Thu gom hai ba năm làm việc vào trong một vài giờ kể chuyện
Tầm khoảng tháng 10/2019 team TELOS mình bắt đầu nghĩ đến chuyện cùng nhau hệ thống hóa những gì team đang làm, đóng gói nó lại và bán ra với kiểu những khóa học. Gọi là “khóa học” vì đó là cách định nghĩa gọn gàng nhất, thật ra mình thích xem đó như những buổi chia sẻ kiến thức hơn.
Nói chuyện “dạy dỗ” hay “thầy trò”, nghe rất chi là nghiêm túc và mình cũng không thấy bản thân đã đủ giỏi để có thể phân cấp như thế trong những buổi chia sẻ như vậy. Thế nên qua nhiều thật nhiều buổi mình vẫn thích được nhìn nhận như người đi kể về cái đã biết rồi, đã bước qua trước các bạn khác, hơn là được xác lập một vai vế có danh nghĩa cao hơn.
Chúng mình kể về chuyện chúng mình đã tư duy như thế nào, tạo ra những sản phẩm thú vị ra làm sao và những quy luật tổng quát, ranh giới cần xác định hay các vấn đề chung chung sẽ gặp phải trong quá trình làm ra những dự án đó. Một thời gian sau đó nữa TELOS tiếp tục chia sẻ những thứ thực tế hơn và “ăn liền” hơn, như công cụ Figma làm web/app và cách sử dụng nó một cách hiệu quả.
Dù lúc chuẩn bị và bắt đầu, mình có tí cảm giác lo lắng. Tuy nhiên, sau cùng thì mọi thứ đều có thể xem là ổn. Mình cảm thấy quá trình chia sẻ vài tháng qua là một quá trình vui và đáng để nói về. Và tựu trung, có những bài học mà mình tự rút ra được sau quá trình chia sẻ.
Đi chia sẻ kiến thức cũng đồng nghĩa là tự hệ thống lại thứ ta đang có
Một trong những cảm giác mâu thuẫn đầu tiên khi khởi động câu chuyện “chia sẻ kiến thức”, đó là: mình vừa nghĩ mình đã có đủ nhiều trải nghiệm để có thể kể ra, vừa có cảm giác là mình chưa biết phải chia sẻ cái gì hết cả. Mình nhiều lần tâm sự với những người khác đã có thâm niên hơn, hoặc đã từng đi giảng dạy rằng trước giờ chỉ làm và làm thôi, chả biết nói gì khi cần phải chia sẻ. Chuyện rằng mình đã làm gì và đạt được những kinh nghiệm gì trong những năm qua, hoặc những dự án, sản phẩm ấy được tạo ra như thế nào. Chả rõ phải nói sao thành lời, chưa kể còn phải nói để người khác có thể mang về và xài được.
Câu trả lời quý giá nhất được nhận lại từ nhiều người đó là đã đến lúc cần hệ thống hóa mọi thứ lại và trình bày nó ra. Chuyện đó không phải là quá cấp bách khi bạn đang thực hành một quá trình làm việc đơn thuần. Khi bạn đang một mình, bạn chỉ làm trong im lặng thôi, nhưng hệ thống hóa những gì bạn biết lại là một việc cần làm và phải làm khi một bước chuyển giai đoạn xuất hiện.
Cần truyền đạt cách làm cho một thế hệ kế cận? cần đào tạo ra những người có thể tiếp nhận công việc bạn đang làm khi quy mô mở rộng ra? Hoặc đơn giản là khiến những người đang cùng cộng tác với bạn có thể hiểu khái quát rằng bạn đang làm gì, đang có gì và đang cần gì? Khi giai đoạn đó đến, bạn cần chuyển mình từ trạng thái “âm thầm làm một mình” sang “vừa làm vừa nói cho những người khác biết”.
Bạn nên mượn những buổi chia sẻ này làm lý do để tổng hợp cái kiến thức, kinh nghiệm bạn đang có lại, một công đôi ba việc. Hoặc bạn cũng có thể thầm hiểu rằng giai đoạn đó đã đến, và đây là việc cần phải chuẩn bị. Sao cũng được, vì nó đều tốt.
Quá trình chia sẻ giúp ta tạo ra cái mới rất nhiều
Giả như trong môi trường toán học, khi bạn hệ thống một nhóm các thông tin, bạn đơn giản là sắp xếp các phần tử trong một tập hợp ngay ngắn lại và tập hợp ấy giữ nguyên kích cỡ. Thực tế quá trình hệ thống hóa kiến thức lại vô tình tạo ra cái mới, và tin mình đi, có lẽ nó sẽ xảy ra với mọi quá trình tổng hợp kiến thức bạn đang có.
Bạn xem xét những gì bạn đã làm và kinh nghiệm bạn đã có, gom nhóm các kiểu hình hoạt động và nhận ra những pattern công việc, hay thao tác đã làm. Khi quá trình tổng hợp ban đầu này kết thúc, bạn phát hiện ra một tạ những điều lý thú trong cái bạn đã làm và lặp đi lặp lại trước giờ. Và câu chuyện dùng nó cho những lần tiếp theo là như thế nào, là cái thứ mới mà bạn nhận về được.
Đấy chỉ mới là việc tổng hợp tóm tắt những gì bạn đã làm thôi, và nó đã ngay lập tức mang đến những giá trị mới rồi. Thử tưởng tượng bạn mang nó ra và trình bày lại một lần, hai lần, ba, bốn và n lần … trước những người khác. Không có gì ngạc nhiên khi dù bạn đang nói đi nói lại về một nhóm những kiến thức và kinh nghiệm cụ thể, nhưng mỗi lần nói lại nhận lại được những giá trị mới.
Không bao giờ phải sợ chuyện ai đó có thể lấy mọi thứ ta biết…
Điều này thật sự chưa bao giờ nằm trong danh sách những điều mình hay team lo lắng, mà trái lại, team còn đang sợ chuyện các giới hạn của buổi học hay khả năng chuyên môn của mình khiến kiến thức được truyền tải ra không đủ nhiều để các bạn tiếp nhận đủ phê.
Tuy vậy, đôi khi chúng ta hay có suy nghĩ rằng nếu mình chia sẻ hàng tá những kiến thức ta biết thì giá trị cung cấp thông tin của bản thân mình sẽ bị đe dọa. Nhiều năm trời thu thập và tổng hợp kinh nghiệm giờ chỉ còn vỏn vẹn vài thông tin chắt lọc, người ta nạp vào xong và coi như đã hoàn thiện, có thật thế không?
Kì thực là không, quá trình chia sẻ và hấp thụ kiến thức, về bản chất là việc người có nhiều trải nghiệm gạn lọc và truyền đạt những thông tin mà mình có được sau quá trình dài đã sử dụng, nghiên cứu một khía cạnh hay vấn đề. Tuy nhiên bản chất mỗi người là khác nhau, sự thu nạp và ứng dụng kiến thức của họ sẽ luôn là đặc trưng, riêng biệt.
So sánh một cách hình tượng, việc bạn mở khóa học nó giống như kể về một con đường bạn đã qua với những góc quanh, những chỗ dễ xảy ra tai nạn hoặc cách đi sao cho tiết kiệm sức nhất. Cách người học hấp thụ những kiến thức đó lại là việc họ tự thân bước đi trên con đường kia, cùng những chỉ dẫn của bạn.
Việc chia sẻ kinh nghiệm và những cách thức mình đã rút kinh nghiêm được sẽ giúp con đường họ đi dễ dàng hơn, nhưng đường thì vẫn phải tự đi và khi đó họ sẽ có những chiêm nghiệm hoặc cách thức sử dụng kiến thức của mình một cách đặc thù hơn trong hoàn cảnh của họ.
Người học đem đến cho ta thứ ta chưa biết và cả những ý tưởng mới
Quá trình những người học từ mình, sau đó họ tự bước đi là đi trên một con đường rất riêng biệt, nên sẽ có nhiều điểm những người khác không biết đến. May mắn được đồng hành với các bạn ở một khía cạnh tư vấn, vô tình cũng trao cơ hội cho mình những dịp được tiếp xúc với câu chuyện của họ và vô tình lại tạo ra cho mình những bài học mới, cách giải quyết vấn đề mới. Mình xem đó là việc học qua học lại từ những trải nghiệm của đôi bên.
Như khi trao đổi về những câu chuyện làm sao tìm những ý tưởng và triển khai nó, mình cung cấp cho bạn những lý thuyết mình dùng để tạo ra một ý tưởng, còn ngược lại mình được lắng nghe cách các bạn đưa ngôn ngữ và công cụ của riêng các bạn vào. Cách các bạn trải nghiệm sự liên tưởng hay nói lên những mối quan tâm xung quanh cuộc sống của bạn cũng là một thông tin đáng để tâm và sẽ mang lại nhiều hướng nhìn nhận cho cách tư duy của mình về sau.
Khi chia sẻ về công cụ làm web figma, mình đưa cho bạn bước khởi đầu làm quen về cách dùng figma sao cho hiệu quả và tối ưu nhất. Ngược lại các bạn trong quá trình thiết kế ra một website hay một mobile app, lại mang đến cho mình những hiệu ứng hoặc tương tác lạ để mình phải nghiên cứu về nó nhiều hơn và tìm cách hiện thực hóa nó ngay trên figma.
“Chia sẻ kiến thức” cũng là bởi vì thế, chúng ta không chỉ đưa nó đi một chiều mà đồng thời cũng học lại và tự học trong một quá trình thú vị và duyên nợ. Vậy nên nó rất hay và vui.
Những dự định cho câu chuyện chia sẻ kiến thức tiếp theo
Sau nhiều bỡ ngỡ của những “lần đầu tiên” thì hiện giờ mình đã khá thoải mái để chia sẻ và cũng đã tự đả thông tư tưởng. Sau này hẳn không phải là “không có gì khó khăn nữa”, mà thực tế là vẫn sẽ có. Chỉ là giờ thì mình tin mình sẽ cũng dễ dàng hệ thống hóa chúng lại, chuẩn bị để chia sẻ đủ tốt và thoải mái mà chia sẻ khi nhận được những đề nghị từ nhiều bên. Quy trình để có thứ mà đi chia sẻ quay đi quẩn lại cũng sẽ ngần đó bước, vậy nên dù kiến thức được trình bày có là những thông tin căn bản nhập môn hay kinh nghiệm chuyên sâu, rộng lớn thì cũng có cách để mình có thể fill đầy nó trong khả năng chuyên môn của mình.
Việc chia sẻ kiến thức sẽ dần dần trở thành một phần chiếm tỉ trọng cao trong các hoạt động công việc của mình. Mình cảm thấy ổn với việc đó.
Vậy nên nếu có duyên, hẹn bạn một dịp nào đó trong những buổi chia sẻ kiến thức, do mình hoặc do ai đó tổ chức cũng được. Để chúng ta có thể cùng học qua học lại. Nhé!