn trọng nguyên tác nó là một vùng xám.

Đã có những trường hợp, những nhà sáng tạo dùng các “tài sản văn hóa của chung” này nhưng lại không cẩn thận – ở đây không có nghĩa họ dùng sai hoặc có ý đồ không tốt, chỉ đơn giản là họ không nghĩ về chuyện dùng nó sẽ có rủi ro – dẫn đến việc hiệu quả để lại là một thì hậu quả mang lại thì lại đến cả trăm. Điều đó đến từ những người “sở hữu” nguồn nguyên liệu đó. Họ chính là Cộng Đồng.

Cộng đồng có thể đúng có thể sai, nhưng ảnh hưởng của họ là rất lớn

Cộng đồng là đám đông, là người Việt, là những người có chung một thứ Chất Việt trong bản dạng của mình. Một cách tự nhiên họ có cảm giác họ đang được liên kết với thứ văn hóa, nguyên liệu mà bạn đang sử dụng. Đây vừa là một đòn bẫy nâng bạn lên trong quá trình bạn làm sáng tạo, vừa là thứ có thể tác động lớn đến các bạn nếu lỡ phạm sai lầm.

Khi bạn làm một điều gì đó hướng về cộng đồng và tạo ra một niềm liên kết mạnh mẽ tới cái Chất Việt, cái điểm chung đáng quý của cộng đồng thì bạn sẽ được ủng hộ một cách rất tự nhiên. Đó là phản ứng đầu tiên của mọi người khi bạn khởi động một dự án gì đó tôn vinh Chất Việt. Nhưng sau đó bạn cũng sẽ phải chuẩn bị đón nhận những đánh xét của những khán giả khó tính, những khách hàng nhạy cảm với sự thay đổi và sáng tạo.

Lạc - trong tác phẩm thần thoại Lạc của Nguyễn Thái Anh
Lạc – một thần thoại mới của người Việt bởi tác giả Nguyễn Thái Anh

Như đã trình bày ở các phần trước rằng sự nhìn nhận về cái Chất Việt nó không phải là một điều quá phổ biến, không phải ai cũng biết rằng văn hóa của mình có nhiều sự rộng lớn và giao thoa, nên đâu đó vẫn sẽ luôn có những định kiến rằng “Việt Nam thì phải thế này, thế kia” gây khó dễ cho người làm sáng tạo dù họ không làm gì sai. Những dự án phim ảnh đầu tư kĩ về nghiên cứu nhưng vẫn bị đánh giá là “giống nước ngoài“, những sản phẩm phóng tác giả sử dù đã được nói rõ thì bị xem là bôi nhọ và xuyên tạc tiền nhân,… là những trường hợp không khó để nhìn thấy.

Và cộng đồng có lúc đúng, lúc sai… nhưng ảnh hưởng từ họ là có thật và rất lớn. Chúng ta, những người đã quyết định dấn thân vào làm sáng tạo với chất liệu Văn Hóa Việt Nam phải có một tâm thế nhìn nhận rằng điều đó là sự thật, là luật chơi và là thứ chúng ta dẫu có muốn thay đổi thì cũng cần thời gian.

Khó! Nhưng cũng đồng thời là vùng đất hứa !

Thực tế mà nói thì ở lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự sáng tạo, kiên trì và vượt khó. Sáng tạo với chất liệu Việt cũng thế. Nhưng đó là một sân chơi, một cuộc chơi với những quy luật và phần thưởng. Phần thưởng lớn đi kèm với những rắc rối và rủi ro cũng lớn, chúng ta không thể ngày một ngày hai mà thay đổi cả luật chơi cũng như cộng đồng người theo dõi và nhóm đối tượng mà mình phục vụ.

Một mô hình mới về cách các nhà thiết kế sáng tạo trên Chất Việt

Thế nên tương lai sắp tới, với sự tham gia của nhiều bên, những nhà tài trợ và cả những cá nhân, tổ chức muốn thử thách với con đường sáng tạo dựa trên chất liệu Việt, mình và đội ngũ TELOS hy vọng mọi người sẽ có thêm những sự đầu tư đúng mực vào các đối tác song hành trong quá trình sáng tạo của mình. Họ là những nhà nghiên cứu có tiếng nói chuyên môn và những bên điều phối, quản lý dự án.

Người làm chuyên môn sẽ là một bảo chứng rằng “ít nhất những nhà sáng tạo và sản phẩm của họ đang có một sự tôn trọng và nghiêm túc với Chất liệu chung mà nó sử dụng”.

Người làm điều phối sẽ giúp mọi người chuẩn bị, ứng phó với rủi ro và tìm kiếm cách thức để xử lý nó. Đồng thời cũng mang về cho mọi người những cơ hội và các kết nối để tạo ra giá trị lớn hơn.

Tất cả những chia sẻ trên đây đều mang tính chất cảm hứng, tham khảo và gợi lên cho các bạn một cách nhìn. Nó không phải một chân lý mà chỉ những đúc kết từ trải nghiệm bản thân, không phải một luật lệ, chuẩn mực mà là một góc nhìn để những người nhìn thấy và tiếp xúc với nó có thể lấy đó làm khởi đầu.

Hy vọng nó sẽ là một hạt mầm cảm hứng để các bạn bắt đầu.

Gần 100 năm trước, tại một buổi diễn thuyết tại học Hội trường Khuyến học Nam Kỳ, cụ Nguyễn An Ninh, một nhà yêu nước, đã lên tiếng đánh động mọi người hãy đứng lên và học tập phát triển để giải cứu đất nước khỏi những rắc rối và khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong thời đại của cụ. Thời đại của chúng ta khác hơn, với những trăn trở và rắc rối khác hơn cần những cố gắng và sáng tạo mới hơn. Nhưng lời kêu gọi này có lẽ vẫn còn nguyên tính thời sự:

“Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng thiên phú của mình mà nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta.”

– (Nguyễn An Ninh
Lý tưởng của thanh niên An Nam, SG, 15/10/1923)

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe và theo dõi!

Lưu Trọng Nhân
Creative thinker. Entrepreneur

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.