Tổng quan về cái sự “không giỏi gì cả”

Bài viết này dựa trên hai idea mà mình được đọc qua và được gặp qua:
1. Bài viết “how to become the best in the world at something” của Tomas Pueyo

2. Một buổi chia sẻ trên Kalpha của một người anh tên Cường với tiêu đề “Generalist? Why not?”

Khách quan

Không-giỏi-gì-cả là một điều đáng sợ, một nhãn dán đáng sợ khi nó bị đính vào bạn. Luôn học tập và rèn luyện để biến bản thân mình thành người xuất sắc nhất và trở nên là một người phát triển tột bậc về mặt chuyên môn vẫn luôn là một con đường trực tiếp, dễ hình dung và dễ định lượng để nói về thành công. Những câu trích dẫn truyền cảm hứng sẽ hay đề cập về việc “theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” hoặc “hãy trở thành người giỏi nhất và bạn sẽ có mọi thứ“… đã xuất hiện từ lâu. Nó tôn vinh giá trị của việc hoàn thiện bản thân, tạo ra cạnh tranh để phát triển cái chúng ta đang có.

Nhưng hình như trong cả một lĩnh vực, chỉ có thể có một người giỏi nhất. Vậy thì những người từ thứ hai đến thứ bét họ phải làm gì? Có thật là “the winner takes it all”?

chiêm nghiệm giữa bao la

Chủ quan

Thực tế mà nói thì bản thân mình nhận ra mình không thật sự quá giỏi một cái gì từ lúc bé khi còn đang học tiểu học, và điều đó tác động một cách vu vơ đến tâm lý của mình dù không nói ra. Mình nhận ra rằng mình muốn trở thành một người giỏi đặc biệt và nhận được sự công nhận từ nhiều những người xung quanh, nhưng khả năng của mình thì không đạt được điều đó. Vậy nên mình cứ chông chênh giữa việc nhận thức nhưng không chấp nhận.

Và rồi mình nhận ra là có nhiều hơn một cách để trở nên “giỏi nhất”, hay chí ít cũng là tạo ra được một vị trí đứng riêng biệt cho mỗi người. Đó là điều mình đã sử dụng suốt từ ngày bé đến bây giờ. Công thức đó phần nào giúp mình và mình nghĩ nó cũng sẽ giúp được nhiều người khác. Và mình gọi nó là “Làm thế nào để trở thành một người dở không giỏi gì cả giỏi nhất”.

Con đường này mình đã đi và đang đi tiếp, mình thấy nó khá thú vị, biết đâu nhờ đó bạn trở nên giỏi hơn, trong một con đường khác, chưa ai đi.

Những con đường phát triển

Quanh đi quẩn lại thì trong những thứ chúng ta làm mỗi ngày, như công việc chuyên môn, theo đuổi một đam mê hay phát triển một khía cạnh kĩ năng nào đó,… tất cả đều sẽ phục vụ những mục đích cá nhân. Ngoài những mục đích siêu siêu thực dụng như có cái ăn cái mặc, làm ra đồng tiền để tạo nền cho những giá trị vật chất cho của cuộc sống mỗi người…, chúng ta còn muốn vươn lên những nấc cao hơn của giá trị bản thân. Chúng ta muốn được chứng tỏ, được đóng góp, được làm gì đó cho cộng đồng mình hoặc được nhớ đến với một hình ảnh nào đó.

Vậy chúng ta có những cách nào để phát triển bản thân thành “một người giỏi”?

1. Trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình

Tất nhiên, truy cầu sự hoàn hảo, không ngừng vươn lên và phát triển chưa bao giờ là một lựa chọn không nên. Trái lại nó còn nên được xem là một giá trị căn bản trước khi bắt đầu thử nghiệm những điều khác.

Và đôi khi người ta sẽ truy cầu việc trở thành người giỏi nhất. Vậy thì bước đầu tiên sẽ là tìm ra con đường để đi và để phát triển. Đây là cách đi cơ bản nhất và cũng là cách đi đơn giản nhất khi bạn muốn phát triển bản thân. Nếu bạn đã xác định được cái mình đam mê, cái mình làm tốt hoặc đơn giản là cái bạn muốn phát triển đến cùng. Thì cứ men theo con đường đó mà đi.

trở thành người giỏi nhất
Trở thành một G.O.A.T. – Kẻ vĩ đại nhất mọi thời

Ảnh trên là để minh họa cho việc trở thành một người giỏi nhất trong một kỹ năng, ngành nghề hay chuyên môn nào đó. Khi bạn tham gia vào một lĩnh vực, bạn sẽ thấy sơ đồ phân bổ mức độ giỏi của những người trong lĩnh vực đó sẽ có cấu trúc từa tựa như này. Cái tháp này sẽ chia ra những phần không rõ ràng như sau:

– Tầng đáy đông đảo nhất, tầm ~80% những người trong lĩnh vực này, là những người biết ít ít về lĩnh vực này, họ có thể là người vừa bước chân vào hoặc cũng chỉ nắm sơ sơ những vấn đề bề mặt của lĩnh vực

– Tầng giữa chiếm một lượng ko quá đông, khoảng đâu đó giả vờ như 19%, những người đã có kiến thức nền tảng, đã dùng kĩ năng này để trở thành một người làm nghề.

– Tầng ngọn, những người đã lên đến mức độ giỏi nhất, chiếm khoảng 1%, là kiểu chuẩn mực của thị trường, nổi tiếng và có kĩ năng chuyên môn cao cấp nhất.

Trở thành người giỏi nhất là cố hết sức để phát triển trở thành những người trong nhóm 1% giỏi nhất kia. Đây là con đường trực tiếp và đơn giản nhất, nhưng không đồng nghĩa là nó dễ dàng. Về mặt số liệu, trở thành 1% có nghĩa là cứ 100 người chỉ có 1 người làm được, điều đó nói lên rằng đây là sẽ là một lộ trình gian nan.

2. Giới hạn năng lực và những nhìn nhận thực tế.

Bạn tham gia vào một lĩnh vực nào đó và đầu tư thời gian, công sức và cả quá trình dài học tập rèn luyện của bản thân chỉ để kỳ vọng mình có thể phát triển đến mức cực đại của bản thân trong lĩnh vực chuyên môn.

Thời gian đầu có thể được xem là “giai đoạn trăng mật” của bạn và kiến thức, kĩ năng vì quá trình phát triển diễn ra rất nhanh và rõ rệt, bạn sẽ có cảm giác với đà này thì mình sẽ sớm có thể học được tất cả trong thời gian ngắn. Nhưng dần dần càng về sau mọi thứ sẽ trở nên chậm lại và những kiến thức chắt lọc vào tinh hoa nhất sẽ là thứ khó thẩm thấu, khó nắm bắt và khó để thành thạo.

kỳ vọng về giỏi nhất
kỳ vọng có thể vươn xa sau một thời gian tiếp xúc, nhưng thực tế sẽ khác

Và bạn nhận ra là hình như để leo lên những nấc thang đầu sẽ dễ dàng, nhưng những nấc thang và bậc phát triển sau thì cần rất nhiều nỗ lực và cả những yêu cầu cực khó để đáp ứng như thiên bẩm hay các điều kiện khó khăn. Để trở thành top 20% có thể không phải là một câu chuyện khó, nhưng để thành top 10% hay top 5% và top 1% chắc sẽ là cả một quãng đường dài hơn rất nhiều mức 20% ban đầu.

3. Con đường đi của những người không thể giỏi nhất, hay không muốn giỏi nhất

May mắn là chúng ta không chỉ có duy nhất một con đường để làm người giỏi nhất. Chúng ta dễ lầm lẫn cái sơ đồ của sự phát triển nó là một đường thẳng và chúng ta cứ leo lên từng nấc một, rồi vượt qua từng người để trở nên giỏi hơn giỏi hơn… Kỳ thực cái gọi là “quá trình phát triển”, nó trông như một cái bản đồ, với nhiều ngả rẽ, ngoằn ngoèo và cũng đầy cơ hội để khai phá.

Chúng ta hay dùng các sơ đồ giản lược hóa như biểu đồ phát triển theo trục chữ T, để nói về việc phát triển kỹ năng. Nhưng ở trong bức tranh này thì mình lại muốn mọi người xem hành trình của mỗi người là những mạng lưới giao thông, và việc rẽ lối hay đi thơ thẩn lòng vòng trên những tuyến đường phát triển của bản thân nó cũng là một hoán dụ hay cho những bất định của việc phát triển.

con đường của người không giỏi gì cả
chúng ta kì vọng mình sẽ đi một đường thẳng, nhưng thật ra chúng ta wandering around

Trên con đường của một người xuất chúng, mọi thứ có thể thẳng thớm hơn, người bình thường thì nó sẽ hơi xà quần. Với đại đa số người, mọi người sẽ cố gắng vít ga lên để chạy cho nhanh để đạt được mục tiêu mà ta kỳ vọng từ đầu.

Nhưng nếu chúng ta chạy chậm lại một tí, phân bổ tâm trí cho những điều xung quanh, biết đâu tạ lại có thể phân nhánh và mọc ra thêm nhiều điểm đến phụ bên cạnh cái mục tiêu? Chạy chậm lại, có thể do vô ý hay cũng có khi là một lựa chọn.

Chà, vậy hình như chúng ta sẽ đi lạc trên con đường phấn đấu chạy về mục tiêu trở thành người giỏi nhất?

Một góc nhìn mới

Có một nghịch lý được mình nhận ra trong quá trình phát triển, đó là nếu chỉ đơn thuần tập trung phát triển một kỹ năng hay một lĩnh vực gì đó độc lập cho nó chuyên biệt thì thực tế lại chậm hơn khi cố gắng phát triển hai, ba cái cùng lúc. Học một ngôn ngữ sẽ không nhanh bằng việc học hai, ba ngôn ngữ gần nhau cùng một lúc. Đồng thời chơi hai môn thể thao có thể giúp bạn rèn luyện thân thể toàn diện hơn. Tập hai nhạc cụ sẽ khiến bạn học nhanh hơn. Thật kì lạ.

Với góc nhìn này mình nghĩ đến chuyện, tại sao không thử học song hành nhiều kĩ năng thay vì tập trung giỏi trọn vẹn một công cụ duy nhất?

giỏi nhất ở hai lĩnh vực thì dễ hơn giỏi ở một lĩnh vực

Khi tận hưởng việc trên, mình nhìn thấy một góc nhìn nữa, đó là nếu pha trộn quá trình phát triển với nhiều hơn một lĩnh vực thì chúng ta có thêm sự đa dạng. Chưa nói đến góc nhìn từ bên trong khi việc kết hợp đó có thể mang đến cho chúng ta nhiều ý tưởng phát triển hơn, chỉ cần nó đến góc nhìn bên ngoài, sự đa dạng của phương trình phát triển đã đủ để tạo ra giá trị thú vị.

1. Sự xuất hiện thêm biến số trong phương trình phát triển

Phương trình phát triển nghe thì hào nhoáng nhưng chỉ cần tưởng tượng thế này: Bạn có lĩnh vực A và lĩnh vực B, số người trong lĩnh vực A là 1000 người, số người trong lĩnh vực B là 700 người, nhưng số người làm được cả A lẫn B sẽ không phải là 1000+700 mà nó sẽ là một con số nhỏ hơn, đôi khi là khá ít.

Hãy xem sơ đồ trên hình:

– Nếu các lĩnh vực càng gần gũi nhau về mặt chuyên môn, đôi khi số lượng người cùng làm được cả A và B sẽ cao (ví dụ: người vừa biết sửa xe máy, vừa biết sửa xe đạp, hay những designer biết vẽ và biết thiết kế graphic).

– Nếu lĩnh vực đó chỉ hơi liên quan đôi chút thì chúng ta có thể thấy vùng giao sẽ thu nhỏ lại rất nhiều (ví dụ: người biết chơi nhạc cụ và người có thể vẽ).

– Nếu hai lĩnh vực cực kỳ ít sự liên quan và thậm chí là không đồng hành gì với nhau thì số lượng người biết cả hai sẽ rất rất ít (ví dụ: vận động viên thể hình và vũ công ba lê).

Vậy giờ bắt đầu rõ hơn rồi. Bạn có thể không phải người giỏi A nhất, bạn không phải người giỏi B nhất, nhưng bạn gia tăng rất cao tỉ lệ trở thành người giỏi làm được cả A lẫn B nhất. Nghịch lý. Nhưng nó hợp lý.

2. Be a generalist – Kẻ tổng hòa

Con đường trở thành người giỏi nhất trở nên quá khó khăn. Vậy tại sao không chơi một trò chơi nghịch lý hơn? Đó là “giỏi nhiều thứ cùng lúc, và trở nên giỏi nhất”.

Khái niệm một người tổng hòa, một “tổng quát viên” hay một generalist, đã được đề cập đến khá lâu về trước nhưng dạo gần đây mới được nhắc nhiều. Nhiều người hay hiểu Generalist là đối nghĩa với specialist (chuyên viên), nên nhìn nhận là generalist sẽ là người không có chuyên môn. Kì thực, có khá nhiều tổng quát viên là kiểu người đa chuyên môn, làm nhiều thứ tốt và có thể làm nhiều nhóm công việc trong một dự án một lượt.

người tổng hòa, giỏi nhiều lĩnh vực

Vậy để trở thành người tổng hòa, bạn cần có nhiều lĩnh vực. Quay lại với sơ đồ trên khi đang nói về những vùng giao: trên con đường trở thành một người tổng hòa, bạn bắt đầu gia tăng thêm những lĩnh vực mới vào bộ kĩ năng của mình.

Nghịch lý tiếp theo: số lĩnh vực càng tăng, số người tổng của tất cả các lĩnh vực càng tăng, nhưng số người cùng làm trong các lĩnh vực (hoặc dễ hiểu hơn: số người người cùng sở hữu từng ấy kỹ năng) sẽ giảm xuống.

vẫn là biểu đồ về các lĩnh vực, nhưng giờ là nhìn từ trên

3. Những vai trò của người tổng hòa?

Người tổng hòa có thể là một chuyên gia tuyệt đối trong lĩnh vực mà anh ta tham gia, nhưng lại là một nhân sự quan trọng khi đội ngũ cần một sự đa năng và cáng đáng công việc với một phổ rộng các loại hình công việc.

Ví dụ bạn thành lập một tổ đội thiết kế và sáng tạo để lo cho một dự án. Nhưng trong phạm vi của nguồn lực dự án, để tìm hết tất cả những cá nhân cho từng vai trò cụ thể của dự án là không thể, bạn đau đầu vì không biết phải làm sao thì lại tình cờ nhận ra Art Director của dự án cũng đồng thời có thể đóng luôn vai trò của người viết nội dung và giao tiếp với khách hàng luôn. Anh ta là một generalist, tuy viết và làm hình rất tốt nhưng không phải là người giao tiếp quá giỏi, nhưng lại nhờ kỹ năng chuyên môn nên việc giao tiếp và thuyết phục khách hàng của dự án trở nên mượt mà hơn rất nhiều.

Trở thành người tổng hòa giúp đa dạng hóa bộ kĩ năng của bạn và đồng thời giúp bạn có một nét rất riêng trong việc chọn ra một lãnh địa mà ở đó bạn là người độc nhất trong việc thực thi hàng loạt. Vậy nhìn lại tiêu đề bài viết một lần nữa, và nhìn vào góc nhìn này, bạn nhận ra chúng ta có một giải pháp cho việc trở nên giỏi nhất rồi chưa?

Thay vì chạy đua trên một con đường, hãy gom nhiều con đường lại, vẽ ra một con đường mới và đi với nó.

Vậy, làm như thế nào?

Hiểu rồi đó, nhìn ra được con đường trở thành một người tổng hòa rồi đó. Vậy giờ thì từng bước chân mình đi sẽ là như thế nào để có thể trở thành một người-không-giỏi-gì-cả giỏi nhất?

Tất nhiên không thể một sớm một chiều mà khiến bản thân giỏi đều và giỏi ngay, rồi chễm chệ ở trên một đỉnh cao riêng biệt được. Nhưng những bước gợi ý này sẽ giúp bạn bước chân dần vào con đường trở thành một generalist với bộ kĩ năng độc đáo và tạo ra giá trị lớn cho tổ chức mà bạn đóng góp.

Bước 1: Lựa chọn của bản thân và đường hướng phát triển

Nhìn thấy được cách để đi rồi thì chúng ta cần một con đường. Vậy con đường bạn đi sẽ là như thế nào?

Khoan hãy đặt những mục tiêu như kiểu là 5-10 năm tôi sẽ là một vị trí chuyên môn cao cấp nào đó như là Creative Director hoặc Project Manager. Chức danh hay vị trí là một cột mốc, một chứng nhận cho năng lực của bạn nhưng đôi khi chuyện định hướng và phát triển của bạn không nhất thiết phải dựa trên những thang đo và tiêu chuẩn đó.

Thay vào đó hãy tạo lập hướng đi bằng cách xem thử các câu hỏi: Bạn đã được đào tạo về chuyên môn gì? bạn đang có mối quan tâm gì và đang làm tốt những gì? Trong những thứ bạn quan tâm và có kỹ năng, những nhánh và lĩnh vực nào có thể tạo ra giá trị, chúng nó giao nhau ra sao và tại đâu?

Ghi ra các phương trình theo kiểu: Kỹ năng (lĩnh vực) A+ kỹ năng B, C, E…, và dù cho nó trông có vô nghĩa đến thế nào thì đôi khi đó cũng có thể trở thành một con đường. Mình đã từng chứng kiến nhiều tiền đạo đẳng cấp thế giới nhờ tập Yoga, một nhà sư đưa DJ vào để đọc kinh và một vận động viên thể hình vô địch nhờ đi học balet.

Vậy nên đừng xem thường những concept ngẫu nhiên kém liên quan.

Bước 2: Nắm luật chơi và thỏa mãn những tiêu chí của cuộc chơi

Vậy để tham gia vào một lĩnh vực như vậy bạn cần phải biết điều gì? phải học ở đâu? phải làm sao để có được bộ kĩ năng của người làm trong lĩnh vực đó?

Mỗi một lĩnh vực sẽ có cho mình những nấc thang khác nhau của sự chuyên nghiệp. Khi là một người ngoại đạo bạn chỉ cần vài ba tiêu chí, nhưng muốn thật sự chuyện nghiệp với nó thì sẽ là một câu chuyện khác. Để trở thành chuyên gia, bạn sẽ phải đầu tư, thậm chí hy sinh nhiều hơn để đạt có được những công cụ cao cấp hơn của lĩnh vực.

Vậy bạn hãy hiểu về các lĩnh vực đó và cách thức, cơ chế để kiến thức của lĩnh vực đó vận hành và tạo ra giá trị. Có được các thông tin đó rồi thì quyết định mình sẽ tham gia như thế nào, đến mức nào sẽ là câu chuyện của bước tiếp theo.

Bước 3: Lựa chọn kĩ năng trung tâm, tối thiểu hóa công sức bỏ ra cho những lĩnh vực thứ yếu

Bạn sẽ chọn điều gì là nhánh đi chính? điều gì làm những kỹ năng bỗ trợ cho mình?

Cùng là một người làm trong hai lĩnh vực Marketing và Thiết kế, nhưng một designer biết marketing và một marketer biết design sẽ là hai người hoàn toàn khác nhau về vai trò và phạm vi công việc. Họ có thể hỗ trợ qua lại nhưng bốc người này đặt vào vị trí của người kia sẽ khiến cho chất lượng đầu ra không thật sự đạt hiệu quả.

Vậy nên bạn cũng sẽ hiểu được thế mạnh của bạn là gì và điều gì nên được xem là trọng tâm phát triển: hãy theo đuổi trau dồi và đẩy nó tới hết mức có thể trong năng lực phát triển của bạn.

Thứ gì sẽ là những công cụ đi kèm và làm vai trò hỗ trợ? Để nó có thể tạo lợi thế cho bạn, cho công cụ chính của bạn thì bạn cần đạt đến mức độ nào trong hiểu biết và sử dụng nó?

Bước 4: Đi.

Ừ. Có con đường, có những thứ cần phải trang bị rồi thì bước đi thôi. Trên đường đi nhiều khi bạn lại lụm thêm công cụ mới, hoặc con đường bạn đi nó bắt bạn phải rẽ ra làm thêm mấy cái side-quest nữa. Thì cứ đi thôi. Và làm thôi.

Kết

Không-giỏi-gì-cả là một điều đáng sợ, một nhãn dán đáng sợ khi nó bị đính vào bạn. Nhưng đôi khi việc phát triển dựa trên cái nền không-giỏi-gì-cả cũng lại là một điểm hay. Nó cho bạn một tầm nhìn với những tiềm năng và khả năng rất rộng, để bạn có thể tận dụng những vùng giao của các kĩ năng mà bạn chưa kịp giỏi để tạo ra con đường mới, hoang sơ và chưa ai khai phá.

Lưu Trọng Nhân
Creative thinker. Entrepreneur

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.