những thể nghiệm về hài hước của mình
Những thể nghiệm mới về việc “làm người khác cười”
Nhúng một chân vào lĩnh vực Hài độc thoại…
Việc trở nên vui tính, vui vẻ và thú vị không phải là quá khó, nhưng việc diễn để khiến mọi người cười và biến nội dung của bạn thành tiếng cười nơi người khác là một quy trình nhiều thử thách. Mình cũng đã có những thể nghiệm trong những “ngôn ngữ hài hước” mới và thấy được những thử thách, khó khăn ở đó.
Khoảng vài tháng trước mình tham gia cùng cộng đồng Sài Gòn Tếu – một nhóm hài đang phát triển rất tốt của Sài Gòn để học tập một loại hình nghệ thuật mới, đó là Hài độc thoại. Ngôn ngữ sáng tạo khi chúng ta bước chân vào hài độc thoại cũng đòi hỏi nhiều quy chuẩn và đâu đó là những cách thức để khiến câu chuyện kể ra có thể gây cười cho một đám đông khán giả đang ngồi bên dưới. Đây là một phần diễn trong Open Mic của mình:
Mình tham gia một thời gian và học hỏi được nhiều giá trị quý giá thông qua những lần diễn. Bạn biết đấy, bạn có thể là người làm một nhóm bạn bè thân quen cười nghiêng ngả trong quán trà sữa khi nói chuyện cùng nhau, nhưng bước lên một sân khấu với những người xa lạ cũng những câu chuyện phải được dàn trải cụ thể đầu cuối thì lại là một sân chơi khác biệt.
Bạn có thể không biết, nhưng làm một người vui vẻ có thể dễ dàng, diễn cho một nhóm người khác cười khó hơn một tí, xây dựng một lộ trình tạo dựng tiếng cười lâu dài gặp phải rất nhiều thử thách, chuyên nghiệp hóa nó thì phải nói là cần rất rất nhiều năng lực. Vậy mà xây dựng một cộng đồng, tổ chức và kinh doanh trên nó thì phải nói là siêu tài giỏi. Sài Gòn Tếu làm được, và họ đang làm tốt. Mình cảm thấy rất ngưỡng mộ SGT, không chỉ ở cách họ làm người khác cười, mà còn ở cách họ hoạt động như một tổ chức với sản phẩm là tiếng cười.
Hài hước bản năng và những sự hoạch định
Quay về cá nhân mình, không chỉ riêng câu chuyện với Hài độc thoại, mà từ lâu trong những cuộc trò chuyện hay cách mình xây dựng content cho TELOS, mình tự đánh giá rằng bản thân hài hước và có nhiều yếu tố thú vị. Sau khi nhận được những trải nghiệm và cảm hứng từ SGT, mình nhận ra là có rất nhiều hướng đi. Hài hước giúp mình nhiều trong quá trình sáng tạo, ngược lại sự sáng tạo lại giúp mình hài hước hơn. Khi đã đến một ngưỡng làm tốt nào đó, bạn muốn làm mới và nhảy lên một nấc thang cao hơn của kĩ năng hài hước.
Và làm gì tiếp theo thì mình chưa biết :)), nhưng bài viết này viết ra một phần cũng để giúp mình hệ thống lại những gì mình đã có và đã làm. Ngôn ngữ hài hước theo lối hài độc thoại, hoặc content, hoặc meme creator … có thể đâu đó là rất nhiều giá trị khác mà mình chưa biết nhưng mình đang bật lên chiếc công tắc biến sự hài hước của bản thân thành một công cụ tạo ra giá trị.
Sau này có thể mình sẽ update về câu chuyện đó.
Vậy thì Hài hước rốt cuộc có gì đặc biệt?
Từ góc nhìn bản thân,…
Quay lại nhiều năm về trước, từ tận thời tiểu học, mình cảm thấy hào hứng với một môi trường mà mình có thể tự tin và thoải mái chọc cười người khác. Mình cũng như những người xung quanh luôn đánh giá mình là con người vui vẻ, hài hước và dễ dàng làm người khác cười. Nó diễn ra tự nhiên như kiểu một thứ gì đó mà con người mình luôn như thế, đó là thói quen và đó cũng là một phần biểu hiện của mình. Ngay cả khi mình kể về những trải nghiệm buồn mình nghĩ nó cũng gây ra sự mắc cười.
Dần dần, trào phúng trở thành một phản xạ của mình, và nó giúp mình khá nhiều trong cuộc sống và công việc. Mình thích và thực hiện nó một cách tự nhiên vì nó là một phần tính cách của mình.
Đời cơ bản là buồn, nhưng mà đời mình thì đếch buồn, vậy đời mình không phải đời cơ bản mà là đời nâng cao.
– Bạn mình bảo thế.
…đến soi vào bản chất của sự Hài Hước
Hài hước thật sự là một kiểu đặc điểm tốt, nhưng có hơi đặc biệt. Nó có nét giống nhưng cũng rất khác với tốt bụng, thông minh, dễ mến, xinh đẹp, v.v… Điểm giống của chúng nó là ở cái kết quả đạt được: bạn có thể được người xung quanh công nhận, cảm thấy muốn giao thiệp cùng và cảm thấy dễ chịu khi ở cạnh. Suy cho cùng các đặc điểm được liệt kê ra đều giúp người sở hữu nó dễ dàng hơn trong việc tạo dựng mối quan hệ và giúp tạo ra những giá trị tích cực cho mọi người xung quanh.
Điểm khác biệt và tạo nên nét riêng của “Hài hước” với mình là nó không vững chắc (1), có tính điều kiện (2) và trong hầu hết các trường hợp, nó gần như rất khó để bắt chước (3). Chúng ta sẽ nói kĩ về những điều này về sau, nhưng để khái quát nó bạn có thể nhìn vào ví dụ dưới đây:
– Bạn an ủi một ai đó khi họ gặp khó khăn, bạn làm chuyện tương tự với những người khác và khuyên nhủ những người ở cạnh bạn cũng làm tương tự. Dần dần bạn được người khác công nhận rằng bạn tốt bụng và tử tế, bạn biết lần sau khi gặp một ai khác bạn cũng sẽ có thể làm tương tự để giúp họ thấy thoải mái hơn. Bạn là người tốt bụng, và bạn biết làm như nào để trở thành người tốt bụng.
– Ngược lại, đối với cái sự hài hước chuyện diễn ra khác, công thức cũ không thể dùng lại. Khi bạn nhìn thấy điểm thú vị trong một tình huống buồn cười, bạn kể nó cho người này nghe nó có thể vui, ngày hôm sau cũng kể như thế thì nó không còn vui nữa, kể nó cho người khác chưa chắc họ đã cảm thấy nó vui. Sự hài hước không gắn chặt vào bạn sau khi bạn kể ra câu chuyện cười kia.
Nhìn sâu vào bản chất của Hài Hước chúng ta hiểu rằng: Hài hước là luôn tạo ra những góc nhìn mới, giá trị mới, gây ra được sự ngạc nhiên, nếu nó không còn mới nữa thì sự hài hước sẽ phai nhạt đi. Bạn có thể nghe một câu an ủi ấm lòng đến lần thứ 100 và vẫn hiểu người kia đang tốt bụng giúp đỡ mình, nhưng câu chuyện cười sẽ giảm giá trị ngay từ lần thứ hai nghe nó.
Để hài hước, bạn phải liên tục tiến lên trên thang đo mới mẻ, bạn không thể lặp lại.
Ai cũng thú vị, nhưng có phải ai cũng hài hước?
Với góc nhìn của bản thân mình, mình nghĩ ai cũng thú vị cả, nhưng hài hước thì đòi hỏi nhiều yếu tố hơn là chỉ sự thú vị. Đâu đó trong suốt nhiều chục năm cuộc đời, bạn sẽ luôn có một câu chuyện hay một trải nghiệm nào đó mà nó thật sự là độc nhất. Câu chuyện đó sẽ gây ra rất nhiều sự ngạc nhiên, thích thú và hài hước từ phía người khác khi họ được lắng nghe nó từ bạn. Chỉ là giống như mình liệt kê ở trên “hài hước” có những đặc tính không vững chắc, cần có điều kiện và khó để luyện tập. Và thế là đôi khi câu chuyện thú vị của bạn chìm sâu vào trong một hố “nhạt“, không phải vì nó tệ, mà vì nó không có một cách để đến được với người nghe.
Vậy thì không phải bạn kém đi những trải nghiệm, những hương vị trong cuộc sống, mà là vì bạn đang khuyết đi một góc nhìn và một cách truyền tải nó đến mọi người, chiếc cầu kết nối đó không thể nối liền thường vì những nguyên nhân đã được đề cập ở trên:
Hài hước có tính không vững chắc (1)
là vì bởi: Hài hước là một nhánh của Sáng tạo. Mà bạn biết đấy, Sáng tạo thì không thể trông chờ vào một hệ công thức và quy chuẩn. Cả Hài hước lẫn Sáng tạo đều có trạng thái giống như đi xe đạp, bạn cứ phải tiến lên mãi, nếu dừng đạp thì xe sẽ mất thăng bằng và ngã xuống. Ngay khi nhìn thấy một điều gì mới hoặc tạo ra một cái gì đó mới, nó đã cũ đi một tí rồi.
Bao hàm trong sự “không bền vững”, hài hước có tính thời điểm, có tính cục bộ, đôi khi những câu chuyện kể vào lúc đó, địa điểm đó thì vui nhưng nhiều năm về sau khi cái hiệu ứng đó đã mất bạn sẽ không còn cảm thấy nó vui nữa.
Hài hước có tính điều kiện (2)
là vì bởi: ngoài xuất phát từ bản thân chủ thể ra, nó đòi hỏi một loạt các yếu tố khách quan từ môi trường, (nhóm những) người nghe, phạm vi không gian, … và ti tỉ những thứ khác để câu chuyện trở nên vui. Người hài hước buộc phải có một sự kiểm soát tương đối tốt những thứ này, nếu không sẽ gây ra một phản tác dụng. Hài hước và vô duyên cách nhau có một lằn ranh mỏng có tên “ngữ cảnh”.
Ví dụ: Một cộng đồng, một nhóm nhất định nhạy cảm với một loại từ khóa, chỉ cần nó xuất hiện họ sẽ liên kết nó với cái “điển tích” họ đã biết, khó giải thích nhưng ai trong nhóm cũng sẽ hiểu và cười. Ngữ cảnh, nền tảng kiến thức xã hội chung và các quy chuẩn liên kết bất thành văn tạo nên những inside jokes rộng lớn được nhiều người đón nhận.
Giải thích một câu chuyện cười vì thế cũng trở nên rất khó khăn, vì có giải thích thì cũng không thể kích hoạt lại việc câu chuyện đó mắc cười nữa. Cách hay nhất để giải thích một câu chuyện cười đó là trước khi kể nó, người ta gọi đó là Set up. Và bạn hãy chắc rằng khi yếu tố gây cười được mang ra, người nghe đã có sẵn nền tảng để hiểu và để cười.
Hài hước rất khó để bắt chước (3)
là vì bởi: Bạn có thể cười rất vui với một câu chuyện của ai đó, nhưng bạn không chắc gì đã làm người khác cười với cách kể của bạn. Hoặc bạn hiểu vì sao những sự mới mẻ như vậy khiến mình mắc cười, nhưng bạn rất khó tìm ra những góc nhìn mới để khiến người khác cảm thấy buồn cười.
Bạn thích thú phong cách của ai đó, bạn học theo và có thể kể lại một nội dung gây hài, mô phỏng một phong cách họ thể hiện. Nhưng để có câu chuyện tiếp theo y như vậy, bạn rất khó để tự khiến nó xuất hiện giống như cách người kia đã làm. Sự hài hước là một “đặc tính chìm”, nếu mô phỏng những biểu hiện nổi mà nó xuất hiện ra thì thứ bạn có được không phải là tính cách hài hước thiên phú của người kia, mà chỉ là một bản chép lại câu chuyện của họ.
Tất nhiên bắt chước không phải là xấu, nó cho thấy mình hiểu và nắm bắt được quy luật, vận dụng được. Nhưng để truy cầu những giá trị hài hước sáng tạo nguyên chất (original humor content), chúng ta cần tạo ra trào lưu chứ không phải chạy theo nó.
Và câu hỏi muôn thuở: “Làm sao để trở nên hài hước?”.
Phần cuối của bài viết mình muốn nói về một thứ nhiều người quan tâm, đó là cách để trở nên hài hước hơn. Nói nhiều về việc tại sao Hài hước khó để xây dựng và dễ để đánh mất rồi, giờ là lúc trăn trở về cách để trở nên hài hước.
Giống như câu hỏi “làm sao để con bạn cao?“, đây là một câu hỏi mông lung. Thực chất chúng ta phải thừa nhận rằng bẩm sinh có nhiều thứ khiến cho người này trở nên hài hước hơn người khác. Đôi khi có cố gắng thế nào thì cũng phải qua nhiều thế hệ, chiều cao mới có thể cải thiện, chứ riêng bộ gen của mỗi cá thể thì ngưỡng tối đa có thể đã được xác định. Và, hài hước cũng thế.
Có chăng thứ ta nên hỏi là làm sao để ta có thể trở nên hài hước hơn chính mình và cải thiện kĩ năng hài hước của bản thân. Công thức để luôn Hài hước thì không có, nhưng sẽ có lộ trình để bạn trở thành chmúa hmề một người hài hước hơn. Trở nên hài hước (hơn bạn của ngày hôm qua) có thể làm được, quan trọng là bạn có thể dành bao nhiêu thời lượng, sự quan tâm, cố gắng, … cho nó.
Hãy bắt đầu với hài hước thông qua con đường sáng tạo
Sáng tạo có nhiều phạm trù, hài hước là một phần trong đó. Tất nhiên cũng có những loại “hài hước không cần sáng tạo”, mình tạm gọi là các thể loại “hài thô sơ” – thứ hài hước đến từ những sự việc, hành động gây hài (như té ngã, trượt vỏ chuối…) hoặc chỉ ra cái yếu thế, cái xấu của người khác (cười vì họ gay, ẻo lả, cười vì người đó có khiếm khuyết cơ thể…) – những loại hài hước này dần qua thời gian khi xã hội phát triển và các nhóm người xem bắt đầu văn minh hơn, họ sẽ không còn cảm thấy nó vui nữa.
Vậy nên hãy hướng về phía “Hài Sáng Tạo”. Tức là tiền đề của Hài hước chính là Sáng tạo, muốn hài hước hơn, hãy sáng tạo hơn.
Vậy giờ bạn có một câu hỏi mới, nhưng cụ thể và từng bước hơn là: “Làm thế nào để trở nên sáng tạo?” – Câu này thì mình không thể trả lời trong một hai dòng, mà ngày trước mình mất tận tám buổi chia sẻ trong chuỗi “tư duy sáng tạo kiểu Trái Dứa – không có lõi làm sao có khứa“, khi nào có dịp chắc sẽ mở lại khóa đó.
Trong phạm vị hạn hẹp của bài viết này, bạn có thể tiếp cận kiến thức đó một cách khái quát dựa vào công thức trên hình trên. Thành phẩm sáng tạo đến từ 3 yếu tố: những vấn đề bạn gặp phải (1) kết hợp với những nguyên liệu kiến thức bạn đã thu thập trước giờ (2) và nhào trộn nó lại để cho ra một hướng tư duy, giải pháp, phương thức mới (3). Nôm na mà nói thì bạn nên đi bổ sung thật nhiều kiến thức và trăn trở về thật nhiều vấn đề xảy ra xung quanh bản thân bạn để truy cầu sự sáng tạo thông qua quá trình tư duy hướng giải quyết hoặc góc nhìn.
Tiếp đó là quá trình liên kết và tập luyện để tạo ra cái mới
Hài hước nói riêng và sáng tạo nói chung không phải một bộ môn lý thuyết, vậy nên việc tiếp theo là phải luyện tập thôi. Luyện tập để trở nên sáng tạo hơn nói chung và đồng thời hài hước hơn nói riêng. Các kĩ năng đòi hỏi sự phản xạ như nghĩ ra cái gì mới, hay đối đáp kéo léo (cũng là một dạng hình rất đặc thù của hài hước) bạn càng tập luyện nhiều thì lại càng phản xạ mau lẹ, nhanh chóng. Nhưng trong quá trình tập có thể có một vài lưu ý như này để giúp đường đi trở nên bằng phẳng hơn:
Tập luyện với một môi trường an toàn, chia sẻ những câu chuyện vui và những góc nhìn mới với những người không vội vàng đánh giá hay dập tắt niềm tin của bạn. Đôi khi đùa giỡn rất dễ trở nên khó hiểu và vô duyên, hãy tìm những người mình tin tưởng rằng họ sẽ đỡ cho những “miếng” bị “rớt” của mình và cứu nguy trong những tình huống cringy mà bản thân không mong muốn. Những người bạn của mình khi thấy ai đó giỡn không vui sẽ cứu họ bằng cách… cười vào cái sự “nhạt” của cái joke, một cách duyên dáng và lịch sự.
Tập vui với những sự tiêu cực, nhưng biết phân biệt thứ gì là vượt giới hạn. Bạn có thể biến những khó khăn, vấn đề mình gặp phải thành điều để vui đùa, sáng tạo ra góc nhìn mới để thấy sự hài hước tồn tại trong mọi góc cuộc sống.
Nhưng đồng thời cũng hãy biết mình đang đùa giỡn với thứ gì và người nghe của bạn có cảm thấy vui với nó không. Đừng biến câu đùa vui thành một câu xúc phạm hay gây đau buồn cho người khác khi bị đùa bỡn. Luyện được kĩ năng “đùa với lửa” cũng là một cách hay để chứng minh khả năng hài hước của bản thân.
Tập đoán bắt người nghe của bạn sẽ dễ cười vì điều gì. Điều này sẽ giúp bạn phát triển thêm kĩ năng dàn dựng setup và nắm bắt tâm lý tốt hơn. Bất cứ khi nào muốn đùa, bạn tìm cách giúp người đó hình dung được bối cảnh, cập nhật những “kiến thức nền” để bước vào câu đùa. Khi Punchline được trình ra, họ tận hưởng niềm vui của sự hài hước 100% và cảm thấy thích thú với nó. Khi đó bạn biết bạn làm tốt.
Kết
Gọi là “tản mạn” thì đúng là cũng chả có gì để kết luận. Như những con người bình thường khác, mình cảm thấy yêu thích sự hài hước và quý trọng giá trị mà nó mang lại. Nó là một phương tiện hay nếu ta biết dùng nó khéo léo để giúp kết nối và tạo ra những thứ có giá trị tương đương với niềm hạnh phúc.
Trong những giờ phút mà khi đã hơn một năm trời, cuộc sống xung quanh vẫn còn nhiều nỗi lo, sự bất ổn thì đôi khi câu trả lời tạm thời cho mọi thứ lại nằm ở một bộ óc và góc nhìn hài hước nào đó, để đời chúng ta không còn là “đời cơ bản là buồn” nữa.
Vậy nên là… hãy cùng nhau hài hước lên nào.