hay cách để thôi hoài nghi vào hư vô
Nhìn lại những lần vô nghĩa cũ
Từ một bữa ăn…
Một trưa nọ của năm 2016~17 gì đó chả nhớ, sự vô nghĩa nhẹ nhàng ập đến trong lần mình đi ăn trưa tại một quán cơm phần. Hôm đó không nhớ ăn món gì nhưng mình quyết định sẽ dùng đũa và muỗng để ăn, cùng một lúc, và mình đã nghĩ rất lâu để xem tay nào nên cầm cái gì. Một khủng hoảng nhẹ về việc chọn ra phương án tối ưu.
Này nhé, đũa đòi hỏi sự khéo léo hơn nhưng chỉ gắp đồ ăn vài lần, còn muỗng sẽ là thứ được dùng nhiều hơn trong suốt buổi ăn, dù cho nó khá dễ dùng. Vậy nên nếu dùng tay thuận để cầm đũa thì nó sẽ làm tốt hơn công việc gắp, nhưng cả buổi mình sẽ ăn bằng tay không thuận cầm muỗng. Nếu ngược lại thì mình cảm thấy rất không quen khi tay không thuận lại cầm đũa, nhưng tay thuận sẽ được dùng trong suốt buổi ăn. Nếu là ăn các món sợi như mì, bún, phở … thì bạn sẽ không rơi vào cảnh dở khóc dở cười này, nhưng ăn cơm thì lại khác.
Điểm quái dị hơn là: thật ra tay thuận hay không thuận gì thì mình cũng sẽ cầm đũa và muỗng được, nhưng mình bị băn khoăn với câu hỏi là làm thế nào cho nó “đúng” nhất. Mình loay hoay trong sự lựa chọn của hai phương án đến cả buổi trời, tất nhiên là trong tâm tưởng, chứ ngày hôm đó mình đã chọn một trong hai cách, và thực hiện, dù cảm giác nó không đúng đắn cho lắm.
Và quyết định của mình? Mình quyết định một năm tiếp theo mình sẽ chỉ dùng tay không thuận để cầm mọi thứ khi ăn =)). Lý do? không có lý do, mình chỉ đơn giản nghĩ là mình nên thử quay lại dùng tay không thuận như lúc bé để cầm mọi thứ trong trọn vẹn 365 ngày. Và mình làm thật. Mình hẹn gặp lại thói quen tay thuận vào một năm sau.
…đến tóc tai…
Có một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời, mình chọn để tóc dài. Chả biết, chỉ thấy cần để, không vì thẩm mỹ, không vì tính cách hay công việc. Mỗi người hỏi mình lại một lần trả lời khác nhau, và nó đều hợp lý với họ.
Mình nói với một vài người mình để tóc vì tôn giáo, họ sẽ gật gù và không dám hỏi gì thêm. Mình nói với một vài người mình để tóc vì muốn giúp đỡ và quyên góp, họ đánh giá cao và tán dương. Mình nói với vài người mình để tóc vì mình thấy nó hợp với tính cách của mình, họ khen nó hợp, như một cách xã giao. Mình bảo với vài người mình để tóc là để chống đối xã hội, họ cũng chẹp lưỡi, đưa ra vài câu an ủi và rồi thì cũng thôi.
Nhưng nếu mình bảo mình để tóc vì mình nghĩ trong đời mình cần có một lúc nào đó để tóc, thì mọi người tỏ ra rất khó chấp nhận lý do đó. Nó hơi vô nghĩa, với họ, vậy nên, nó khó chấp nhận. Để giúp họ dễ dàng chấp nhận hơn, mình kể về một lý do mà ở đó nó hợp lý, và mọi thứ êm xuôi hơn hẳn.
Vô nghĩa là cái gì đó gây khó chịu. Thật vậy, tới mức mình tin là chắc đâu đó sẽ có một từ với cái đuôi -phobia để chỉ nỗi sợ sự vô nghĩa =))).
Kẹt giữa những hoang mang
Tự nhiên sau vài bận vô nghĩa tự thân, cái cũng bày đặt ngó nghiêng sang bối cảnh cuộc đời để lý giải những thứ con người ta làm, và xem thử có mấy cái là có ý nghĩa. Chợt thấy số lượng thứ vô nghĩa nhiều hết hồn, nhiều khó đếm được.
Có nhiều người lao mình bán đi thời gian để có thể có thời gian, rồi đến khi có thì họ lại tìm cách để giết thời gian. Có nhiều người khác dành cả thanh xuân và sự nghiệp, làm mọi cách chỉ để đưa quả bóng hình tròn vào trong khung gỗ, và họ được trả hàng tỉ đô để làm việc đó. Có nhiều người bắt con cá, đem đi phóng sinh, rồi lại bắt nó lại để đem đi phóng sinh tiếp. Có tổ chức dành hàng chục triệu đô mỗi năm chỉ để nói là chúng tôi rất hy vọng nếu bạn đang định làm cái gì, thì hãy làm đi.
Những chuỗi vô nghĩa từ cá nhân, phong trào, niềm tin, cho đến truyền thông. Nhưng mà nếu bằng một cách nào đó ta tìm cách lý giải cho từng thứ đến tận cùng, chúng nó đều có nghĩa, có động cơ và có lý do. Kỳ cục.
Người ta loay hoay với cái vô nghĩa của mình, và rồi đôi khi là đi thắc mắc với cái vô nghĩa người khác đang mang: Ủa sao mày theo đuổi cái gì vô nghĩa vậy? Rồi mày sẽ đi đến đâu với cái sự vô nghĩa đó?
Những người luôn đòi hỏi ý nghĩa của mọi thứ đó, thực tế trong vô số những việc họ làm nhiều khi cũng đầy rẫy sự vô nghĩa. Và, cũng rất khó để phân định được ranh giới nào cho một công việc, một hành động là có hay không có nghĩa. Như, việc cắm mặt cho công việc của ngày hôm nay có thật sự có nghĩa? Việc hết lòng yêu thương một người chưa chắc gì sẽ yêu mình có thật sự có nghĩa? Việc để lại cho nhân loại những ý niệm về nghệ thuật, về văn chương có thật sự là một điều có nghĩa? Việc viết một bài viết như này thật sự có nghĩa?
Chợt nhận ra việc sớm chấp nhận rằng luôn có sự vô nghĩa tồn tại song hành với cái có nghĩa cũng là một dạng hạnh phúc. Tự nhiên một ngày nọ, nếu chúng ta sẵn sàng gật đầu khi khó hiểu với một hành động hay quyết định của ai đó, ngày hôm đó trời sẽ trong hơn rất nhiều.
Giải thiêng cho sự vô nghĩa
Nhìn ra ngoài vũ trụ và nhận ra rằng 99% của mọi thứ là “sự không gì cả”. Tự nhiên thấy cái vô nghĩa nó cũng…bình dị. Thậm chí nếu có cần phải kì thị, thì hãy đi kì thị sự có nghĩa, vì nó thiểu số hơn =)). Và rồi thì kể cả cái sự kì thị nó cũng vô nghĩa. Thử nghĩ mà xem: người ta kì thị vì người ta sợ sự khác biệt, nhưng cũng có những sự khác biệt mà người ta không sợ, để cho nó đáng bị sợ thì nó phải vừa giống vừa khác, giống giống và khang khác thì đáng bị kì thị hơn là khác hẳn và giống hẳn ủa vô nghĩa. Ôi tôy nói cái gì thế này =)))
Nhưng thôi, bớt ra vẻ với những điều vĩ mô hoặc mang tính khái quát, ẩn dụ. Cái đôi khi tạo ra sự mâu thuẫn trong lòng người khi đối mặt với một sự vô nghĩa chình ình trước mặt, mình nghĩ, có một phần đến từ cảm giác khó đoán. Họ không rõ thứ gì nằm đằng sau sự “không có gì”, nên phản xạ tự nhiên tạo cho họ cảm thấy sợ hãi. Điều gì tồn tại trong màn đêm? Điều gì tồn tại sau cái chết? Điều gì tồn tại trong tâm trí, bằng cách nào nó tạo ra cách thức người kia đang suy nghĩ, ra quyết định?
Vậy nên như một bản năng, tôi muốn xua đi cái bóng tối bằng ánh sáng, muốn xua đi cái chết bằng đức tin và muốn xua đi sự vô nghĩa với câu hỏi “tại sao?”. Thay vì tôi chấp nhận cái vô nghĩa có tồn tại, tôi không muốn phải đau đầu và cảnh giác như vậy, tôi muốn chối bỏ nó.
Người ta, đôi khi khác, lại khổ sở với sự vô nghĩa của chính mình khi nhập nhằng “vô nghĩa” và “vô ích”. Có nhiều chuyện vô nghĩa nhưng không vô ích vì nó tạo ra nhiều giá trị cho người làm, vì nhiều yếu tố khác nhau, như cách các vận động viên thể thao được trả tiền để chơi thật giỏi cái mà họ giỏi. Có nhiều chuyện cực kì vô ích nhưng nó lại đem đến ý nghĩa cho người muốn làm nó, ví dụ như viết những lá thư không gửi đến ai, chỉ để cho lòng bớt hư hao.
Người ta trăn trở mãi vì không rạch ròi được rằng việc tôi đang muốn làm, quyết định tôi sắp phải đưa ra là vì cái gì, vì lợi ích ngắn, lợi ích dài hay chỉ vì tôi muốn củng cố cho một ý niệm mà tôi đã dựng xây từ trong suy tư.
Vậy, sao không sẵn sàng để làm những việc vô nghĩa nhưng có ích, và những việc vô ích nhưng có nghĩa?
Làm gì khi sự vô nghĩa hiện về?
Khi kẹt vào trong hoàn cảnh của những lòng vòng vu vơ vô nghĩa nhưng đồng thời cũng vô hại, như khi phải chọn xem phải cầm đũa tay nào, mình chợt cảm thấy buồn cười. Xong rồi cũng qua, cũng vui và cũng có thêm cho mình những trải nghiệm. Nếu cơn vô nghĩa nó to hơn, nó đòi hỏi nhiều công sức hơn thì mình lại nghĩ tiếp xem nó có hại gì không, hay nó có lợi ích gì khi ta quyết định đu theo cái trận vô nghĩa này hay không?
Thông thường nếu chả có vấn đề gì gây hại, hoặc chỉ vu vơ không có gì to tát thì mình sẽ bay vào làm. Có mất mát gì đâu mà lại còn thu về trải nghiệm, chất liệu để kể lại, để sáng tạo. Như cái ngày mình quyết định sẽ chuyển qua dùng tay không thuận một năm, nó chỉ đến vậy thôi, không có đắn đo, không có trước sau, không có do dự.
Nếu sự vô nghĩa lại còn đi kèm với ích lợi, dù ích lợi chưa nhìn ra được ngay, vậy mình lại càng thích làm hơn, vì mình xem đó là một pha đầu tư vào “sự khó đoán của vô nghĩa“.
Nhiều người rất cần một đích đến ngay khi khởi hành, để họ có cho mình mục tiêu và ít nhất là không đi lan man vô định. Với họ, việc đó tạo cho họ sự vững tâm và động lực. Bản chất, chắc cũng tương tự như nỗi sợ mơ hồ ở trên.
Ở góc nhìn ngược lại, mình lại tin rằng: một hành trình bắt đầu mà không thể hiện rõ lợi ích đôi khi cho chúng ta sự tự do về các khả năng có thể của nó. Bạn có thể đi xa hơn cái đích, bạn có thể dừng lại giữa đường, hoặc rẽ sang một lối chưa ai từng thử. Để tóc dài đến tận năm thứ hai, mình mới ấn định về ngày cắt tóc và việc hiến tóc cho quỹ dành cho bệnh nhân ung thư, cái việc làm “nhiều tính nhân văn” đó xuất hiện như một món quà tặng kèm chứ chưa bao giờ xuất hiện ở lúc khởi đầu của hành trình.
Với mình, sự vô nghĩa xuất hiện khá thường xuyên, và nếu nó là thứ đáng làm, thì mình làm. Đối diện với những việc vô nghĩa cần làm, mình sẽ làm.
Vô nghĩa và những thừa nhận giá trị
Mình thấy những người xung quanh bắt đầu trân trọng hơn sự vô nghĩa, ngày qua ngày bao nhiêu sản phẩm được sinh ra từ sự vô nghĩa, hay chí ít cũng là sự cởi mở với vô nghĩa, bằng cách đồng hành cùng nó. Dấu hiệu rõ rệt nhưng lại rất khó nhìn thấy trong văn hóa đại chúng đó là người ta chọn lựa sự “vô nghĩa” để làm nguyên liệu cho những nụ cười của mình. Meme là một trào lưu đại diện.
Khi văn hóa hài hước của thế hệ sau dần mang nhiều nét ngẫu nhiên và tào lao hơn, mình đã cười một cách vô tri nhiều lần và đang cố giúp mọi người khác cũng có được những nụ cười vô tri như vậy. Người ta sẽ hòa thuận với sự vô nghĩa khi nhìn nhận được khía cạnh hài hước bên trong nó.
Nhiều năm sau những quyết định vô nghĩa của ngày cũ, có đôi lần mình cảm thấy được hưởng quả ngọt từ chúng nó. Mình đã khởi đầu cho sự nghiệp sáng tạo của bản thân bằng một dự án thật sự tào lao vào năm 2013, nó như một cánh cửa vô nghĩa đưa mình vào con đường sự nghiệp. Mình đã học đến ngoại ngữ thứ 5 chỉ vì ngày nọ cảm thấy ê hay là học thêm một thứ tiếng nào đó đi, không vì gì cả, chỉ vì thích thôi. Mình cũng đã từng bước đi những chặng đường biết chắc sẽ chẳng đi đến cái đích nào, nhưng lại mang lại biết bao nhiêu là di sản.
Vậy nên, có những vô nghĩa rất cần chúng ta bắt tay vào làm. Tận hưởng nó đi.