Huyên thuyên đầu bài

Tiêu đề có tí teo câu click câu view, nhưng thực sự nói vui là ở TELOS chúng mình đang “húp trọn” khá nhiều dự án. Từ một đội ngũ mỏng le mỏng lét có vài ba đứa là nhân sự chính chỉ sẵn sàng nhận dự án kiểu cá nhân, chúng mình từng bước cải tiến cải thiện, trải qua những pha sấp mặt và cả ăn một lờ những sai lầm. Đến hôm nay thì team nhà đã có thể phục vụ được cho những kiểu dự án lớn nhỏ, những phạm vi công việc to bự tổ chảng nhưng vẫn có thể lành mạnh (và cả lành lặn…) bước qua mùa deadline. Âu thì đó cũng là cái đáng mừng.

Thế nên, viết ra cũng là một cách để nhìn lại và chuẩn bị cho những điều thú vị tiếp theo.

Về TELOS và việc bồi đắp quy trình

TELOS là một agency do mình và hai ông bà sáng lập Vân Tay Media lập ra vào khoảng giữa 2017. Thời điểm đó chúng mình chỉ có mỗi cái tên và những sản phẩm có thể làm được, gồm thiết kế thương hiệu và xây dựng website. Các dự án hầu như là ở quy mô cá nhân hoặc một người, do mình tự tay mò mẫm.

Dần dần chúng mình phát triển lên thành một đội ngũ nằm trong hệ sinh thái Vân Tay Media. Giờ đây, TELOS nói riêng và Vân Tay Media nói chung đã có thể đảm nhận một phổ rất dài các loại hình công việc trong lĩnh vực Digital Marketing và Branding. Vui. Khi thấy quy mô công việc và năng lực của team thực thi ngày càng được cải thiện và sản phẩm đầu ra càng lúc càng cool ngầu, đội ngũ leader cũng đối đầu với một đề bài được đặt ra đó là làm sao để quy trình của mỗi dự án nó cũng mượt mà, cũng trơn tru để “xứng đôi” với năng lực chuyên môn của team.

TELOS vẽ nên chân dung thương hiệu của bạn
TELOS vẽ nên chân dung thương hiệu của bạn

Đã có sẵn một lối tư duy lập trình, lại đâu đó kèm thêm ưu điểm là sự lười biếng luôn chảy trong huyết quản, chúng mình chả siêng gì ngoài siêng cải thiện quy trình để làm sao mỗi ngày trôi qua chúng mình có ít việc hơn. Trộm vía, dù tới giờ có những dự án khó nhằn, gây nhiều âu lo, phức tạp hoặc nhiều cỡ nào thì đội ngũ cũng không bị mất trạng thái “healthy & balance”, các bạn nhân viên không mắc hội chứng “mộng du cùng deadline”. Âu đó cũng là cái mình tự hào về quy trình đã được bồi đắp của team nhà.

Vậy cái quy trình trông như nào? Chúng mình tiếp cận khách hàng và đề bài ra sao? Quản lý dự án và liên lạc với nhau ra sao? Húp trọn dự án bằng cách nào? Rồi cùng bắt đầu thôi.

1. Gặp gỡ và kết nối

Một dự án bắt đầu khi chúng ta “tia” được khách.

Theo góc nhìn bình thường, câu chuyện chỉ chính thức được bắt đầu khi giao kèo xuất hiện và team bắt đầu chốt deadline để rượt theo, nhưng kì thực thì dự án đã bắt đầu từ trước đó rồi. Mỗi khách hàng đến khi và mang theo nhu cầu, mang theo một nỗi niềm và thậm chí là cả một tầm nhìn cần được vẽ ra thành sản phẩm. Vậy nên, khi nhận ra ô kìa, chúng ta đang sắp có khách, đội ngũ thực thi đã bắt đầu “ấp ủ âm mưu” biến dự án này thành sự thật.

Một tí cưa cẩm, một tí điều tra

Như một mối tình, khởi điểm vẫn là tìm hiểu và tán tỉnh. Khách thì chưa biết gì về mình, còn mình thì đã bắt đầu “thích khách” (không, tất nhiên không phải là mấy đứa mặc đồ đen chạy qua chạy lại trên mái nhà trong phim kiếm hiệp). Vậy nên việc đầy ưu tiên ở thời điểm này chính là một sự chủ động tìm hiểu về khách và cho khách hiểu về mình.

Chúng tôi lắng nghe và thu thập thông tin khách hàng
Chúng tôi lắng nghe và thu thập thông tin khách hàng

Bạn là ai và đang làm gì, bạn có nhu cầu ra sao? Bạn có những mối quan tâm đến điều gì, sở thích hay “phân khúc” của bạn là gì? Bạn muốn người ta nhớ đến bạn ra sao? V.v,… Những câu hỏi trong buổi trò chuyện, và kèm theo nó còn có cả một đơn thu thập chi tiết để điền vào. Tất nhiên rồi, vì nếu chả biết bạn là ai thì thứ chúng tôi cung cấp sẽ rất chủ quan và phỏng đoán.

Bạn cũng nên biết về chúng tôi nữa, TELOS nhà chúng tôi là ai, chúng tôi cung cấp cái gì ở đây. Cuộc hội thoại xen kẽ nhau giữa việc bạn kể về bạn, chúng tôi nói về cái chúng tôi có thể giúp, và cả hai bên dần cảm thấy hiểu, và hợp nhau.

Tư vấn và gợi mở

Ồ, bạn đang có thiết kế logo và thương hiệu ư? Vì sao vậy, kể tôi nghe được không? Quá trình làm một biểu tượng thương hiệu như vậy được bắt đầu từ đâu và nên dàn trải như thế nào thì sẽ hay nhất, đoạn nào cần làm vào đoạn nào có thể loại bỏ…

Tư cách chúng mình dùng khi tư vấn cho khách sẽ là tư cách một chuyên gia đã từng làm việc cùng nhiều khách hàng trước đó. Và cái mà team có thể làm tốt nhất trong quá trình tư vấn đó, là tự hình dung những vấn đề khách hàng đang gặp phải, biến nó thành vấn đề của mình, từ đó gợi mở cho họ hướng đi tốt nhất.

Ví dụ như: nên có thêm một hệ thống định hướng, chứ đừng chỉ có mỗi cái sản phẩm gốc, hay là thôi, không cần những tính năng đó trên web đâu vì hiệu quả nó không cao, v.v… Tất cả đều là những trình bày rất xác đáng để khách hàng có thể cân đo.

Bên cạnh đó, có rất nhiều thứ được xem là “hiển nhiên, không cần phải nói” đối với người làm chuyên môn, nhưng lại là thứ lạ lẫm với khách hàng. Việc lắng nghe và diễn giải cho khách biết về những tiêu chuẩn, những điều hiển nhiên đó cũng là một việc không nên bỏ sót.

Tổng hợp và phân tích yêu cầu của khách hàng
Tổng hợp và phân tích yêu cầu của khách hàng

Khi này, không nhất thiết đội ngũ phải bằng mọi giá phải kéo khách về với mình. Chúng ta tìm ra hướng xử lý tối ưu để phù hợp với khách được mà. Ồ bạn chưa có đủ chi phí ư? Tại sao không tìm một hướng đi khác hoặc một giải pháp vừa phải hơn? Bạn muốn xây dựng nên hệ thống này cùng chúng tôi nhưng “đôi ta” lại không hợp nhau vì nhu cầu và nguồn lực thì chúng tôi sẽ giới thiệu bạn đến với một mối lương duyên khác.

Còn nếu đã là một sự phối hợp cực đẹp đôi, tức là năng lực của team TELOS mình rất phù hợp với nhu cầu và khả năng đầu tư của khách thì, chúng tôi và bạn đã có thể trở thành “chúng ta” rồi đó.

Se duyên

Se duyên, khái quát mà nói, chính là quá trình xử lý các yếu tố rất “giấy tờ”, rất “hành chính”. Team tụi mình soạn thảo hợp đồng, đi kèm với kế hoạch dự án, các hạng mục và thời gian, tiến độ cho các đầu việc. Xen vào đó chính là những đồng thuận về giá, về cách thức làm việc khi có phát sinh hoặc cắt giảm…

Và rồi giờ chúng mình đã “nên duyên” cùng khách hàng trong dự án này. Nếu có từng liếc qua bài viết của mình về các vai trò của đội ngũ thiết kế, bạn sẽ để ý có một quan điểm khi tham gia vào một cuộc hành trình cùng đi với khách hàng, đó là: sẽ có những trách nhiệm, vai trò và cả phạm vi quyền hạn của đôi bên, nhưng điều quan trọng là chúng ta không có phe phái, hay sự phân cấp. Cả hai bên cùng đồng thời hướng tới việc giải quyết vấn đề chung và tạo ra sản phẩm đầu ra hợp lý nhất, xứng đáng nhất với kì vọng dự án.



2. Nhân sự và các công cụ nội bộ

Se duyên với khách hàng xong xuôi, quá trình thực thi một dự án giờ cũng đã được định hình xong một cách tương đối rõ ràng. Vậy việc bây giờ cần làm không gì hơn chính là triển khai mọi thứ, sáng tạo ra những thành phẩm… hay ngắn gọn là “bắt đầu làm thôi”. Thế nhưng có cách nào cho mọi thứ có đường lối, quy trình và triệt tiêu được nhiều động tác thừa nhất có thể hem?

Có chứ, chúng mình (cũng như mọi đội ngũ khác) sẽ quy hoạch ra những vai trò đảm nhiệm những kiểu hình công việc có tính chuyên môn hóa để ai cũng hiểu mình đang đóng vai trò gì, mục đích của công việc mình đang làm và cả cái mình có thể làm tốt nhất. Bên cạnh đó tụi mình thử áp dụng những công cụ giúp đẩy nhanh việc giao tiếp, truyền đạt thông tin, quản lý và bao quát dự án. Vầy có gì đặc biệt ở đây hông?

Người quản lý – Người nhìn đường

Người giữ vai trò này thông thường sẽ gồm một (vài) bạn account, planner hoặc một nhân sự quản lý có kinh nghiệm chuyên môn. Nhiệm vụ không gì hơn là “cầm lái” cho dự án, kiểm soát tiến độ, giữ mọi thứ đúng hướng và đưa ra những quyết định về cách xử lý các vấn đề từ to nhỏ.

Quản lý dự án nhìn chung cũng khá đau não
Quản lý dự án nhìn chung cũng khá đau não

Với các kiểu dự án nhỏ và vừa, đôi khi một nhân sự account cũng đã có thể đảm nhận cả hai vai trò này. Bạn sẽ trực tiếp nhận thông tin từ khách và lên kế hoạch, liên hệ với những người thực thi phù hợp để phân phối yêu cầu. Nếu dự án hơi phức tạp, đôi khi sẽ có sự tham gia của leader các team chuyên môn cùng tham gia để cung cấp giải pháp tức thời hơn, sâu sát hơn.

Đại đa số trường hợp, Account đảm nhận luôn vai trò người truyền thông, tiếp nhận thông tin từ khách, “dịch thuật” nó thành ngôn ngữ chuyên môn, phổ biến nó cho đội ngũ thực thi và sau đó bưng thành phẩm đi trình bày. Chẹp, thật là đa năng.

Những người thực thi

Vai trò này không quá khó hiểu, nhiệm vụ đơn giản nhưng tất nhiên đòi hỏi kĩ năng chuyên môn cao. Những người này đơn giản là tạo ra sản phẩm, dễ hiểu dễ hình dung, nhưng họ chính là những người có thể làm điều đó nhanh, đúng, và chất lượng cao nhất.

Một màn hình thiết kế web của designer nhà TELOS
Một màn hình thiết kế web của designer nhà TELOS

Nếu là một dự án thương hiệu, công việc sẽ là của một designer lành nghề, đôi khi có sự tham gia của art director và cả một số bạn writer để đồng thời tạo dựng câu chuyện cho brand.

Nếu là một dự án về website, chúng mình có sự tham gia của designer, developer và tester, từng yếu tố phức tạp hay yêu cầu đa dạng của dự án được các bạn phân tách ra và xử lý mượt mà trơn tru.

Hệ thống quản lý đối nội – đối ngoại

Đây là một thứ mà chúng mình cảm thấy tự hào, không chỉ bởi công cụ mà tụi mình đang sử dụng, mà còn ở văn hóa giao tiếp của nội bộ, cách thức các dự án được dàn trải ra thành thông tin cho đội ngũ… hay gom gọn những điều vừa kể lại, chính là cách tụi mình vận dụng công cụ và công nghệ vào việc vận hành dự án.

Từ những ngày đầu, chúng mình dùng Trello để quản lý những đầu task đơn giản vì tính dễ sử dụng và rất hiệu quả của nó. Và rồi khi quy mô của dự án tăng lên, nhu cầu phát sinh thêm về các yếu tố đo lường, liên lạc quản lý… chúng mình chuyển sang các dạng CRM quản lý khác và dừng chân lại ở Bitrix24 cho đến thời điểm này.

Những ngày tháng dịch bệnh tung hoành, mọi người đi làm remote, và nghĩ là bây giờ đi làm remote là “mốt” (yeah, it’s a lame pun, i know). Kì thực, team TELOS và Vân Tay Media đã làm remote từ những ngày đầu thành lập và đến tận bây giờ vẫn có nhiều nhân sự cả tháng trời không thấy mặt trên công ty (kiểu như mình). Việc bật trạng thái làm từ xa khi cần thiết cũng không có gì quá khó khăn, hay đau đớn (chủ yếu chỉ đau lòng vì không thể cùng nhau order trà sữa thôi). Về bản chất, hệ thống đã được quy hoạch theo hướng tự động quản lý và tự quản lý sẵn hết rồi.

Mỗi dự án đều có những dashboard riêng với thông tin tổng hợp rõ ràng cụ thể
Mỗi dự án đều có những dashboard riêng với thông tin tổng hợp rõ ràng cụ thể

Vấn đề không chỉ là bưng cái công cụ về rồi lắp nó vào, đội ngũ Vân Tay Media nói chung và TELOS nói riêng đã quy hoạch cách dùng, văn hóa sử dụng vào cho nó để một dự án có thể được truy xuất, theo dõi và cập nhật một cách dễ dàng trên hệ thống. Một số luật chơi cho hệ thống chung này là:

– Loại bỏ những buổi họp hành vu vơ ít năng suất, thay vào đó là những cuộc hội thoại tập trung vào việc xử lý vấn đề hoặc thông tin ngắn cho nhau về cái đang diễn ra, khó khăn hay rắc rối gì cần hỗ trợ
– Hệ thống giao. nhận, kiểm soát task theo timeline được tự động hóa ở mức cao
Chat sao cho hiệu quả (hay cách thức giao tiếp về các vấn đề công việc)
– Không ngần ngại thử và tận dụng những công cụ mới, phương pháp mới
– …
– Và còn đó rất nhiều những cải thiện từng ngày để quy trình, cách dùng công cụ trở nên mượt mà và tối ưu.

Về công cụ thực thi, TELOS là một trong những team sử dụng Figma – một phần mềm thiết kế giao diện web/app cho toàn đội ngũ từ rất sớm. Nhận thức được mức độ hiệu quả và khả năng tận dụng figma tốt có thể gia tăng chất lượng công việc cho những designer, developer khác, chúng mình triển khai một chương trình học về figma và sau hơn một năm, TELOS đã tổ chức được 10 khóa học và giúp đỡ khá nhiều học viên trên con đường đẩy mạnh năng suất thiết kế của mình. Sắp tới tụi mình sẽ mở rộng việc đào tạo figma ra nhóm đối tượng là các công ty có đội nhóm designer đang muốn cải thiện năng suất.

Với Figma, team tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên
Với Figma, team tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên

Hệ thống và phần mềm quản lý hay thực thi, suy cho cùng là những công cụ để hỗ trợ cho quá trình làm việc. Cứ sau mỗi dự án cách chúng mình sử dụng mọi thứ sẽ lại có thêm những điểm nâng cấp, và cứ thế mà phát triển.



3. Rồi, chơi thôi, game là dễ

Đồ nghề, dụng cụ và cả người chơi đã đầy đủ, quá trình thực thi có thể bắt đầu được rồi. Mỗi một dự án sẽ có những bước đi khác nhau tùy vào loại hình sản phẩm, quy mô của khách hàng hay số lượng hạng mục, v.v… nhưng quay đi quay lại thì có thể khái quát lại thành những câu chuyện chung. Và thông thường thì TELOS sẽ có những bước đi cơ bản như thế này.

Concept, định hướng và những giá trị ban đầu

Trong hầu hết các kiểu hình project có yếu tố thiết kế, TELOS sẽ cung cấp một vài các phương án để khách hàng có được những cảm nhận đầu tiên về thành phẩm. Bước đi này cũng xác định một điều quan trọng cho sản phẩm cuối cùng, đó là hướng đi.

Bạn cần một thiết kế thương hiệu nói lên được những đặc tính mà thương hiệu bạn đang có. Vậy chúng ta có thể sử dụng loại hình nghệ thuật nào, biểu tượng kết hợp ra sao hay tính cách hình họa thế nào? Những concept từ đó mà được thành hình, và trên concept đó chúng mình bắt đầu triển khai ra những thiết kế mang tính chi tiết hơn, rõ ràng hơn.

Đầu ra của quá trình này là một sản phẩm đủ khả năng thể hiện được phần lớn các giá trị, tính cách và mục tiêu mà khách hàng muốn xuất hiện trong thành phẩm.

Một vài phác thảo cho dự án thiết kế logo tại TELOS
Một vài phác thảo cho dự án thiết kế logo tại TELOS

Thành bại của bước này phần nhiều cũng đến từ quá trình thu thập, tìm hiểu, gợi ý các giải pháp cho khách ở giai đoạn tiền dự án. Mỗi concept được đưa ra không phải chỉ đơn thuần là một sự chọn lựa ngẫu nhiên, hoặc chạy theo trào lưu và những phiên bản hay ho của các sản phẩm bạn vô tình bắt gặp trong quá trình tìm tư liệu.

Ví dụ: Khách hàng mảng xây dựng, muốn có một website để tạo uy tín với đối tác, bạn muốn dùng hiệu ứng lung linh và các nhân vật wibu manga/anime… hay một công ty công nghệ trẻ trung với kỳ vọng làm một hệ thống nhận diện mang hơi hướng tương lai thì lại bị sử dụng các họa tiết vintage? Các sai lầm kiểu rất vu vơ như này kể ra cho vui, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nếu việc tìm hiểu và hoạch định concept không đủ chi tiết và hiệu quả.

Xét duyệt nội bộ

Sau khi đã được phác thảo, hoặc hoàn thiện ở mức khởi đầu, các thành phẩm sẽ phải đi qua một bước khắt khe, chọn lọc gắt gao. Đó là một vòng đánh giá nội bộ.

Những cá nhân có chuyên môn, có trách nhiệm quản lý dự án sẽ là những nhân vật đứng ra “ném gạch” các sản phẩm này. Bên cạnh đó các đóng góp từ những người ngoại đạo, các bạn nhân sự khác trong công ty, sẽ góp thêm vào đó những góc nhìn và cảm nhận gần gũi hơn với những đối tượng mà khách hàng muốn hướng tới.

Những màn đánh giá nảy lửa cho các thiết kế

Nếu cảm thấy giải pháp vừa được trưng ra không mang một giá trị đủ kỳ vọng, leader của các team sẽ sẵn sàng cho nó vào lãng quên. Các thiết kế sống sót qua được những yêu cầu này kể cũng lắm gian nan. Chưa hết, sau đó nhiều khi chúng nó sẽ còn bị gọt giũa lại để cho ra một sản phẩm hoàn thiện ở mức “chấp nhận được” theo tiêu chuẩn của team trước khi được đến với tay khách.

Trình bày, minh họa và giải thích

Có thể nói, sau khi phác thảo, sản phẩm đã mang cho mình một hàm lượng sáng tạo khá cao. Nhưng nếu chỉ đem sản phẩm đến và đưa cho khách hàng, những giá trị sáng tạo được đầu tư công phu đó sẽ bị rơi rớt khá nhiều. Vậy nên rất cần tiếng nói của người có chuyên môn để nói cho khách hàng biết điều gì đang diễn ra, sản phẩm này đại diện cho điều gì và nó phù hợp ra sao?

Một buổi trình bày về sản phẩm cho khách hàng
Một buổi trình bày về sản phẩm cho khách hàng

Thường việc trình bày như thế nào sẽ tùy vào nhu cầu của khách, đó có thể là một buổi họp với nhiều thành viên hội đồng quản trị, hoặc chỉ là một cuộc gặp online ngắn gọn để vượt qua những giới hạn về khoảng cách hay dịch bệnh. Tuy nhiên, dù phong cách nào thì những tài liệu, thành phẩm đóng gói và đính kèm đều phải đảm bảo truyền tải hết ý nghĩa của các thiết kế.

Phần này được team đầu tư kĩ càng không kém việc tạo ra sản phẩm, vì đôi khi đáp án của một bài toán phức tạp hoàn toàn có thể là một câu trả lời đơn giản, nếu trình bày không khéo sẽ tạo ra cảm giác đội ngũ sáng tạo kém đầu tư cho dự án.

Tiếp nhận phản hồi, chỉnh sửa

Bất cứ sản phẩm nào thì cũng đều cần sự mài giũa và xử lý để trở nên hoàn thiện, điều đó cần thêm góc nhìn của khách hàng để góp vào bức tranh chung của cả sản phẩm. Khách hàng sẽ có thể không phải là người giỏi về chuyên môn, nhưng họ hiểu nhất về doanh nghiệp và tầm nhìn của dự án. Vậy nên khi đã cung cấp một thiết kế thỏa mãn đầy đủ những tiêu chuẩn chuyên môn, TELOS lắng nghe từ phía khách hàng để hiểu được những điểm còn thiếu ở góc nhìn khách để mang vào chỉnh sửa.

tỉ mỉ ghi chép lại những nhận xét để về húp trọn
tỉ mỉ ghi chép lại những nhận xét để về húp trọn

Các chỉnh sửa thường sẽ không tốn quá nhiều thời gian nếu Account và khách hàng tìm được tiếng nói chung và hiểu về tổng thể của dự án. Lý tưởng nhất thì khách hàng đã nhận ra được hướng đi cụ thể, quyết định chọn một concept để bám sát và chỉnh sửa trên đó. Các xử lý sau đó hầu như đều sẽ rất ít tốn công và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên đôi lúc vẫn phải dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện các hướng đi.

Sau bước này, mọi thứ đã “loading đến 90%” rồi. Phần việc tiếp theo là một chuỗi quá trình chăm sóc hỗ trợ.

Bàn giao và đồng hành

Dự án sẽ thành công tốt đẹp sau khi thành phẩm được ra đời. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm kết, chưa thể gọi là “húp trọn”. Mục tiêu của dự án phải là cung cấp ra thành phẩm khách hàng dùng được, và sẽ còn tuyệt vời hơn là khách hàng kế thừa và phát triển lên thành một hệ thống chất lượng.

Để đạt được điều đó cần có sự bàn giao, đồng hành và hỗ trợ khi cần thiết của đội ngũ có chuyên môn của TELOS. Bên cạnh những tài liệu quy chuẩn và hướng dẫn sử dụng các thành phẩm một cách rõ ràng và hệ thống, đôi khi nhân sự của team cũng tham gia đánh giá và tư vấn về những sản phẩm phái sinh trong quá trình khách hàng sử dụng “đứa con” của mình.

Một trong những hệ thống thương hiệu được khách hàng nâng tầm nhờ vào quá trình hướng dẫn rất cụ thể từ TELOS

Nếu là một hệ thống thương hiệu, TELOS cung cấp cho khách bộ điều hướng và những quy luật trong thiết kế các ấn phẩm, các artwork hay hình ảnh truyền thông. Nếu là một website, TELOS sẽ cung cấp tài liệu sử dụng, quản lý và những cách tận dụng thiết kế hiệu quả nhất.

Đó là tiêu chuẩn bắt buộc của việc tạo ra sản phẩm và trách nhiệm với chuyên môn. Nếu xem sản phẩm team nhà đem đến cho khách hàng của mình là một hạt giống, thì cách khách hàng tiếp tục phát triển sản phẩm đó, sử dụng nó để tạo ra thương hiệu, doanh thu chính là việc chăm bón cây và chờ ngày kết quả. TELOS muốn chung tay tưới nước chiếc cây ấy, chứ không để khách làm một mình.

May mắn là nhờ vậy nên, nhiều tình bạn, sự kết nối giữa team và các đối tác cũng bắt đầu từ đây.

4. Lo “hậu sự” cho dự án

Dự án đến đây về mặt lý thuyết có thể xem là đã kết thúc. Mọi người đã có thể nghỉ ngơi ăn uống ngủ nghỉ nhưng mà, ủa khoan…

Chúng ta nhận được từ mỗi dự án không chỉ là thu nhập hay một khách hàng mới, chúng ta còn có thêm những bài học nữa. Vậy nên team sẽ ngồi lại với nhau để cùng nhìn lại và đánh giá:
– Thứ gì mình đã làm chưa tốt trong dự án vừa rồi?
– Chỗ nào đã khiến team trở nên chậm hơn và cách để giúp tốc độ đó được cải thiện?
– Có nguồn lực nào đã bị lãng phí không? Thời gian, chi phí, nhân lực, một đầu việc nào đó … có thứ gì có thể lược bớt hoặc đơn giản hóa nó lại?

– Có phương pháp hay công cụ mới gì mình có thể áp dụng về sau?

….

Trên thực tế tụi mình không có chiếu chiếu nghiêm túc vầy đâu, đây là ảnh minh họa =))
Trên thực tế tụi mình không có chiếu chiếu nghiêm túc vầy đâu, đây là ảnh minh họa =))

Cứ sau mỗi dự án được húp trọn, TELOS lại có thêm một số cải thiện cho quy trình, hay lại nảy sinh một yếu tố thú vị cho dự án sắp tới. Mục đích của việc “lo hậu sự” cũng là vì vậy.

Kết

Trên đây là cách chúng mình “húp trọn” nhiều dự án trước giờ. Nhiều người nhìn nhận quy trình là đáng chán, là kém sáng tạo hoặc gò bó. Thực tế cho thấy thì quy trình không phải cái khung nhốt chúng ta vào những sự nhàm chán, mà là các cột mốc dẫn đường cho quá trình thực thi và giúp chúng ta chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi còn chưa được hỏi. Nhờ vậy chúng ta rảnh rang hơn để mà sáng tạo.

Tại TELOS chúng mình đã định hình được phần nào đó quy trình, nó có thể chưa phải là tối ưu, đồng thời vẫn còn nhiều thiếu sót và cả thừa thãi. Nhưng cái hay và đáng quý là cái quy trình đó sẽ còn được cải thiện, và nó hiện tại đã tạo ra được những giá trị cốt lõi đủ để làm nền tảng cho sự phát triển sau này.

Vậy, các bạn có muốn cùng làm cái gì đó với tụi mình? Đừng ngại liên hệ nhé!

Lưu Trọng Nhân
Creative thinker. Entrepreneur

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.