khi ta chủ động chông chênh
Mất cân bằng trong phát triển là làm sao?
Mất cân bằng trong phát triển? nghe lạ tai ha? tại sao lại có một sự quan tâm về “mất cân bằng” và liệu có đúng đắn không khi bài viết này phần nào đó lại khuyến khích người khác mất cân bằng? Vậy thì hãy thử lắng nghe một tí dẫn nhập để xem thử bài viết này có phù hợp với bạn không nha.
Mình cũng thật sự không nghĩ gì nhiều trong lúc đang chăm chú phát triển bản thân, mình chỉ đi và đi thôi. Rồi chỉ đến khi đã lên đến một vị trí nhất định để có thể nhìn lại những bước chân đã bước qua, mình mới có một góc nhìn cụ thể về còn đường đó và xâu chuỗi những sự kiện lại để nhìn thấy một cái “định hướng”.
Điển hình là một trường hợp đã diễn ra hồi 2-3 năm trước: mình nhớ lần nọ trong lớp học tiếng Quảng Đông, mình nghe cô giáo nói về một chữ lạ, mình dừng cô lại và hỏi về chữ cô đang nói có nghĩa là gì, cô bảo nó có nghĩa là “buổi trưa“. Mình bị ngạc nhiên vì mình không biết chữ này, cô giáo cũng ngạc nhiên chả kém và cô bảo là học đến trình độ này rồi nhưng cái chữ căn bản như “buổi trưa” mà lại không biết à, kì lạ. Ừ thì là bởi vì dù nó là một kiến thức thuộc về nền tảng nhưng nó lại chưa bao giờ là cần thiết trong những nội dung mình nói, nên đến một thời điểm khi mình đã đi rất xa, mình mới quay lại nhặt nó lên.
Mình chợt nhận ra hình như mình chưa bao giờ phát triển cân bằng, mình luôn thiên lệch về một phía nào đó và tìm cách xoay sở để khỏa lấp cái này rồi cái kia. Và rồi, ơ kìa? hình như đây là cách chung mà người ta phát triển? Và hình như chưa ai thật sự “phát triển cân bằng” cả.
Vậy tại sao chúng ta cứ cố ‘cân bằng hóa’ cái sự phát triển của mình, mà lại không tìm cách vận dụng linh hoạt, phù hợp cho sự mất cân bằng trong phát triển? Cho sự mất cân bằng một phương pháp thật lành mạnh.
Mô hình phát triển của một thực thể
Hãy nói về những sự khái quát, rồi sau đó minh họa nó ra. Khi một chủ đề rộng và quá nhiều biến số thì điều này làm mình cảm thấy dễ chịu. Tất nhiên cái khái quát thì nó sẽ đơn giản, dễ hình dung nhưng cũng hàm chứa nhiều thiếu sót và chưa đầy đủ, tuy nhiên, hãy tạm bỏ qua nó nha.
Khung phát triển
Khung phát triển là một hình tam giác hoàn hảo mà trong quá trình phát triển ở lĩnh vực nào đó, một đối tượng muốn trở thành. Một cách vật lý và đơn giản, bạn muốn dựng một nền tảng dưới đáy và vươn cao, đó chính là một sự minh họa tự nhiên cho phát triển
Quá trình phát triển sẽ là tìm cách đổ đầy chiếc hộp tam giác này, thông qua nhiều phương thức khác nhau, và xin hãy dùng trí tưởng tượng để liên kết việc học tập, rèn luyện phát triển với cách chúng ta đổ đầy “chất liệu” cho chiếc khung phát triển này.
Chúng ta có nhiều mục tiêu khi phát triển nếu xét riêng lẻ, nhưng có vẻ để khái quát hóa ra thì chỉ đơn thuần có một thôi, đó là phát triển để đạt đến một ngưỡng nào đó. Trong hình thù đơn giản này, mình cho rằng đó là việc chạm đến đỉnh trên của tam giác. Thật dễ hình dung.
Vậy là, ta cứ vậy mà đổ đầy chiếc khung. Nhưng cũng như việc bạn rải đều các chất liệu trong thực tế, đôi khi quá trình “lấp đầy” trừu tường này cũng sẽ gặp phải những biến số và nó làm cho cách thức phát triển của từng người, từng trường hợp trở nên khác biệt.
Các kiểu hình phân bổ tài nguyên khi phát triển
Có 3 loại hình phát triển (tạm gọi vắn tắt thế nha), mỗi loại hình sẽ có những nguyên nhân hình thành và mục địch khởi đầu khác nhau. Tạm trong hình dưới đây mình sẽ kể ra ba loại tổng quát nhất.
Kiểu hình phát triển đều, trên hình trên là tam giác nằm ở giữa sẽ là kiểu lý tưởng, với kiểu hình phát triển này, ai cũng muốn hướng tới, người ta tạo thành một tam giác hoàn chỉnh với đầy đủ các nhóm kiến thức, kĩ năng họ cần và đứng vững vàng trên nền tảng họ có. Bên cạnh đó chúng ta còn thấy ở đây không có sự phung phí hay dè xẻn đầu tư các nguồn lực, sự phân bổ diễn ra đầy đủ và vừa vặn khiến cho hình tam giác rất gọn và vững.
Kiểu hình phát triển nhanh, hình tam giác nhọn bên trái, là khi người ta lược bỏ bớt các điểm này kia để tập trung vào chiều cao, phân bổ nguồn lực hướng lên trên và cố phát triển cao thật cao và thật nhanh để chạm đến một mục tiêu nào đó. Điểm mà chúng ta nhận thấy rõ ràng nhất nhất đó là tính hiệu suất của việc tận dụng tài nguyên/nguồn lực để phát triển.
Kiểu hình phát triển nền tảng, hình tam giác tù với đế dày ở bên phải, là khi bạn tập trung xây một chiếc nền thật chắc và không lung lay, để chuẩn bị cho tương lai là một chiếc tháp vững chãi với cấu trúc thật ổn định. Với kiểu phát triển này bạn sẽ rất vững chãi, và nếu để ý chúng ta có thể thấy sự phân bổ nguồn lực tạo ra một nền đáy rộng, có thể là để chuẩn bị cho một chiếc tam giác lớn hơn rất nhiều ở tương lai.
Các hình thái phát triển này sẽ luôn có những giá trị, ưu thế và cả các nhược điểm nhất định. Tùy vào giai đoạn mà bạn đang phải trải qua, lựa chọn một loại hình phát triển phù hợp cũng là một bước rất trọng yếu trong cả một quá trình phát triển, ảnh hưởng nhiều đến tương lai và tốc độ sau này.
Phân loại, trải nghiệm và rủi ro của các loại hình “mất cân bằng trong phát triển”
1. Chọn đi nhanh
Nó sẽ như thế nào?
Sẽ có nhiều lần bạn phải chọn đi nhanh khi phát triển, tức là bỏ qua vài điểm nền tảng (có vẻ) quan trọng để có thể dành nhiều nguồn lực hơn cho tốc độ phát triển. Trong những tình huống mà yếu tố để quyết định thành bại là việc bạn có thể làm đủ nhanh hay không, thì loại hình phát triển này phải xuất hiện thôi.
Kỳ vọng lớn nhất của việc phát triển kiểu này là nhanh đạt mục tiêu. Trong lúc ví dụ về điều này với các bạn nhân viên, mình bảo nó giống như một cuộc đua từ đâu đột nhiên xảy ra, bạn phải chạy và chạm vào vạch đích trong khoảng thời gian cho phép, khi này câu chuyện không phải là chúng ta sẽ chuẩn bị kĩ càng ra sao, mà là chúng ta phản ứng và đi nhanh, đi gọn đến thế nào.
Trọng tâm và bản chất của quá trình này là loại bỏ những điểm “ít-quan-trọng-hơn” để tập trung vào cái tối quan trọng và vì vậy nên có thể đạt được mục tiêu sớm hơn. Nếu như nhìn nhận một cách lý thuyết thì mọi thứ sẽ luôn luôn là quan trọng, nhưng trong những trường hợp buộc phải loại bỏ, chúng ta sẽ buộc phải phân định là thứ nào “ít quan trọng” và “tạo ít ảnh hưởng xấu” hơn khi bị loại bỏ.
Những điều thú vị của việc đi nhanh
Đi nhanh thì đương nhiên là thú vị nhất là … nhanh. Ai thấy phát triển nhanh mà lại không thích cơ chứ. Nhanh và đạt được mục tiêu sớm đôi khi cũng là một thứ lợi thế lớn, và đôi khi nó quyết định cả một đoạn đường dài về sau.
Bạn sẽ nhận ra đôi khi có những điều chúng ta cảm thấy nó quan trọng hoặc được truyền đạt rằng nó rất quan trọng nhưng lại có thể đặt sang một bên, ít nhất là trong một giai đoạn nào đó. Quay về chiếc ví dụ về cuộc đua bất thình lình ở trên, ta sẽ thấy nếu đó là một chuyến chạy dài ngày, thì những thứ như lều trại, áo mưa, nước uống sẽ rất cần thiết, nhưng giờ chỉ cho bạn đúng năm phút để chạy thì việc chuẩn bị các thứ trên trở nên thừa thải và lố bịch.
Đôi khi việc chọn hoặc bị thúc ép phải đi nhanh còn giúp cho bạn phá vỡ được những rào cản mà trước giờ bạn nghĩ nó không thể hoặc không nên vượt qua. Thế là giờ đây bạn chạm được một mục tiêu với thời gian nhanh hơn kỳ vọng và cả tạo nên một tiêu chuẩn mới, mô hình mới tinh gọn hơn trong việc phân bổ nguồn lực phát triển ra.
Bạn hình thành được ngay những quyết định rằng nên vứt bỏ thứ gì lại và chuẩn bị những gì khi cảm nhận được mục tiêu, mục đích và hình thức của quá trình. Nếu nhìn thấu được đúng bản chất của con đường bạn đang đi thì đó quả thật là một điều tuyệt diệu, nhưng nếu cảm nhận sai thì có khi sẽ đem lại những đổ vỡ khó liền. Đây cũng là một điểm quan trọng sẽ phải để ý.
Và những rủi ro khó lường trước được
Có người từng search “làm thế nào để ngủ 8 tiếng trong 4 tiếng” khi lỡ thức đến 5h sáng, đó là dấu hiệu của việc đôi khi đi nhanh và kì vọng mục tiêu đạt được là điều không thể. Người khác lại vứt bỏ đi chiếc phanh xe để có thể chạy nhanh hơn, đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nhìn nhận sai cái thật sự quan trọng và vứt bỏ nhầm thứ để đảm bảo an toàn cho mình khi đi nhanh.
Những ví dụ trong bài này, giản đơn và dễ hiểu đến mức có vẻ ai cũng sẽ nhìn ra, tuy nhiên khi ở điều kiện thực tế, chúng ta khó biết như thế nào là “nhanh” thế nào là “ẩu”, và lúc này sự phát triển nhanh sẽ gây ra một rủi ro lớn: tạo ra những chông chênh cho quá trình về sau. Và nhiệm vụ của một người đang điều phối quá trình phát triển của mình hay tổ chức chính là phải xác định được thứ cần phải giữ lại.
Có nhiều thứ quan trọng khi đã lỡ chọn loại bỏ rồi thì sẽ khiến chúng ta không có cơ hội quay lại để lấy hoặc bổ sung. Đến khi chúng ta phát triển lên một tầng cao hơn, thiếu đi thứ đó sẽ khiến chúng ta kẹt lại mãi vì nó là tấm vé qua cửa của những vòng sau. Bạn đã từng thấy ai đó chọn thực hiện sai một động tác trong quá trình luyện tập căn bản chưa? họ làm thế để có thể tập nhanh hơn, nhiều hơn, để rồi khi họ bước vào giai đoạn đòi hỏi mức độ khó cao hơn, họ hoàn toàn không thể nâng trình độ mình lên được nữa.
Đôi khi quá trình đó thậm chí còn gây ra đổ vỡ và phá hỏng thành tựu đã phát triển vì cái năng lực của bạn khi lên cao sẽ tạo ra sức nặng cho thành phần bên dưới của nó. Một nền tảng bị bỏ hổng những chỗ cần gia cố vững chắc sẽ lỏng lẻo và bất ổn. “Bạo phát – bạo tàn” là một cụm chúng ta hay nghe khi nhìn thấy những sự vật hiện tượng đi quá nhanh mà không có lấy cho mình sự chuẩn bị vững chắc.
2. Chọn lựa sự vững chắc
Vững chắc sẽ trông như thế nào?
Trái ngược với việc chọn đi nhanh là chọn lựa đi chắc chắn và bền vững. Khi được cung cấp một nguồn lực để phát triển, cá nhân hay tổ chức muốn lựa chọn hướng đi này sẽ tập trung vào việc xây nền thật chắc chắn trước khi đi tiếp. Hình thái phát triển này sẽ tạo ra một cảm giác của sự chuẩn bị cho những điều lớn lao, hạn chế tất cả những rủi ro và luôn chuẩn bị cho những điều sẽ xảy ra khi đoạn đường đi sắp tới sẽ xa xôi khó đoán.
Khi lựa chọn này được đưa ra, người ta chuẩn bị cho những rủi ro sẽ xảy ra trong tương lai và cả việc hoàn thành tốt những gì trong tầm mắt bằng cách phân bổ nguồn lực một cách chắc chắn. Họ ưu tiên việc “không ngã” trước khi tính chuyện đi nhanh, nên như bạn thấy trong hình, chiếc tam giác của chúng ta sẽ bè ra rất nhiều và tất nhiên cũng cực vững.
Trong các trường hợp mà tốc độ không phải là yếu tố quyết định, và xung quanh có nhiều biến số đòi hỏi sự kĩ càng thì lối phát triển này thường được ưu tiên. Bạn đã từng nghe có người bảo nếu được cho một giờ đồng hồ để đốn cây thì họ sẽ dành 45 phút để mài cây rìu, họ đang nói đến việc chuẩn bị một nền tảng thật vững đề khi sự việc diễn ra nó có thể diễn ra hoàn hảo nhất.
Những ưu thế của sự vững chắc
Nếu nhìn vào hình trên, chúng ta sẽ có cảm giác là hình như cái đế không cần phải rộng đến vậy, rộng đến mức nó dàn ra khỏi bên ngoài phạm vi cần thiết của chiếc khung phát triển. Nhưng thật ra nhiều khi người chủ đích phân bổ tài nguyên họ không nghĩ vậy. Cái họ nhìn thấy là một chiếc khung lớn hơn, một mục tiêu xa hơn và một con đường dài hạn hơn. Khi bạn phóng to chiếc khung ra, trông có vẻ mọi thứ sẽ dễ hiểu hơn, diện tích rộng kia thật ra chính là điều cần thiết cho mục tiêu này.
Có rất nhiều bên khi đã đi xa rồi họ lại quay lại và cảm thấy hối tiếc và đã không đầu tư vào nền tảng một cách chắc chắn. Trường hợp này chính là vì tầm nhìn ban đầu nhỏ hơn cái người ta đạt được ở hiện tại, vậy là người ta loay hoay quay lại những điều căn bản và bổ sung, đôi khi việc đó có thể kiến họ phải phá bỏ cấu trúc cũ và xây lại.
Xây nền tảng còn tạo ra được tầm nhìn của bản thân, của tổ chức và cả của người xung quanh về cái mình sẽ trở thành. Khi mình chuẩn bị cho cái xa xôi kia nó sẽ tạo cho mọi người xung quanh một hình hài của công trình mà muốn xây, và nó sẽ thu hút những nguồn lực và cơ hội tương đương với cái tầm nhìn của bạn. Bạn đang muốn truyền đi thông điệp với những người quan sát rằng “tôi muốn có một tam giác rất cao, nên tôi đang làm phần nền rất lớn”
Và tưởng tượng xem, khi bạn đã làm tốt cái nền, một ngày nọ khi quá trình phát triển đòi hỏi bạn phải có cái này cái kia, bạn chỉ cần nhẹ nhàng lấy nó ra từ trong mớ công cụ chuẩn bị sẵn. Điều này nếu đi nhanh và gấp, bạn sẽ không thể có được.
Một điểm hay nữa là lúc bắt đầu phát triển lên cao, tốc độ sẽ tăng rất đáng kể mỗi bước nhảy của một kẻ đã tích lũy nền tốt đôi khi sẽ bằng cả nhiều tháng trời của người chọn đi nhanh. Tưởng tượng bạn dành 12 năm đèn sách học tập, và thêm 4 năm đại học để bước ra trường và tìm kiếm những công việc chuyên môn cao, nó sẽ khác như thế nào với người chọn bắt đầu công việc lao động phổ thông từ sau ngày học xong cấp II.
Người ta vẫn có thể mất cân bằng khi phát triển vững chắc?
Đa phần các trường hợp bất lợi xảy ra khi ta không nhìn thấy được điểm trọng yếu của dự án, giai đoạn hoặc sự phát triển nằm ở đâu, và sự chuẩn bị của chúng ta lại tập trung vào những điểm không quan trọng như chúng ta đã nghĩ. Thật kỳ lạ nhỉ? mất cân bằng trong phát triển đôi khi lại đến từ việc chúng ta quá vững vàng. Vậy nhưng khi nghe kĩ thì cũng không lạ lắm đâu.
Trong vài trường hợp bạn sẽ thua trong cuộc đua tốc độ, và cái này, xui xẻo là việc dẫn đến những bước đi tiếp theo của bạn sẽ không thể bằng kịp người đã đi nhanh. Thế là những chuẩn bị của bạn nó cứ mãi dành cho những bước chân nhỏ trong một cuộc chơi nhỏ ban đầu, còn người đi nhanh ở cuộc chơi kia họ đã phóng đi rất rất xa.
Một cách chủ quan, có những chuẩn bị sẽ là quá thừa thãi, bạn sẽ mãi dừng lại ở cái chỗ cao nhất bạn có thể vươn tới mà thôi. Ở một khía cạnh, khi phát triển người khác tập trung vào một trục nào đó, và bạn thì đang không làm tốt ở trục đó, mà bạn lại nhìn vào cái khác. Bạn có thể bị rơi vào điểm mù thông tin do tầm nhìn và kỹ năng chuyên môn của bạn.
Lý do khách quan hơn, tầm nhìn của bạn đủ xa, đủ cao nhưng bạn lại không đủ nguồn lực, và bạn kẹt lại ở cái phạm vi mà nguồn lực của bạn cho phép. Thế là sự chuẩn bị nọ tuy rất đúng về mặt lý thuyết nhưng lại không đúng lúc và đúng chỗ.
Chúng ta hay có thói quen thích làm tốt cái chúng ta đang làm tốt, và huyễn hoặc rằng nó quan trọng, ít để tâm đến cái mà chúng ta cần phải làm, và khi đó các nguồn lực sẽ bị dàn trải ra không phù hợp.
Ví dụ hay thấy đó là khi những bậc thầy có thâm niên hướng dẫn cho những bạn mới bước chân vào một lĩnh vực. Bậc thầy đã thật sự đi qua rất nhiều vấp ngã và gian nan của nghề để đúc kết ra những kinh nghiệm quý báu và họ tin rằng nó cực kì quan trọng. Thế nhưng trong quá trình truyền thụ một vài lần họ quên mất cái timeline diễn ra của quá trình vấp ngã kia và gom nó thành một lượng kiến thức khổng lồ, sau đó mang nó đến cho bạn học viên.
Nếu gói kiến thức kia được hệ thống hóa tốt, ui trời ơi, đó sẽ là một cẩm nang siêu quý giá, tuy nhiên nếu nó bị lan man hoặc quá ngập ngụa thông tin, đây sẽ là một câu chuyện rất nặng nề. Con đường kia sẽ có nhiều cạm bẫy đó, ngọn núi bạn sắp đi qua đòi hỏi thể lực rất nhiều, và cái chỗ bạn sẽ phải đóng bè vượt sông ấy là chỗ có rất nhiều cá sấu nên hãy mang theo vũ khí ngay từ bây giờ.
Tất cả những thông tin đó hoặc là khiến bạn học viên nọ hoặc bội thực, hoặc từ bỏ ngay từ lúc bắt đầu, hoặc nếu bạn thật sự chuẩn bị hết một lượt thì đôi khi bạn không thể đến được nơi để gặp phải những thử thách mà vị chuyên gia kia đã đối mặt.
Mất cân bằng có phải là một lựa chọn?
Trần tình từ chính tác giả
Khi mình bắt đầu với đề tài này, đội ngũ của mình đang rơi vào trạng thái “phát triển bền chắc”, mọi người có một chiến lược quản trị rủi ro rất kĩ càng và chuẩn bị đầy đủ những điều vững chắc nhất cho tương lai vô định sẽ xảy ra trên đường đi.
Chỉ là, cũng như những gì đã đúc kết ở trên, chúng mình rơi vào những rủi ro của việc chọn xây nền thật to, thật bề thế. Cơ hội vụt qua mất, tốc độ chậm trễ vì những điều không đáng, rủi ro không xảy ra bị đặt làm trọng tâm phòng ngừa, … và còn nhiều nữa những thứ tương tự khiến cho mình và những bạn team leader khác đau đầu.
Mình và các bạn thách thức và cả thách đố nhau về việc mình đang bị cái gì và mình đang thấy cái gì, mình đang không bị cái gì và đã không thể nhìn thấy gì. Tại sao có những bên khác chúng ta không hài lòng về một vài điểm của họ nhưng họ vẫn sống rất tốt, phát triển thần tốc? Có thứ gì người khác không hài lòng về ta mà họ lại im lặng? Ta đã nghe hết, thấy hết hay ta chỉ đang nghĩ mình phân bổ nguồn lực và mối quan tâm như vậy là đúng?
Mình có đang mất cân bằng trong phát triển? Mình có nên mất cân bằng tiếp? Mình có nên thay đổi cách mất cân bằng?
Chúng mình vẫn đang làm, và làm, và làm … để trả lời cho những câu hỏi trên và để phát triển theo một kiểu mới, mất cân bằng theo một kiểu mới nhưng đạt được những điều mới trong câu chuyện mục tiêu của tổ chức và của mỗi cá nhân chúng mình.
Trong quá trình đó, mình nhận ra sẽ có nhiều cách để lựa chọn mất cân bằng, và ở đây mình liệt kê ra với hy vọng bạn có thể nhận ra hình ảnh của mình để lựa chọn một giải pháp.
Mất cân bằng nhanh: mau lên trước khi mình ngã.
Nếu nhìn nhận ra được bản thân chúng ta đã lỡ rơi vào trạng thái thiếu hụt nền tảng, những đổ vỡ mang tính căn bản hoặc gặp phải những thiếu sót dẫn tới không thể vươn lên nữa thì nghĩa là bạn đang đụng phải loại hình này. Mất cân bằng do chọn lựa đi quá nhanh.
Trong những lần mình dính phải chuyện này mình đã hoảng loạn khi nhận ra bản thân “mất căn bản” theo cách nào đó. Như bao nhiều lời khuyên mang tính an toàn khác, việc cần thiết vẫn sẽ là phải đi bồi đắp lại phần nền đã hổng, đó là việc phải làm không sớm thì muộn thôi.
Bài viết này không khuyên bạn vậy, vì nó hiển nhiên quá, mình gợi ý bạn hãy “mất cân bằng nhanh lên“.
Nhận ra rằng mình mất cân bằng trong phát triển và sắp ngã, quá trình bồi dưỡng lại nơi gốc căn bản không thể diễn ra vì bạn không còn đủ thời gian, thì để tránh ngã lăn quay ra, bạn cần chạm được vào mục tiêu thật nhanh. Ưu thế về sự nhanh giờ đây là cái bạn cần tập trung vào.
Nhận ra mình đã lỡ bị chệch khỏi mục tiêu ban đầu khi phát triển vì lỡ lệch mất trọng tâm, phải nhanh chóng chuyển đổi một mục tiêu mới để có thể phân bổ đầy đủ các tài nguyên còn lại cho một mục tiêu khác thật nhanh để lấy về tài nguyên để có thể phát triển đều hơn ở giai đoạn tiếp theo
Mất cân bằng vì vững chắc quá: tinh gọn lại mũi nhọn.
Như đã thấy, việc quá an toàn và vững vàng đôi lúc cũng đem lại sự mất an toàn. Với kiểu này thì nhiều khi việc mất cân bằng diễn ra chầm chậm đến khi nhận ra thì mình thấy mình thiếu hụt quá nhiều và đang tụt lại phía sau. Phải làm sao với phần tài nguyên ít ỏi còn lại?
Nhiều nhất vẫn là việc khi thấy trong tay mình chỉ còn một lượng tiền của, sức lực và đôi lúc là thời gian hãn hữu để có thể đi tiếp, chúng ta mới biết mình đã bị mất cân bằng trong phát triển suốt đoạn đường dài kia.
Trong tình huống này, với một lượng nền tảng đã tạo dựng vững chắc, chúng ta hoàn toàn có thể thật tinh gọn vào đúng một trọng tâm để đẩy mạnh khía cạnh nào đó và tạo dựng sự cạnh tranh, như trong hình minh họa bên trên. Bạn vẫn đang “bài bản” với việc phát triển, và đến một ngày bạn phát hiện ra việc đó không khả thi, bạn phải nhanh chóng vươn ra với toàn bộ những gì đã có và tạo dựng thành một mũi nhọn.
Nhận ra mình đã lỡ phân bổ lệch trọng tâm, còn lại cho mình một quỹ tài nguyên không đủ để sửa lại, để quay lại con đường đúng đắn. Vậy thì hãy hướng tới việc tìm kiếm ngay một lộ trình ngắn nhất để lên một nấc cao hơn và để trụ lại rồi mới tính để chuyện khắc phục về sau.
Điểm hay của cách đi này là bạn đã có sự vững chắc và những phần đáy phát triển vững vàng. Giờ có gấp gáp một xíu hay chuốt nhọn cái quá trình phát triển một xíu thì dù sao bên dưới vẫn có điểm tựa khó ngã.
Những sự phá vỡ rào cản, tìm kiếm điểm cân bằng bên ngoài câu chuyện
Và có điểm này cũng khá là hay này: đôi khi chúng ta tìm kiếm điểm cân bằng ở trong một hệ kín, mà cách để giải quyết nó đôi khi nằm bên ngoài câu chuyện.
Giả sử nhiệm vụ của bạn là phải tiếp cận một nền tảng đầu tư với đầy đủ những ưu điểm về nhiều mặt, từ tài chính, vận hành, công cụ sản xuất cho đến cả nhân tài để hỗ trợ bạn làm một việc bất khả thi đối với bạn. Vậy thì giờ đây đôi khi sự mất cân bằng trước đó sẽ nhanh chóng có thể được khỏa lấp chỉ trong khoảnh khắc khi bạn chạm được đến mục tiêu đã có bên ngoài kia.
Một trong những ví dụ hay gặp và dễ đồng cảm nhất có vẻ là việc thi đại học. Ở một môi trường học cấp 3 sẽ có những bạn học rất đều và giỏi tổng thể, nhưng có thể đó hông phải là trường hợp quá phổ biến. Thay vào đó ta sẽ thấy những học sinh thích một nhóm môn này hoặc một nhóm môn khác, quá trình học lệch đó đôi khi tạo ra những gian nan trong quá trình phát huy năng lực và đạt các danh hiệu học sinh. Tuy nhiên nếu đặt mục tiêu đậu vào một trường đại học và tập trung vào mũi nhọn mình đang làm rất tốt, thì khi đạt được mục tiêu đã đề ra, dù là điểm số cao diệu vợi hay chỉ vừa đủ đậu đi nữa, mọi “mất cân bằng trong phát triển” trước đó dường như không còn quá quan trọng với người học sinh đó nữa.
Kiểu hình mất cân bằng này khái quát ra cũng sẽ là một kiểu hình hay gặp khi chúng ta đang cố leo lên một nấc mới, mà ở nấc đó chúng ta sẽ, hoặc không còn bị đánh giá bởi cái quá trình đã đi qua để đến được đây, hoặc có đủ tài nguyên để khỏa lấp hết tất cả những vấn đề đã gặp phải khi gầy dựng sự phát triển cũ.
Sự chuyển biến về “lượng” và “chất” là quy luật phát triển có thể áp dụng cho tình huống này. Điểm quan trọng nhất là phải nhìn ra được “lượng” nào là “lượng” quan trọng nhất để chúng ta dồn đủ tài nguyên vào đó và mất cần bằng trong phát triển một cách lành mạnh vì nó.
Kết
Cân bằng hẳn luôn là một lựa chọn tuyệt vời khi phát triển, nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Vậy thay vì theo đuổi sự cân bằng như một lựa chọn bắt buộc, mình hy vọng qua bài viết này có thể đề xuất mọi người về những cách “mất cân bằng” lành mạnh.
Cuối cùng thì dù phát triển kiểu gì vẫn hay tạo ra những điều chông chênh. Vậy, hy vọng là chúng ta sẽ chông chênh một cách hợp lý và vẫn tiến đi về phía trước mà không ngã.