hay chuyện rebrand bản thân năm 2024
Thay đổi nhận diện thương hiệu cá nhân
Mình đổi nhận diện cho chiếc logo. Và trùng hợp hay cố tình gì đấy mà, cái “dự án” rebranding này của mình rất giống bao nhiêu chiếc brand to to nổi tiếng toàn cầu chúng ta hay thấy ở một điểm: đó là quá trình thay đổi đến cuối cùng cũng cho ra một kết quả “trông chả khác gì ban đầu cho lắm” =)).
Đúng rồi đấy, điểm to tát nhất của pha rebranding cá nhân lần này của mình là biến hình tròn trên góc phải thành một hình “ít tròn hơn”. Và nó tốn một khối lượng thời gian cũng kha khá. Nếu chỉ nhìn trên khía cạnh của một tác động tạo ra khác biệt, có thể đây là một sự phí hoài công sức kì cục và cũng thật sự đem lại ảnh hưởng gì. Mình thông báo nó cho bạn lập trình viên hỗ trợ mình cho phần kĩ thuật của web này để nhờ bạn thay toàn bộ các logo đang có trên giao diện sang logo mới. Bạn nhìn vào thay đổi rất hề hước của mình và cảm thán là “đôi lúc em cũng chả hiểu trong não designer tụi anh nghĩ gì =))“.
Bài viết này được tự mình đặt hàng chính mình cũng để trình bày cái kiểu nghĩ đó. Nhưng tuyệt nhiên không phải là để thanh minh cho chính quả rebranding ối zồi ôi này hay rộng hơn là những dự án tương tự, càng không phải để nâng tầm quan điểm cho một chi li thay đổi. Đây là cách mà mình khái quát hoá quá trình những suy nghĩ và quyết định đã xảy ra.
Hy vọng nó cho bạn thông tin, cảm hứng hoặc những gợi ý.
Một tí lý thuyết, hay góc nhìn cho việc “tại sao người ta muốn tái định vị thương hiệu?”
Trước tiên, chắc cần một xíu nền tảng cho cái câu chuyện cá nhân của mình bằng cách kể rộng ra hơn trên bình diện tổng thể. Thay đổi thương hiệu là câu hỏi mang tính kinh doanh, tính chiến lược doanh nghiệp và nhiều thứ nữa, và dù là ở mức rebranding cá nhân thì nó cũng khá nhiều những trường hợp. Nhưng nếu bạn bị ép phải khái quát nó đến mức chỉ còn lại một vài dòng chữ thì bạn nghĩ là bởi vì điều gì?
Trong quan điểm của mình và TELOS, vẽ một logo hay xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu là đang khắc hoạ chân dung cho thương hiệu. Các yếu tố cần đảm bảo để tạo ra một biểu tượng và xa hơn là cả một hệ thống làm nhiệm vụ nói trên nên phân bổ theo thứ tự này: (1) tính nhận diện, (2) tính ứng dụng và (3) tính mỹ thuật. Thiếu một trong ba thứ này đều không thể tạo ra một thứ gọi là logo.
Theo góc nhìn cá nhân mình để trả lời cho câu hỏi vừa đặt ở trên, mọi lý do chỉ quay lại một ý chính thôi: người ta không thấy bản thân người ta ở trong biểu tượng thương hiệu đó nữa nên họ mong muốn thay đổi.
Họ có thể nhìn thấy logo không đủ đẹp như hình dung của họ về công ty, tổ chức của mình, họ có thể nhìn thấy nhu cầu sử dụng hiện tại vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống, hoặc sâu thẳm hơn: Logo không kể được câu chuyện về chính bản thân thực thể mà nó đại diện.
Một ngày sau sáu năm tạo ra chiếc logo, giờ mình lại thấy hình như có những điểm mà nó không thể hiện được cái bản thân mình đang muốn kể về mình trong những hình khối đơn giản nữa. Mình tự nhiên ngứa ngáy tay chân muốn gọt giũa và thay đổi ngay lập tức, ưu thế của người làm chuyên môn chính là bạn có cái công cụ, cái ngôn ngữ để thể hiện ngay cái bạn muốn.
Chán ngán điều hoàn hảo
Trọng điểm mình muốn thay đổi chính là tính hoàn hảo và chỉn chu trong chiếc logo, chính xác hơn là nét hoàn hảo cuối cùng trong chiếc logo cũ: hình tròn căn bản ở góc.
Ngay từ đầu khi làm chiếc logo này, mình muốn nó không nên ngăn nắp, không nên khuôn thước. Hệ lưới chiếc logo được tạo ra và gia giảm một vài giá trị ngẫu nhiên để tạo ra độ lệch cho các thành phần và đồng thời tạo ra sự cân bằng dễ chịu về quang học cho tổng thể (optical balance). Và cái kì vọng về một sự bất toàn có tính toán này, là điểm mình đúc kết từ những cái đã diễn ra suốt trước đó khi cố gắng hết sức để gò mọi thứ vào các đường vẽ tiêu chuẩn, thẩm mỹ.
Còn một khía cạnh nữa, đó là tạo ra một hình khối hoàn hảo với mình là một sự… lười biếng trong việc cố gắng đánh dấu nhận diện, tất nhiên là trong trường hợp này. Vậy nên sau một thời gian dài không làm sao cả, tự nhiên một hôm nọ bất giác ngó vào chiếc logo và nhìn thấy một hình tròn hoàn hảo ở góc phải tự nhiên làm dấy lên ở mình cảm giác… bất an pha lẫn ngứa ngáy cần thay đổi. cái “dự án to tát” rebranding cá nhân chính thức phải khởi động thôi
Hình tròn đó hoàn hảo quá, nó là một cấu tạo đơn thuần vậy nên nó nhàm chán. Sau một thời gian dài trải nghiệm, tự nhiên mình thấy nó không còn thuộc về cái tổ hợp này nữa. Hay chí ít, nó phải thay đổi để khác hơn.
Nâng cấp cho điều không hoàn hảo
Vậy là rồi hen, trong cái “dự án rebranding cá nhân” này, mình sẽ biến cái sự hoàn hảo này thành một thứ không-hoàn-hảo được nâng cấp. Thật ra cũng không có gì quá phi lý trong tình huống này. Chiếc hình shape mới đã gợi hình rất nhiều và chỉ cần được gọi tên ra những cái “hơn”.
Nới rộng hơn, gợi mở hơn
Hình tròn của mình chuyển dần sang một shape mới không tên hơn, nhưng lại gợi ra cảm giác vuông/tròn kết hợp (hay trong tiếng Anh, người ta tếu táo gọi là hình Squircle) sự không hoàn hảo đó tạo ra một kết cấu mới kém hoàn hảo nhưng vẫn cân bằng và đồng thời cũng muốn truyền tải thêm một thông điệp, rằng là mình muốn và sẵn sàng hơn trong việc rời khỏi những điều an toàn đang có sẵn.
Nếu xem bản thân dấu chấm này như một ống kính nhìn ra thế giới ngoài kia, mình hy vọng ống kính đó rộng thêm và lăn kính cũng chỉ ra nhiều cái đáng nhìn hơn.
Hình tròn trọn vẹn cũng cho mình một cảm giác về tính duy nhất của lựa chọn, đó là đáp án hoàn hảo nên nó cũng khó có thêm một phương án “tròn hơn” nào. Chọn một hình có cấu trúc đủ lỏng, lại cũng đủ vững tạo cho mình cảm giác có vô vàn những phép thử xen giữa, sự chắc ăn của một phương án duy nhất được gỡ bỏ cũng là khi ta cởi mở hơn với vô vàn những thử nghiệm nên có xung quanh mình.
Con người hơn, chân thật hơn
Thật ra từ trước giờ, mình cũng đã rất “người”, rất cảm tính, rất ít lý trí so với nhiều bạn đồng hành, hay rất ít những cân đong đo đếm thiệt thiệt hơn hơn. Trong chiếc logo từ đầu, phần góc trái bên dưới đại diện cho lý trí, vẫn giữ vai trò điểm tựa khiêm tốn, hình tròn trước đây đóng là biểu tượng cho cảm xúc đã chiếm trọng số nặng hơn để nói lên điều đó.
Tuy nhiên hình như cái “nhân” đó chưa đủ để mang về cho mình những giá trị cực hạn.
Vậy nên như một lời khẳng định về việc mình sẽ “người hết mức có thể” trong giai đoạn này, mình rebranding cá nhân bằng cách bẻ đi chiếc dáng hình của vòng tròn vô tri, và thay vào đó là một khối đậm nhân bản hơn.
Về tính chân thật, thì mình đang cảm thấy sự thể hiện bên ngoài đã đủ. Không cố gắng để giả vờ không tì vết, mình thích vui đùa với khuyết điểm và sai lầm của bản thân.
Có chăng là chiếc logo cần đồng điệu với điều đó qua việc bỏ bớt đi đường nét hoàn hảo để cái thông điệp này thống nhất cả trong khía cạnh ngôn ngữ biểu tượng :)).
Ấn tượng hơn, dễ nhận diện hơn
Thật ra mình ít dùng logo cá nhân, có chăng là vài ba chi tiết be bé trên namecard hoặc mấy bài viết trên nền tảng mạng xã hội. Bản thân mình, gương mặt, nhân dạng và cách thức mình tạo giá trị cho người khác đã là một sự đại diện cho cái thương hiệu cá nhân. Nếu vứt trọng trách “tạo sự nhận diện” cho cái logo sau một phát rebranding cá nhân là đang bắt nó phải gánh lấy một việc bất khả thi.
Dù có làm ra chiếc logo đẹp nhất trần đời này thì mình tin phạm vi chức năng của nó cũng không thể quá ghê gớm như vậy. Thế nên mình vẫn tỉ mỉ trong từng đường nét, nhưng không phải để nó làm thay mọi thứ.
Có chăng thì đây là một tuyên ngôn về những gì mình sẽ làm và cố làm, được hình tượng hoá qua hình khối trên. Như lời hứa với bản thân thông qua thứ ngôn ngữ nghề nghiệp đã theo mình từ 13~14 năm qua: thiết kế nhận diện thương hiệu.
Và mình muốn tiếng nói cá nhân thông qua hình khối nhận diện rõ rệt này sẽ vang vọng hơn một vòng tròn hoàn hảo không tì vết nhưng lại nhạt nhoà.
Chào một chu kì mới
Nếu có thể tóm tắt bài viết này thì nội dung TL;DR của nó sẽ là “Cựu brand designer vẽ lại chấm tròn trong logo và viết một bài 1900 chữ để khoe về nó” :)). Chi li và dư hơi đúng nghĩa đen. Tuy nhiên biết sao được, có mấy cái khía cạnh không làm thì “con người chuyên môn” của mình nó cảm thấy chướng, làm mà không giải thích ra thì “con người thích nói” của mình nó tiếc =)).
Thật sự rất háo hức bước vào một chuỗi những dự định và kì vọng mới. Mình đang “là mình” hơn và cũng đồng thời sẽ mở rộng hơn. Hy vọng mình sẽ làm đủ nhiều và đủ thành công để tự hào ghi dấu nó lại trên trang web này.