một nỗ lực để phân loại sự sáng tạo
Động lực nào đến nỗi này?
Cái trang cá nhân này bắt đầu với một dòng giới thiệu rằng mình là Nhân Lưu – một “creative thinker”, và thật ra nó là một thứ tagline tự xưng, nghe sang mồm sau nhiều thứ mình đã làm qua, chứ “sáng tạo” là gì và mình sáng tạo cỡ nào, điều đó vẫn chả có tổ chức hay công cụ nào đo lường được.
Ngó đi ngó lại đã 6 năm kể từ lần cuối mình viết một bài viết nói về chủ đề sáng tạo. Với tầm nhìn vẫn hạn hẹp và trải nghiệm vẫn chỉ tập trung vào một vài loại hình công việc, mình-của-thời-đó đã định nghĩa về các phân loại sáng tạo có nhiều phần ngô nghê.
Trong tầm 2-3 năm đổ lại khối lượng công việc, hạng mục đầu việc của mình dàn trải ra khá nhiều, dẫn tới cái nguồn nguyên liệu, kho trải nghiệm của mình nó to dần và phong phú hơn. Các kiến thức quý giá đa dạng cũng từ nhiều nơi đổ về và tạo ra những góc nhìn hay ho để mở cái miệng giếng của mình rộng thêm một xíu. Lần này mình lại muốn viết về sáng tạo, cũng như cách mình phân loại chúng nó, từ đó biết đâu có thể tạo tiền đề thúc đẩy một sự phát triển năng lực sáng tạo từ những người đọc qua bài viết hoặc trong chính mình.
Bài này dài, trước khi viết xong mình đã nghĩ thế. Vâng, và viết xong hết, quay lại chốt ở đầu bài cho người đọc dễ thu xếp thời gian là bài này có hơn 7500 chữ.

Ý tưởng lớn đến từ đâu?
Trước tiên xin phép tri ân những nguồn tư duy lớn đã góp phần định hình và tạo tiền đề cho bài viết này. Một cuốn sách hay và một blogger thú vị ít người biết đến.
Cuốn sách Where good ideas come from của tác giả Steven Johnson là một tài liệu tham khảo lớn của bài viết này. Cho tới thời điểm mình viết bài này thì cuốn sách vẫn chưa có mặt ở thị trường Việt Nam, nếu bạn quan tâm có thể order bản tiếng Anh trên Tiki tại link này
Nguồn tư duy thứ hai góp phần giúp mình hệ thống hoá nhiều thứ đang diễn ra xung quanh là một anh youtuber người Malaysia gốc Hoa, đang làm nội dung bằng tiếng Việt – Tùng Tùng Song. Anh này là một người nghiên cứu học thuật về lịch sử nhân loại và phát triển văn minh thế giới. Chính anh ấy đã phân tích về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, các vấn đề về văn minh thế giới. Những kiến thức học thuật đó được tổng hợp lại, phổ biến cho một người bình dân như mình, nó đã giúp mình khá nhiều trong việc tư duy quản lý tổ chức và đội ngũ. Trong một video chủ đề về sáng tạo, anh ấy đã gợi ý về cuốn sách này. Mọi người có thể xem video đó tại link này

Vậy trước tiên, xin hãy để mình dạo nhanh qua một vài gạch đầu dòng để nói về quyển sách và những thông tin nó mang lại, tạo ra kho nguyên liệu để mình xào nấu nên những lý thuyết mình liệt kê ra phía dưới. Trong phần này mình sẽ chia sẻ các quan điểm của tác giả và những đúc kết của bác ấy về chuyện ý tưởng, cụ thể hơn là ý tưởng hay đến từ đâu. Chính niềm tin này góp phần khai mở cho cách mình phân hoạch các loại hình sáng tạo.
Theo góc nhìn tác giả, ý tưởng hay không bụp một phát sinh ra như cách mọi người hay nghĩ. Sẽ không có một “Aha moment” nào đó tình cờ xuất hiện và khiến cho một thiên tài hay cá nhân nào đó chốt lại được phương án sáng tạo tuyệt đỉnh. Việc thừa nhận điều này giúp người ta nhìn ra được các hình mẫu (pattern) của sáng tạo và hình thành nên các yếu tố gây ra hoặc tạo ra môi trường cho sự sáng tạo, và qua từng chương chúng nó chính là:
Các yếu tố góp phần tạo điều kiện để sản sinh ra ý tưởng hay
Liquid Networks (Mạng lưới lỏng) – Ý tưởng phát triển tốt nhất trong môi trường mở, nơi con người có thể kết nối, trao đổi và xây dựng dựa trên ý tưởng của nhau, thay vì cô lập trong môi trường khép kín.
Sự giao lưu, trao đổi chéo thông tin, thị trường đa dạng v.v… và rất nhiều những không gian mà ở đó thông tin và kiến thức từ đa dạng lĩnh vực có điều kiện để lưu thông sẽ chính là một kiểu “mạng lưới lỏng” như vậy.

Điều này là một sự khái quát rộng hơn, vĩ mô hơn của tác giả cho thứ mà mình hay ví dụ ngày xưa khi nói về tính sáng tạo. Khi đó mình hay nói dưới góc nhìn cá nhân một con người. Đó là hãy tìm hiểu và lấy thật nhiều thông tin từ đa lĩnh vực để bản thân có cho mình một kho nguyên liệu thật đa dạng, đây là tiền đề cho sáng tạo. Hiểu biết nhiều chưa chắc dẫn các bạn đến giải pháp sáng tạo, nhưng hiểu biết ít chắc chắn sẽ gây ra rào cản lớn.
Và điều đó dẫn đến yếu tố thứ 2…
The Adjacent Possible (Khả năng liền kề) – Những đổi mới không xuất hiện từ hư không mà từ những khả năng sẵn có, giống như một căn phòng có nhiều cửa mở dẫn đến những căn phòng mới. Một môi trường đa dạng lĩnh vực không thể đảm bảo 100% cho việc ý tưởng mới có thể sinh ra, nhưng nó gia tăng số lượng cánh cửa có thể mở ra và những đường kết nối giữa đa lĩnh vực với nhau.

Trong góc nhìn cá nhân, mình gọi đây là sự liên tưởng. Một trong những công cụ quan trọng nhất của việc đẻ ý tưởng với mình là liên tưởng, quá trình liên tưởng giúp ta thấy những nét tương đồng của nhiều thứ khác nhau và nó đưa chúng ta từ căn phòng kiến thức này, qua những kho nguyên liệu khác.
Bạn có nhiều nguyên liệu tức bạn đã có cho mình nguồn tài nguyên giàu có của thông tin và các khả năng. Liên tưởng chính là sợi dây nối chúng nó lại, để giúp giải bài toán logistic của việc tận dụng kho tài nguyên và chuyển hoá tất cả thành giải pháp. Nếu suy rộng ra sự sáng tạo ý tưởng theo quy mô tập thể, tổ chức hoặc cộng đồng thì cơ chế này có thể hỗ trợ rất tốt nếu nó được thiết kế hiệu quả.
Các yếu tố tạo lập nền tảng tư duy đã khá rõ ràng, giờ là câu chuyện của những yếu tố mang tính quá trình, đó là …
Slow Hunch (Trực giác chậm) – Những ý tưởng lớn thường không xuất hiện tức thì mà mất thời gian để chín muồi, phát triển qua nhiều năm với sự bổ sung và tinh chỉnh dần dần. Điều này đôi khi bị lu mờ bởi những khoảnh khắc kịch tính lúc một ý tưởng ra đời, ít người hình dung được quá trình tư duy chầm chậm trước đó có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Trực giác sáng tạo là một khái niệm hay, nó giống như một cách nói đủ tinh gọn để gọi quá trình tìm kiếm và hình thành giải pháp. Khi bạn nói về “trực giác” nói chung bạn sẽ hình dung về việc có điều gì đó bên trong mách bảo bạn nên làm thế này chứ không nên làm thế kia và sau đó khi kết quả trả ra bạn biết rằng mình đã làm đúng. Đôi khi chúng ta cảm thấy đó là một việc thần kì. Cảm hứng sáng tạo hay ý tưởng khi tụi nó bật ra cũng khiến chúng ta cảm giác y vậy.

Kì thực chả có gì là tâm linh hay “ông bà độ” cả, điều này đến từ khả năng cảm nhận và tổng hợp thông tin của cơ thể. Việc không thể lý giải cho những cảm xúc “có gì đó sai sai…” có thể là do tốc độ tư duy lý giải không theo kịp khả năng cảm nhận và đưa ra quyết định. Sáng tạo cũng thế, kho nguyên liệu rộng lớn dàn trải và khả năng kết nối đã thuần thục có thể khiến bạn có cho mình nhiều cơ hội trong phát sinh ý tưởng mới. Ví dụ như ….
Serendipity (Sự tình cờ) – Nhiều phát minh quan trọng xuất hiện nhờ những khám phá ngẫu nhiên khi con người đang tìm kiếm một thứ khác. Yếu tố này với góc nhìn của mình cũng là một sự khai triển chi tiết hơn của phần trên.
Trong suốt quá trình tìm kiếm ý tưởng chúng ta sẽ thử nghiệm và làm ra nhiều mẫu thử, quá trình này đôi khi lại tạo ra những giải pháp cho những điều mới và cũng ở chiều ngược lại, đôi khi ý tưởng của một vấn đề khác lại là công cụ thích hợp cho bài toán ta đang đau đầu bên này.

Kết hợp với góc nhìn của những chương đầu về những mạng lưới lỏng hay sự liên tưởng, ta thấy được việc hình thành ý tưởng sẽ không phải là một hệ kín mà là một chuỗi các giao thoa và trao đổi thông tin đa chiều. Điều đó cũng tạo ra một góc nhìn khác đó là việc khoan dung với những…
Error (Sai lầm) – Những lỗi sai không phải là điều xấu, mà ngược lại, chúng có thể dẫn đến những đột phá bất ngờ, giống như nhiều khám phá khoa học quan trọng bắt nguồn từ thất bại ban đầu. Như cách người Việt Nam hay bảo rằng “thất bại là mẹ thành công“, việc thử nghiệm tạo ra những phiên bản chưa thể sử dụng cho những vấn đề hiện hữu có thể là tiền đề cho các ý tưởng của tương lai.

Lỗi, sai lầm, những nhầm lẫn,… hay bất cứ thứ gì bạn liên tưởng đến khi đang đọc đến những dòng này đều có thể được nhìn nhận như một tiền đề của ý tưởng. Thông tin này dẫn mình đến một trong những bổ sung lớn về yếu tố môi trường đó là tính khoan dung và sẵn sàng cởi mở với những thứ bên ngoài dự định đã và sẽ diễn ra. Và đó là khi chúng ta nói đến phần tiếp…
Exaptation (Tận dụng ngoài dự tính) – Một ý tưởng hoặc công nghệ ban đầu có thể được sử dụng theo cách khác so với mục đích ban đầu, mở ra những sáng tạo mới. Mẫu hình này đã lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong lịch sử, vậy nên những “vựa đồng nát ý tưởng” vẫn luôn là một kho tàng quý giá luôn có thể lột xác để trở nên hiệu quả bất cứ lúc nào.

Trong quá trình hình thành sự nghiệp và kết hợp với nhiều đối tác hoặc bạn bè đồng hành, mình nhiều lần nhìn thấy khả năng tiềm tàng của thứ mình đang có khi nó được đặt vào đúng tay người có thể phát huy. Điều này quan trọng khi bạn nhìn nhận được sự giới hạn của bản thân và đang tạo lập những sân chơi mang tính liên-chủ-thể hoặc mong muốn kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực. Và chính điều đó tạo nên yếu tố cuối cùng mà cuốn sách đề cập tới…
Platforms (Nền tảng) – Những hệ thống mở và có thể mở rộng giúp thúc đẩy đổi mới, chẳng hạn như các thành phố, internet, hoặc các nền tảng công nghệ. Ý tưởng sẽ từ đây mà ra, và nền tảng sẽ tổng hợp các đặc tính đã kể ở các chương trước, sẽ tao ra một môi trường ươm mầm cho sự phát triển của ý tưởng.

Với vai trò cá nhân chúng ta nên quăng mình vào những “nền tảng” dung dưỡng cho sự sáng tạo. Cơ hội để chúng ta có thể có ý tưởng hay và thành công sẽ tăng lên. Với góc nhìn tổ chức, cộng đồng, chúng ta nên tạo ra những môi trường có đầy đủ những tiêu chí để làm vườn ươm cho ý tưởng xuất hiện.
Làm thế nào để trở nên sáng tạo?
Đây là câu hỏi và sự theo đuổi của rất nhiều người, tổ chức lớn nhỏ. Trong suốt quá trình làm việc và cả đi đào tạo trước đây, mình cũng liên tục gặp câu hỏi này, tìm cách trả lời nó, hệ thống hoá các phương pháp và cố gắng đo lường. Thế nhưng khác với chuyện học tập một chuyên môn hay thừa hưởng một kĩ năng, nơi ta có thể hấp thu từng bước và chuyển hoá những kiến thức đó thành của mình, sáng tạo thật ra là một trạng thái, một tính trạng và đôi lúc là một thành tựu hơn là một thứ kiến thức có thể trang bị. “Trở nên sáng tạo” khó đạt cũng là vì thế.
Tốc độ phát triển của công cụ và công nghệ cũng rất nhanh và ồn ào, nó cứ phá banh các tiêu chuẩn cũ, thiết lập thang đo mới và rồi lại bắt chúng ta phải đau đầu tư duy theo những trào lưu ào ạt. Sáng tạo sẽ đóng vai trò gì trong cuộc chơi này và liệu những người sáng tạo kiểu cũ còn chỗ đứng không?
Chia nhỏ câu hỏi ra để có thể có nhiều cụm giải pháp hơn cũng là một cách để tiến gần hơn tới đáp án. Định nghĩa sáng tạo là gì? làm sao để so sánh sự sáng tạo là “hơn” hay là “kém”?

Vậy thì nếu xoay câu hỏi “làm sao để sáng tạo hơn” theo một góc nhìn khác, thì chắc vấn đề có thể được nhìn thấy sẽ là “làm thế nào để có nhiều ý tưởng hơn, nhiều ý tưởng dùng được hơn, nhiều ý tưởng hay hơn…“. Với những gì đã được đề cập thì cái mà chúng ta có thể làm tốt nhất đó là tạo ra bối cảnh cho ý tưởng dễ dàng đến hơn. Hoặc bị động một chút, là đi tìm cái bối cảnh phù hợp để sáng tạo theo kiểu mình cảm thấy dễ dàng.
Do vậy nên mình quyết định “phân loại sáng tạo“, việc này, ngắn gọn mà nói, chính là để nhận diện cái kiểu sáng tạo mà chúng ta đang triển khai nó là loại hình sáng tạo nào. Sau đó chúng ta sẽ phát hiện ra mình đang có một kiểu mindset để tạo mới ra thứ này thứ kia khá khác nhau, nhưng đều đang là sáng tạo cả. Và cuối cùng thì chúng ta có thể lựa chọn đóng góp sự sáng tạo của mình cho những môi trường phù hợp, tối ưu giá trị bản thân và sau đó là trở nên ưu việt hơn. Đây có thể là một giải pháp tiệm cận với cái câu hỏi lớn là “làm thế nào để trở nên sáng tạo hơn“.
Phân loại sáng tạo, theo mục đích và hình thái
Cơ chế của việc phân loại này là dựa trên nguyên tắc “ý tưởng sáng tạo sẽ đóng vai trò gì sau khi nó được sinh ra“, hay “sản phẩm của loại sáng tạo đó sẽ có những đặc tính gì“. Từ đó ta có thể thấy được mục đích cuối cùng của kiểu sáng tạo đó, và nó có thể được khái quát thành kiểu hình sáng tạo.
Việc phân loại sáng tạo như thế này không nhằm vào việc chia nhỏ các hoạt động và định hướng các hoạt động về một hướng riêng biệt cụ thể nào đó (như kiểu bạn sáng tạo kiểu A thì bạn chỉ nên làm kiểu A). Theo trải nghiệm của mình trong thực tế thì hầu như các hoạt động sáng tạo và các ý tưởng đều sẽ là tổng hoà của nhiều hơn một mục đích và luôn bổ trợ lẫn nhau. Nói thế nghĩa là trong hoạt động A cũng phần nào có những kiểu tính chất của hoạt động B và người làm ở 1 công ty có nhiều ý tưởng kiểu này thì cũng không bị giới hạn theo kiểu kia… vậy nên đừng quá cứng nhắc trong việc dán nhãn.
Rồi, nếu đã rõ ràng rồi thì hãy bắt đầu với…
Sáng tạo giải pháp (Problem-solving creativity)
Biểu hiện
Những người xoay sở và luôn tìm ra được một cách nào đó để xử lý vấn đề, họ là một nhà sáng tạo giải pháp. Một bức chân dung giản lược của loại hình sáng tạo này chính là khoảnh khắc ai đó hét lên sung sướng “có cách rồi” trong một tình thế bế tắc.
Loại hình sáng tạo này sẽ đến từ việc bạn có cho mình những góc nhìn, quan sát để tìm ra nhưng đặc tính của vấn đề mà bạn đang phải đối mặt, vận dụng kho tài nguyên về kiến thức và kĩ năng mình đang có để sáng tạo ra một giải pháp. Và khi giải pháp xuất hiện, nó giúp mọi thứ trở nên trơn tru dễ thở hơn.
Những giá trị mang lại
Những cải thiện đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống. Chúng ta đang tạo ra thêm rất nhiều giá trị bằng việc tìm thấy và giải quyết các vấn đề đang có. Chúng ta có thêm biết bao nhiêu thời gian mỗi ngày nếu tình trạng kẹt xe giảm đi một nửa mức độ nghiêm trọng? Ngày xưa đó bao nhiêu người đã phải chết vì những căn bệnh mà giờ đây y học dễ dàng chữa trị? Hay người ta sẽ sẵn sàng trả cho bạn hàng núi tiền nếu bạn biết cách dự khắc phục những lỗ hổng an ninh mà một hệ thống đang gánh lấy.
Giải quyết vấn đề đang có là việc dễ hiểu, nên kiểu sáng tạo này thật dễ để nhìn nhận giá trị.

Chân dung người hưởng lợi
Có những người đồng đội có năng lực sáng tạo giải pháp cao sẽ giúp bạn luôn trong tâm lý an tâm, vì biết khi có sự cố xảy ra mình biết nhìn về đâu để tìm giải pháp. Mình đã từng làm việc với những bạn nhân sự có tư duy này, các bạn mang đến cho mình một niềm cảm hứng thú vị và cảm giác mọi rủi ro đều bớt nguy hiểm đi khá nhiều.
Lần gần nhất trong một sự kiện mà phía địa điểm tổ chức hy vọng người tham dự sẽ có trang phục kín đáo, một bạn khách vô tình đến với trang phục hơi vượt mức cho phép. Chỉ trong khoảnh khắc thôi một bạn thực tập sinh đã liên hệ ngay với một gian hàng về cổ phục để cho bạn khách được mặc trang phục truyền thống. Giải pháp sinh ra làm đẹp lòng tận 3 bên: tiêu chí của ban tổ chức được tuân thủ, bạn khách mời không những không cảm thấy bị yêu cầu quá nghiêm khắc mà còn thích thú với trải nghiệm mới còn phía gian hàng thì lại được quảng bá sản phẩm của mình miễn phí. Đó chính là giá trị của người sáng tạo giải pháp.
Các công ty, tổ chức về về giải pháp sẽ rất cần nhóm kỹ năng này. Ví dụ công ty luật, dịch vụ kế toán, tư vấn kinh doanh hoặc digital product design. Nếu bạn là một người luôn giỏi xoay sở thì cơ hội để bạn trở nên sáng tạo hơn đó là hãy sáng tạo ở những nơi này.
Tiềm năng có thể trở thành
Người sáng tạo giải pháp sẽ càng lúc càng có giá trị khi giải pháp của họ giải quyết được những vấn đề lớn hơn. Nếu bạn cảm thấy mình thích đi tìm giải pháp, thích đương đầu và đánh gục vấn đề, hãy tìm cách phát triển dần kĩ năng nhìn nhận, khám phá và phân tích các đặc điểm của chúng nó, sau đó sáng tạo ra giải pháp. Hãy bắt đầu với những vấn đề be bé, quen thuộc và đi lên dần. Nơi nào có vấn đề, nơi đó sức sáng tạo của bạn sẽ dễ phát triển.
Song song với việc đó là bổ sung kho nguyên liệu kiến thức, vì giải pháp chỉ chui ra để đấm nhau với vấn đề khi bạn có đủ trải nghiệm và hiểu biết rộng rãi để lôi chúng nó ra khi cần thiết. Thật ra thì dù là sáng tạo kiểu nào thì cái hoạt động bổ sung kiến thức này vẫn sẽ không bao giờ thay đổi, nên có thể từ mục sáng tạo tiếp theo mình sẽ không đề cập đến nó nữa
Sáng tạo tân tiến (Innovative Creativity)
Biểu hiện
Bạn thích tạo ra cái mới. Sản phẩm vật lý hoặc điện tử, hữu hình cầm nắm được hoặc một khái niệm. Và vậy nên bạn quyết tâm tạo ra chúng nó. Sự sáng tạo kiểu này có nhiều nét tương đồng với kiểu hình trước đó, chỉ có một điểm hay là đôi khi thành phẩm của loại hình sáng tạo này nó không cần vấn đề cơ sở để được sinh ra, nhưng khi nó sinh ra rồi, nó nâng tiêu chuẩn của mọi thứ xung quanh lên, và khi đó thì vấn đề mới xuất đầu lộ diện.
Bức tranh khái quát của loại hình này chính là hình ảnh của một nhà phát minh đang cố gắng tạo ra một cỗ máy mà mọi người xung quanh chả hiểu nó dùng để làm gì.
Những giá trị mang lại
Như đã đề cập ở biểu hiện thì khác với tư duy giải quyết vấn đề, người có năng lực sáng tạo tân tiến sẽ có xu hướng làm ra một cái gì đó dù thật sự chưa có vấn đề rõ ràng xảy ra. Điều đó đôi khi được thôi thúc từ việc bạn muốn cải thiện tình trạng hiện có, phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra, hoặc tạo ra một thứ gì đó vượt lên trên những thứ của hiện tại.
Cả nhân loại đang rất là hài lòng với việc di chuyển bằng xe thì có mấy ông thần nào đó đặt câu hỏi là nếu chúng ta bay được thì sao. Bạn ngủ rất thoải mái với một tư thế phổ thông bình thường, sau đó người ta dúi cho bạn một chiếc gối ôm và rồi bạn không chấp nhận được việc ngủ thiếu gối ôm nữa. Chuyện tương tự cũng xảy ra với vòi xịt vệ sinh (bum gun) hay khái niệm về sự tự do bình đẳng. Chính các phát minh mới cả về vật chất lẫn định nghĩa đã tạo ra điều đó, một sự phát triển không-thể-quay-đầu.
Giá trị rõ ràng nhất của sáng tạo tân tiến chính là nó nâng chuẩn mọi thứ xung quanh nó, dù ở đó chưa có vấn đề cả. Khi tiêu chuẩn đã được nâng rồi, thì cái trạng thái bình thường mới sẽ khiến người ta đánh giá ngược lại những yên ổn trước đây.

Chân dung người hưởng lợi
Con người sẽ luôn muốn mạnh hơn, nhanh hơn, tốt hơn, khoẻ hơn, đi xa hơn và bứt phá các giới hạn. Người có tư duy này thường sẽ rất phù hợp để làm trong những môi trường đổi mới và tân tiến (innovative). Một người bạn của mình đã nói về tinh thần của phòng digital product tại công ty bạn là học theo quan điểm “không có sản phẩm tốt nhất, chỉ có sản phẩm tốt hơn“, và bạn vui vẻ đi làm mỗi ngày vì cái năng lượng tân tiến đó là điều bạn thích thú. Chúng ta đã có một thế giới như bây giờ là nhờ sự cố gắng liên tục của cái tư duy innovative creativity này.
Sáng tạo tân tiến còn tạo ra một tác dụng tích cực phụ nữa, đó là tạo ra niềm hy vọng vào một tương lai sẽ còn tốt đẹp hơn khi nhìn những thứ xung quanh bạn. Khi nhìn vào quy luật phát triển của một loạt thứ, bạn thấy thời điểm hiện tại bạn đang được thụ hưởng những tiêu chuẩn chưa từng có trong lịch sử và bạn đang ăn, xài, ở và tận hưởng những thứ không vị vua chúa nào hồi xưa có thể chạm được. Và đồng thời bạn cũng háo hức chờ đợi sản phẩm mới của ngày mai.
Lần gần nhất mình cảm thấy ngạc nhiên với một thành phẩm của sáng tạo tân tiến đó là khi tiếp xúc với một công cụ tóm tắt tài liệu lớn một cách trực quan, vẽ sơ đồ tư duy và thậm chí là tạo ra một đoạn hội thoại bằng A.I. để thảo luận rất chuyên sâu về nội dung mà mình đã viết. Nó nâng tầm học tập của mình lên một khoảng cách mới nhanh, gọn và hiệu quả khủng khiếp, cứ như đang chạy bộ mệt nhoài thì có một chiếc ô tô đến đón.
Tiềm năng có thể trở thành
Bạn trở thành một nhà phát minh, cả về sản phẩm dịch vụ, hoặc những định nghĩa và ý niệm. Hãy tìm cho mình một môi trường mà người ta kỳ vọng bạn sẽ nhìn xa hơn so với những điều đang phải đối đầu ở hiện tại. Những môi trường mà ở đó bạn có thể rẽ nhánh đi riêng hoặc tạo ra những thứ thay đổi được tiêu chuẩn mà thị trường đang có.
Tất nhiên những môi trường như vậy cũng sẽ có nhiều rủi ro về sự thất bại hoặc nhiều thử thách trong việc phải tìm ra những vấn đề còn chưa tồn tại, guồng quay về việc phải có nhiều ý tưởng và thử nghiệm cũng là một áp lực lớn. Nhưng có sao đâu, tại đây là môi trường sáng tạo bạn yêu thích mà.
Sáng tạo tiếp biến (Adaptive Creativity)
Biểu hiện
Loại hình sáng tạo này sẽ thường thấy trong các hoàn cảnh đòi hỏi sự thích ứng. Mình khá thích chữ “tiếp biến” vì nó thể hiện khá rõ nội hàm của các hoạt động sáng tạo này. Loại hình sáng tạo này thường là sự song hành giữa tìm ra giải pháp và thích nghi trong thời gian dài. Bạn sẽ không chỉ phải giải quyết một kiểu vấn đề nào đó đột nhiên xuất hiện, mà còn phải tận dụng và biến điều kiện xung quanh thành chất liệu để tạo ra nền tảng cho thành phẩm sáng tạo mà bạn sắp tạo ra.
Bức tranh đẹp đẽ nhất của loại hình sáng tạo này bạn có thể hình dung ra câu chuyện một ai đó từ từ biến các đặc điểm của môi trường xung quanh, thứ đã từng gây trở ngại cho mình, thành một phần của hoạt động, của thói quen, của phong tục và ghê hơn nữa là cả một văn hoá truyền thừa.
Những giá trị mang lại
Bạn thường hay nghe các diễn ngôn về chuyện thời đại này là một thời đại biến động không ngừng và mọi thay đổi diễn ra rất nhanh, thích nghi trở thành một trong những kĩ năng quan trọng để thành công trong thị trường lao động. Khả năng thích nghi, tạo ra được những cách tiếp cận hoặc sản phẩm mới khi môi trường thay đổi, chính là năng lực sáng tạo tiếp biến mình muốn đề cập. Mà thật ra cũng không cần phải là thời đại này thì năng lực tiếp biến mới được đánh giá cao, chúng ta đã thấy nó trong mọi thứ xưa giờ, cách những ngôi nhà được tạo nên giữa hoang sơ, một món ăn truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ hay cách trang phục biến đổi qua từng thời kì phục vụ đời sống, rồi từ đó mà hình thành nên văn hoá.
Đời sống chính là nơi mà sáng tạo tiếp biến vùng vẫy và tạo ra nhiều thành phẩm nhất. Từ cách người nông dân miền núi xoay sở để có ruộng bậc thang, hay một nghệ sĩ cải lương tìm cách để hoà mình vào dòng chảy của âm nhạc pop hiện đại. Cách một chú sửa xe đạp ở góc đường tìm cách xem lỗ thủng của chiếc lốp xe bằng thau nước hay cách một ban lãnh đạo công ty tìm cách biến hàng tồn kho thành thứ sản phẩm khuyến mãi tạo nhiều thu hút. Tất cả đều là dấu hiệu của việc thích ứng, chuyển đổi công năng của thứ đang có thành một loại hình mới và giúp nó sống với thời cuộc.

Chân dung người hưởng lợi
Sáng tạo tiếp biến giúp một thứ gì đó, đầu tiên là sinh tồn được trước các thách thức của môi trường xung quanh (1), sau đó nữa là tiếp tục phát triển với điều kiện hiện có (2), và cuối cùng là chuyển mình thành một trạng thái cao cấp hơn của nó (3).
Khi bạn đang loay hoay xoay sở với nguồn lực đang có, đùng một cái môi trường biến đổi và tạo ra nhiều thử thách hơn thì thích nghi chính là cách tốt nhất để sống sót. Bạn buộc phải học cách “mềm hoá” các nguyên tắc cũ, linh động nghĩ ra những phương pháp mới để tận dụng “vốn cũ” – vốn tài nguyên, vốn văn hoá, vốn kĩ năng v.v…. để giữ vững sự tồn tại của mình. Như khi cách một nhân sự chuyên môn cao phải đối đầu với làn sóng công nghệ mới, quét sạch đi giá trị họ đã dày công xây dựng trên thị trường nghề nghiệp.
Khi đã dần làm quen với các tác động mà trước đây bạn xem như thử thách hoặc thậm chí là thế lực thù địch luôn muốn triệt tiêu bạn, bạn bắt đầu hình dung cách tận dụng nó và thêm nó vào cái kho bạn đang có. Bạn biến nó thành công cụ, một phần của các biến số cấu thành nên công thức sáng tạo của bạn hoặc thậm chí là nguyên liệu để bạn sáng tác. Hãy nhìn những người nông dân miền Tây chờ lũ về để làm màu mỡ thêm cho đất ruộng và xoay vòng các mùa vụ của mình theo mùa nước lên xuống, bạn sẽ hình dung được lũ lụt đã chuyển hoá từ thiên tai trở nên một thành phần trong bài toán sáng tạo nông nghiệp của họ.
Việc trở thành thứ phiên bản nâng cấp hơn của chính mình, hoặc thậm chí thoát ra và siêu việt hơn là mức độ hưởng lợi cao cấp nhất của việc sáng tạo tiếp biến. Nếu bạn đã từng nghe một tác phẩm âm nhạc tận dụng chất liệu dân gian, phối trộn hài hoà với phong cách hiện đại và đem đến một câu chuyện xuất sắc thì đó chính là một bằng chứng cho thành phẩm sáng tạo tiếp biến thành công.
Tiềm năng có thể trở thành
Nếu bạn có cho mình tinh thần của sáng tạo tiếp biến, hãy đi đến bất cứ đâu, sống sót, vượt qua và chuyển hoá. Hãy là một phần của quá trình đổi mới, thích nghi và nắm bắt lấy cơ hội trong những giai đoạn nhiều thử thách nhất. Bạn hãy là cục biến áp của cái thế gian này.
Môi trường khắc nghiệt và nhiều biến chuyển sẽ là một không gian phù hợp để bạn phát triển. Năng lực thích nghi, biến nguy thành cơ chính là câu chuyện chính để sáng tạo của bạn.
Sáng tạo cảm hứng (Inspirational Creativity)
Biểu hiện
Đây là nhóm hoạt động sáng tạo “hào nhoáng” nhất, và thường hay được nhận diện là “sáng tạo” trong mắt của đại chúng. Vì sản phẩm của nó rất trực diện vào tính chất nổi bật của sáng tạo: mới mẻ và thu hút.
Một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh kiệt tác, một bài hát hay với một chiếc video kể chuyện thật khéo léo và rung động. Cũng có thể đó là một thông điệp quảng cáo gãy gọn thông minh, ý tưởng cho các poster hệ thống hình hoạ bắt mắt. Tất cả rất thôi thúc, rất khiến người ta muốn phải bắt tay làm điều gì đó. Đây chính là mục đích tối thượng mà loại hình sáng tạo này hướng tới. Vậy nên, sẽ không cần phải có thứ gọi là “bức chân dung” cho loại hình sáng tạo này, vì bản thân nó chính là bức chân dung đại diện cho cái mà đại chúng gọi là sáng tạo.
Những giá trị mang lại
Lúc trước khi còn chưa chiêm nghiệm đủ nhiều, mình phân chia các hoạt động sáng tạo đơn sơ lắm. Mình gọi loại hình sáng tạo này là sáng tạo thuần tuý và các loại hình còn lại là sáng tạo thực dụng, đơn giản bởi vì các sáng tạo khác thì có mục đích còn loại này thì mình thấy nó chỉ là sáng tạo để… sáng tạo thôi, không có mục đích phía sau của việc đó.
Giờ nhìn lại mới thấy, thật ra là có. Mục đích lớn nhất của sáng tạo kiểu này là truyền đi một thông điệp, và hy vọng vào những phản hồi.
Khi bạn viết một câu chuyện hay, một bài hát đầy rung cảm, bạn có thể không cần tiền bạc cho tác phẩm đó, nhưng bạn muốn thông điệp của nó lan xa và có những phản ứng nào đó trong cộng đồng. Nghệ thuật có chỗ đứng trong cuộc sống và vẫn tồn tại bên cạnh giá trị vật chất là ở điểm này.
Biến thể “cơm áo gạo tiền” hơn một chút là các tác phẩm truyền thông, những lời quảng cáo khéo léo hay những chiến dịch marketing/branding thú vị. Khi đó tính cảm xúc của thông điệp giảm bớt phần nào nhưng bù lại các tính toán và kịch bản điều hướng gia tăng để lái phản hồi của người xem về phía lợi ích rõ ràng hơn. Trong nền kinh tế ngày nay, khi mức độ cạnh tranh về chất lượng lõi đã gần như không quá khác biệt thì vị thế của việc truyền đi thông điệp sáng tạo hiệu quả trở thành bài toán chiếm nhiều quỹ thời gian nhất của các hoạt động kinh doanh.
Sáng tạo cảm hứng có tác dụng sâu và lâu dài nhưng thường không tạo ra ngay một thứ hữu hình gì đó nên đôi khi chúng ta không nhận biết được giá trị của nó ngoài cái tinh thần. Vậy nên đôi khi chính điều đó tạo cảm giác các nhóm hoạt động này “sáng tạo hơn” hoặc chí ít là “tinh khiết về mặt sáng tạo hơn” các nhóm hoạt động khác. Đơn cử bạn sẽ thấy phòng marketing rất khó chứng minh được đóng góp các hoạt động của mình vào doanh thu công ty, hay chúng ta hay nghe bảo cơm áo không đùa với khách thơ.

Chân dung người hưởng lợi
Về mặt thụ hưởng bị động, đời sống tinh thần phong phú là một trong những kết quả tích cực nhất cho cả một cộng đồng lớn khi sự sáng tạo truyền cảm hứng có tác dụng tốt. Tưởng tượng xung quanh bạn toàn là những tác phẩm hay và mỗi ngày mở mắt ra sẽ luôn có cái để thưởng thức sẽ làm bạn có một kho cảm xúc khá dồi dào (không phải vui hơn hay tích cực hơn, mà đơn giản là đa dạng hơn và …yeah, cảm hứng hơn).
Xét về chủ thể của người hay đơn vị có năng lục sáng tạo cảm hứng tốt thì họ sẽ được chú ý hơn, có tiếng nói và được người khác tiếp nhận thông điệp, quan điểm một cách đúng định hướng của họ hơn. Bạn có thể nhìn vào một hàng dài nườm nượp người xếp hàng mua một món đồ chơi vu vơ, hoặc một đoàn quân ra trận hừng hực khí thế với những tuyên truyền cực mãnh liệt của một chính quyền giỏi làm truyền thông. Cả hai đều là nhờ sự sáng tạo cảm hứng.
Tiềm năng có thể trở thành
Nếu bạn là một người kể chuyện hay, và trong nghĩa rộng của từ này thì ý mình là kể chuyện với mọi loại chất liệu từ âm nhạc, nghệ thuật, cho đến tuyên truyền hay lên kế hoạch… luôn, thì nhóm hoạt động bạn đang hướng tới chính là “truyền cảm hứng”. Nó có thể là một hình thức nghệ thuật nào đó hoặc một phần trong chuỗi mắt xích của ngành công nghiệp truyền thông khắp mọi nơi.
Tới đây tự nhiên muốn nói thêm mấy ý: Làm việc trong ngành “creative” cũng ngót nghét 11 năm cho đến khi viết những dòng này, tự nhiên thấy những người trong ngành chúng mình được may mắn khi gắn cho cái danh creative đó. Thật ra chính xác thì như ở đầu bài mình đã có nói: sáng tạo nó là một trạng thái, một đặc tính chứ không phải một loại sản phẩm để mà sản xuất ra. Vậy nên sẽ khá vô nghĩa nếu cứ mặc nhiên cho rằng ngành “truyền thông & marketing” chính là ngành “sáng tạo”.
Kiến tạo nền tảng (Sustainable Creativity)
Biểu hiện
Khi viết về loại hình này, mình nhận được gợi ý cho cái tên của nó trong tiếng Anh là Sustainable creativity hay sáng tạo bền vững. Cái tên hay trong tiếng Anh nhưng khi dịch về thì thấy chưa có thoát ý. Hoạt động này sẽ là nhóm các việc sáng tạo ra môi trường nuôi dưỡng hay vẽ ra một hành lang cho thật nhiều cơ hội có thể xảy ra, những cái biểu hiện đó sẽ tập hợp lại và mình gọi nó là “Kiến tạo nền tảng“.
Bạn có từng nhìn thấy các biểu hiện của tư duy sáng tạo này khi nhìn vào các vườn ươm khởi nghiệp, các thành phố công nghệ cao thông minh mà chính phủ đang cố tạo dựng. Hoặc nhỏ nhẹ hơn, là một người đang cố gắng đào tạo ra một lớp sóng sau tốt hơn thế hệ đi trước, một người leader của team đang tìm cách tối ưu tài năng của các nhân sự, đôi khi đơn giản là một game designer.
Chân dung tiêu biểu của loại hình sáng tạo này là một người tạo ra một cộng đồng, một nền tảng, một thế giới và rồi lặng yên đứng nhìn những va chạm, những chuyển động bên trong nó tạo ra vô số khả năng. Một cách khoa trương, đây là sự sáng tạo của những sáng tạo.
Những giá trị mang lại
Cá nhân mình thích loại hình sáng tạo này nhất, và mình cũng đang dành nhiều tâm sức cho những kiểu sáng tạo như thế này thông qua các đầu việc về đào tạo, về xây dựng cộng đồng, về thiết kế ra các triết lý, quan điểm. Bài viết mà các bạn đang đọc cũng chính là một phần trong chuỗi đó.
Kiến tạo nền tảng là chuẩn bị nhiên liệu hoặc nguyên liệu cho các sáng tạo tiếp nối. Bạn sẽ phải sẵn sàng tâm thế rằng thứ mình sắp sửa tạo ra không trực tiếp quyết định kết quả của sản phẩm sáng tạo cuối cùng. Tin vui là vì vậy nên nó có thể tạo ra thứ lớn lao hơn chính bạn và công trình của bạn. Như việc một người thầy giỏi có thể tạo ra đứa học trò xuất sắc về chuyên môn hơn mình nhiều.
Kiến tạo cũng là một hình thức sáng tạo dựa trên niềm tin, bạn xếp đặt mọi thứ và rồi kích hoạt cho một cơ chế tự động chạy và tạo ra các khả năng. Trong vô vàn khả năng bạn tạo ra sẽ có những thứ gây ngạc nhiên hoặc tạo ra giá trị to lớn, hoặc có khi chả có gì xảy ra cả. Những nhà quản lý công hoặc những quỹ đầu tư công nghệ chính là người hiểu rõ cảm giác này.
Trong một thời đại mà những làn sóng công nghệ đang xoá nhoà hầu hết các loại hình chuyên môn đòi hỏi kinh nghiệm và kĩ năng lâu dài (vâng, chính là A.I. đấy!). Thì thứ có thể sẽ giữ bạn ở lại với vị thế người điều khiển chính là tư duy kiến tạo này.

Chân dung người hưởng lợi
Nhà kiến tạo gây dựng nên một nền tảng, bản thân nền tảng có thể có lợi hay không thì chưa rõ nhưng người tận dụng nền tảng đó sẽ là kẻ có lợi. Sân chơi chung với luật chơi và những nguyên tắc để tìm kiếm giá trị sẽ là một phương tiện tốt để những người có lợi thế lướt theo và tạo ra giá trị. Cầu thủ bóng đá kiếm nhiều tiền nhất chắc hẳn không phải là người đã nghĩ ra luật chơi môn này đầu tiên.
Điểm này cũng vừa là một điểm rủi ro mà cũng vừa là một nét đẹp của kiến tạo nền tảng, sân chơi của bạn có thể sẽ không phải là phương pháp tối ưu để bạn phát triển giá trị bản thân của mình và bạn sẽ phải tận dụng nó theo một góc độ khác những người tham gia. Chính phủ sẽ chi tiền đầu tư công cho một công trình nghệ thuật lớn tại địa phương nhưng bài toán tạo ra giá trị cho nơi thụ hưởng nó sẽ khác rất nhiều những tính toán lâu dài cho lợi ích quốc gia mà những nhà hoạch định chính sách đã quyềt ban đầu.
Cuối cùng, cảm giác trồng một cái cây, nuôi một con mèo hay giáo dục một con người và thấy nó lớn lên phát triển khoẻ mạnh ngoài tầm kiểm soát của mình thật ra cũng là một bản năng của chúng ta, những kẻ kiến tạo bẩm sinh.
Tiềm năng có thể trở thành
Nếu bạn yêu thích nhóm hoạt động sáng tạo này, hãy khởi nghiệp. Hãy thiết kế những trò chơi. Hãy làm nhà khởi nghiệp thiết kế trò chơi, sân chơi. Hãy đi đào tạo. Hoặc hãy trở thành nhà khởi nghiệp về đào tạo =))).
Hoặc có thể làm gì cũng được, và chờ đợi những gì mình tạo ra tiếp tục tạo ra những gì mình chưa từng hình dung hay nghĩ tới.
Vận dụng thế nào? Những gì sẽ diễn ra tiếp theo với bạn, với mình?
Và, hết bài rồi, hy vọng đọc tới đây bạn đã sáng tạo hơn. Hơ, đùa đấy, làm đéo gì nhanh vậy được.
Trong bộ phim Limitless, mình rất ấn tượng với một chi tiết nội dung. Đó là khi dùng một loại thuốc có tác dụng gia tăng chỉ số IQ, hầu hết các nhân vật đều không mô tả trạng thái của mình là “thông minh, trí tuệ hơn“, mà họ toàn nói về chuyện mọi thứ rõ ràng hơn, và biết mình phải làm gì hơn.
Khi viết về chuyện làm thế nào để sáng tạo hơn, mình toàn phải bảo là “không có một câu trả lời cụ thể cho mong muốn đó”, vì như mọi người đã thấy ở trong toàn bộ các phần của bài viết này mình đã nói về sáng tạo như một đặc điểm, trạng thái.
Vậy nên bài viết này, hy vọng cũng cho các bạn sự rõ ràng hơn, và nhiều gợi ý cho việc mình cần và nên làm gì.
Còn sáng tạo á? Hãy tự đi mà làm cái gì đó và trở nên sáng tạo.