Mở

Bàn về giá trị là một chuyện mình hay làm cùng bạn bè. Những câu chuyện cứ hay xoay quanh mấy việc như, cách nào để định giá một món hàng, một dịch vụ, hay cố lý giải cho việc chông chênh của sự bất đồng ở hai phía cho – nhận, bán – mua. Câu chuyện đôi khi trải dài ra thêm vài khía cạnh hay ho và đa dạng hơn, như tại sao cái này có giá cao, giá thấp, việc làm này tạo ra giá trị và việc làm kia thì lại không, tại sao số đông cảm thấy cái này vô nghĩa nhưng kẻ mua thì lại nhất quyết trả thật cao để có nó.

Chợt nghiệm được vài thứ sau một quãng dài vừa tự đúc ra các lý thuyết tự thân về giá trị, lại vừa phải dấn thân vào nhiều cuộc định giá bán mua thứ giá trị mình tạo ra, nên mình thử viết nhẹ một vài thứ ở đây. Chắc cũng sẽ dài (và nó dài thật, viết xong xem lại thấy hơn 4000 chữ).

Quan điểm về việc tạo ra giá trị

Thử bắt đầu với việc tự mình tìm câu trả lời rằng “giá trị là gì?” thông qua những trường hợp cụ thể. Hãy cứ đưa ra cảm nhận của mình sau khi đọc những thông tin dưới đây. Sẽ tạm thời không có đúng sai, chỉ là hãy thử hình dung về câu chuyện truy tìm giá trị trong những dự án.

Câu chuyện 1: Slogan “welcome to Scotland”

Dưới đây là một đoạn tweet ngắn gọn, lan truyền nhiều trên internet và trở thành meme trong tầm vài năm trước. Chuyện kể rằng năm đó Scotland nghiên cứu để cho ra một slogan du lịch, giúp kêu gọi du khách đến chơi và tăng trưởng cho ngành du lịch, sau một thời gian nghiên cứu và nhiều công sức bỏ ra, đáp án cho bài toán trên là …ừ, “Welcome to Scotland“.

uber-facts-scotland
Thông tin “fun-fact” trên mạng về dự án kể trên của Scotland, thực tế đã được đính chính rằng nó không phải là vậy

Sau này, thông tin trên đã được “giải oan” rằng thực tế ra số tiền nói trên được chính phủ Scotland chi nhiều cho các hoạt động in ấn và thiết kế các áp phích quảng cáo tại sân bay và các địa điểm du lịch hơn là nghiên cứu. Nhưng giả sử thông tin này vẫn là thật thì bạn nghĩ sao về chi phí bỏ ra để xác định rằng “Welcome to Scotland” là lựa chọn tốt nhất cho mục tiêu tăng trưởng du lịch của đất nước này?

Câu chuyện 2: Logo của Xiaomi

Hình dưới đây là hai phiên bản trước (bên phải) và sau của logo Xiaomi, và họ đã dành ra một gói chi phí khoảng 300 nghìn đô-la cho thay đổi này vào khoảng đầu năm 2021. Thời điểm họ đổi logo, các nội dung ăn theo về dự án này rất nhiều, trong đó nhóm nội dung nổi bật nhất là các video hướng dẫn cách bo góc logo đơn giản bằng phần mềm AI, Photoshop hay Figma.

Chủ tịch Xiaomi giải thích về ý nghĩa của logo mới
Chủ tịch Xiaomi giải thích về ý nghĩa và giá trị của logo mới

Bạn cảm thấy việc “bo góc” trên tiêu tốn của Xiaomi số tiền như vậy là một việc hợp lý hay không? Và nếu bạn là người thực thi, thiết kế cho dự án trên thì bạn sẽ làm gì để tạo ra một thiết kế xứng với mức phí đó?

Một sự khái quát hóa trên sơ đồ tạo ra giá trị

Giờ thì sau khi bạn đã có quan điểm và nhận định riêng của bạn, mình sẽ chia sẻ về sự khái quá ở góc nhìn nơi mình. Đây là cách mình minh họa, cũng là cách giải đáp cho nhu cầu “khái quát quy trình tạo ra giá trị“. Do cũng không đọc quá nhiều tư liệu nên mình cũng không biết có lý thuyết nào tương tự, nếu có bạn có thể gợi ý cho mình.

Mình tạm gom hết bao nhiêu hoạt động trên cuộc đời này, vào một sơ đồ có 3 nhóm đối tượng cụ thể gồm: (1) cụm màu xanh là các giá trị đầu vào, (2) cụm màu đỏ là các giá trị đươc tạo ra, và cái nơi hội tụ của các tia phóng chiếu, tạm hiểu nó chính là (3) sản phẩm của quá trình tạo tác nói trên.

sơ đồ khái quát của "quá trình tạo ra giá trị"
Một chiếc sơ đồ 3 yếu tố xinh xắn khum nè

Quá trình thu gom và tổng hợp các tài nguyên đầu vào sẽ không có một biên giới nào. Vì nó có thể là những kiến thức kinh nghiệm của người thực thi từ trong quá khứ, những lành nghề họ đã có từ lâu và thậm chí thêm vào đó là cả sai lầm của các lớp người đi trước để hình thành kinh nghiệm. Tương tự ở bờ bên kia, giá trị tạo ra ở đầu ra cũng không có cho nó một giới hạn cụ thể. Nó tạo ra hai vệt màu lan dần và mở rộng cái đuôi mình ra.

Thứ duy nhất cô đọng, hiện hình và kết khối chính là sản phẩm của quá trình. Nó có thể là một thứ thực tế như một sản phẩm vật lý, đôi khi dễ nhìn thấy như một biểu tượng mỹ thuật, lại có khi trừu tượng hơn như một đáp án cho một vấn đề hay một định hướng, một ý niệm. Dù là gì đi nữa, ta có thể thấy được một phạm vi cụ thể của nó. Nó là kết tinh của các giá trị cũ và sẽ là điểm lan tỏa của các giá trị mới.

Chính nhờ sự cô đọng và hiện hình này, các bên có thể thấy được giá trị và kết quả cũng như thứ họ cần tìm kiếm trong quá trình tạo ra giá trị này. Các bên có thể sử dụng nó, đong đếm, định lượng và đánh giá. Sản phẩm này, nhờ vậy, chính là hiện thân của giá trị.

Vậy chuyện gì xảy ra khi người ta chỉ nhìn thấy cái “hiện thân của giá trị” mà lại không thấy được cái giá trị?

Trả lời ngắn gọn thì: người ta sẽ đánh giá sai giá trị. Trả lời dài dòng hơn thì phần sau của bài viết sẽ làm rõ. Cái chiêm nghiệm của mình cũng có thể được rút gọn tại đây rằng: Giá trị không chỉ là một cái thành phẩm, mà còn là một phổ dài kết tinh từ trước đó và sẽ là một đoạn dài lan ra sau đó của cái thành phẩm, và ta không nên định lượng giá trị chỉ bằng thứ duy nhất là cái hiện thân của nó.

Những mảnh ghép và góc nhìn của bức tranh giá trị

Trước khi chúng ta quay lại với việc nhìn nhận sai giá trị, hay đo đếm sai giá trị bởi những thước đo khác nhau, ta hãy nói về mối quan tâm của những người đứng trong dự án và cách họ đong đếm giá trị của mình, từ đó họ nêu lên kỳ vọng với đối tác hoặc mối quan tâm họ có với giá trị mình sẽ nhận được.

Nhìn về phía giá trị tạo ra

Một cách định giá trị của sản phẩm cũng như của cái project mà bạn đang làm, đó là định giá trên giá trị nó tạo ra. Hiểu nôm na: “tôi càng được lợi từ cái thứ tôi nhận được, tôi sẽ càng trả cho nó nhiều tiền

Cách này nhóm người “nhận” hay người mua lấy kết quả của dự án rất quan tâm, vì họ muốn biết họ mang cái thứ kia về rồi họ có thể tạo ra được cái gì nhiều hơn đem lại lợi ích hơn cho họ không? Kỳ vọng về cái sự “đắt xắt ra miếng” được thể hiện rõ ở đây.

việc tạo ra giá trị sau khi có sản phẩm
Một sản phẩm giúp người sở hữu nó tạo ra giá trị nhiều lần là một sản phẩm được định giá cao

Với góc nhìn này, đôi khi ta sẽ thấy công chúng khó hiểu vì sao ai đó sẵn sàng chi ra một số tiền lớn để mua lấy một thứ mà số đông cho là không đáng, hay như cách một tập đoàn toàn cầu chi trả cho một dự án thương hiệu sẽ khác hơn rất nhiều so với cách một doanh nghiệp nhỏ mở hầu bao. Thứ những đơn vị trên đang quan tâm khi đặt vấn đề về giá trị là, họ đang kỳ vọng vào các lợi ích tương lai.

Đã từng có câu chuyện về một công ty lớn đặt hàng một dự án thẩm định, xem thử những hoạt động tài chính của họ là tốt hay không và họ cần thay đổi gì. Sau thời gian làm việc, đội ngũ tư vấn đưa ra kết luận là “các anh đang làm tốt và không cần thay đổi gì cả“. Công ty nọ vui vẻ nhận lấy kết quả và trả tiền cho dự án, vì họ đã có thứ mình cần. Đáp án của bài toán mà họ muốn hỏi thoạt nghe rất giản đơn, nhưng đó là một đáp án giá trị.

Tất nhiên, khi ước lượng được lợi ích về sau của một sản phẩm là không đủ to, nhiều người cũng sẽ không sẵn sàng đánh giá cao thứ mà mình nhận được. Vì dù họ có kiến thức và hiểu biết về quá trình tạo thành của sản phẩm, thì cầm nó về và không mang đến giá trị gì cho họ thì điều đó cũng không phải là điểm hay.

Nhìn về hàm lượng công sức đầu vào

Luôn sẽ có một lượng công sức đầu vào ở mọi dự án, ở mọi quy trình tạo hình sản phẩm. Vậy nên việc dùng nó để ước tính giá trị cũng là một cách thức phổ biến. Bạn đã từng nghe dân gian có những câu như “tiền trao cháo múc” hay “một hạt gạo vàng chín hạt mồ hôi” là dựa trên góc nhìn như vậy.

Cách thức này phù hợp với góc nhìn và lợi ích của người “cho” giá trị, người bán hay người tham gia cung cấp giá trị cho dự án. Họ muốn định giá cho cái thứ mình mang đến, họ hiểu rõ khối lượng giá trị mà họ bỏ ra, họ vì thế, muốn nhận được phần trả công phù hợp với nó.

giá trị đầu vào được quan tâm
Một sản phẩm kết tinh từ nguồn lực và giá trị lớn là một sản phẩm dễ được công nhận

Với góc nhìn này, chúng ta không quá khó hiểu khi những sản phẩm mang tính văn hóa, nghệ thuật đôi khi lại được định giá cao hơn nhiều lần so với công năng. Thứ nó hàm chứa không chỉ là cái công dụng cứng mà còn là những giá trị được tích hợp từ tài sản chung của cộng đồng một nhóm người, một dân tộc.

Các dự án đòi hỏi hàm lượng tri thức và chuyên môn cao cũng vậy. Người làm ra một website cho khách hàng đôi khi chỉ cần vài ba hôm, nhưng những gì họ cho vào thành phẩm đó lại là nhiều năm học hành nghiên cứu và những tư duy rèn luyện với lĩnh vực lập trình.

Có câu chuyện về anh thợ sửa xe chỉ gõ 3-4 nhát búa và lấy $100, khi khách hỏi, ảnh trả lại hóa đơn gồm “công gõ búa: $1; công tìm ra chỗ cần gõ: $99“. Câu chuyện nói lên tầm quan trọng của những giá trị đầu vào trong một giải pháp hay sản phẩm.

Vậy nên, đôi khi người nhận ngoài việc trả tiền cho một thứ gì đó “được việc”, họ cần phải được hiểu về cái giá trị kết tinh trong sản phẩm mà mình được mang về.

Nhìn vào độc lập cá thể sản phẩm

Góc nhìn này là góc nhìn bên ngoài, trực tiếp và chủ quan nhất vào một thành phẩm, một vật thể hay một đáp án. Góc nhìn này có thể đến từ tất cả mọi người, những người ngoài cuộc, những khán giả hoặc đại chúng tiếp thu thông tin về một thứ mà họ không tham gia vào quá trình, vậy nên cũng sẽ dễ hiểu là nó rất đông đảo.

Bạn đã nhiều lần thấy một brand lớn (ngân hàng, công ty lâu đời, tập đoàn toàn cầu …) đổi logo và nhận được nhận xét tiêu cực từ cộng đồng, rằng mức giá mà công ty bỏ ra để đổi lại một thành phẩm thế này là không xứng đáng. Một thời gian sau mọi thứ lại bình lặng đi và cái giá trị mới của thương hiệu lại được khách hàng hấp thu.

Nhìn sản phẩm tồn tại độc lập bên ngoài bức tranh giá trị
Nhìn sản phẩm tồn tại độc lập bên ngoài bức tranh giá trị

Nhìn vào những dự án thành công nhưng vấp phải phản ứng bên ngoài, chúng ta hiểu được cách đánh giá của người trong cuộc khác với cách đánh giá của người đứng xem, và nó có chiều sâu hơn. Vậy nên nếu chỉ nhìn vào mỗi sản phẩm thôi đôi khi ta lại sai lầm trong việc xác định xem cái gì là “thang đo của giá trị“.

Cũng không quá khó hiểu nếu chúng ta so ngược lại với câu chuyện của bức tranh giá trị. Người không có kiến thức về lĩnh vực và dự án, hoặc không có cơ hội tiếp xúc để hiểu về quá trình tạo dựng sản phẩm, lợi ích mà sản phẩm sẽ mang lại cho người nhận nó, thì biết phải lấy thang đo nào để định giá thứ họ thấy trước mặt? Họ dùng những thứ xung quanh có tính chất gần kề để so sánh, vô tình tạo ra những ước đoán sai.

Với một vài người, họ hỏi tại sao lon nước ngọt dung tích nhiều hơn chai nước hoa nhưng nó lại rẻ hơn nhiều lần. Người khác lại cảm thấy một bài báo khoa học 5000 chữ cũng chỉ ngang số lượng chữ 3-4 bài viết SEO cộng lại. Vài người trong chúng ta lại hình dung một logo với một cái bảng hiệu thật ra cũng chả có gì quá khác nhau nhưng giá trị lại chênh lệch. “Học cho lắm tắm cũng ở truồng” là một câu nói vui, nhưng nó cho thấy quan điểm của việc nhìn giá trị sai thước ngắm.

Đôi khi lời giải không cần dài dòng, nó cần chính xác. Đôi khi sản phẩm không cần chi li phức tạp, nó cần đơn giản. Đôi khi chi tiết hoa văn không cần màu mè, trau chuốt, nó cần sự dễ nhớ. Đôi khi, kế hoạch hành động giá trị là “đừng thay đổi” chứ không phải là checklist dài 30 dòng.

Những câu chuyện ở đầu bài viết này, bạn có nhìn ra được điều gì từ chúng nó sau khi đọc đến đây không?

Chọn con đường tạo ra giá trị

Phần nào ngắm nghía đã đời câu chuyện về những cái quy trình, cách các góc nhìn được thành lập và hiệu ứng từ tụi nó, giờ đối chiếu ngược vào mình, bạn nghĩ ta sẽ làm cách nào để tối ưu việc tạo ra giá trị của bạn thân? Mình hay bắt đầu bằng việc…

Tự phân loại – nhìn nhận

Các kiểu công việc khác nhau sẽ tạo ra cái hình mẫu quy trình khác nhau, và mình phân loại nó ra 3 nhóm hay gặp thế này:

1. Nhóm công việc có giá trị nguyên liệu cho vào ít và giá trị đầu ra cũng ít

Nhóm này thì chúng ta sẽ gặp rất thường và có thể nó là nhóm nền tảng của nhiều thứ trong cuộc sống này. Pha một ly cafe, giặt một bộ quần áo, đi photo một xấp giấy tớ hay tìm một đường đi từ điểm A đến điểm B.

tạo ra giá trị nhỏ từ những đầu tư cũng nhỏ

Với nhóm việc này thì mình muốn dành cho nó thật ít tài nguyên, càng ít càng tốt, hoặc nếu cực chẳng đã, nó là một phần không thể thiếu thì mình sẽ nhìn vào cái giá trị lâu dài để mà cố gắng (như việc tập thể dục chẳng hạn). Hoặc nếu muốn tạo ra giá trị lớn, kinh doanh và phục trên nó thì chúng ta cần phải ra một lượng lớn các sản phẩm thế này với tốc độ nhanh và cao.

2. Nhóm công việc phải đầu tư rất nhiều nguyên liệu nhưng lại không tạo ra được giá trị tương ứng

Làm một chiếc proposal báo giá long lanh 84 slides nhưng khách hàng không sẵn sàng chi trả chi phí phù hợp, dành nhiều giờ để cãi nhau về một vấn đề sâu sắc gì đó trên mạng, yêu đơn phương ai đó (hệ hệ hệ), đây đều sẽ là những ví dụ cho kiểu công việc này.

giá trị tạo ra không to bằng giá trị ban đầu
Làm rất nhiều như bị nghẽn đâu đó nên đầu ra bị teo

Với loại hình này, mình sẽ xem nó như một loại vấn đề. Và mình tìm ra điểm nào đó ở phía trước hoặc phía sau sản phẩm để xem điều gì tạo nên sự “teo tóp” ở đầu ra. Là do chúng ta bị overthinking? là do sự cồng kềnh trong quản lý? là do sử dụng nguồn lực bị hoan phí ở một điểm nào đó trong quá trình sản xuất? hay đôi khi, ở phía ngược lại là do khách hàng, đối tượng người nhận không phù hợp? Những điểm này cần được tìm ra và khai thông.

Còn nếu khai không thông? thì hoặc bạn thật sự nhìn ra được nó còn một nhóm giá trị nào đó to lớn hơn, như thế những việc này chính là “những điều vô nghĩa bạn cần phải làm“, hoặc lời khuyên là hãy rời bỏ nó để đi ra tìm lấy nhóm công việc thứ 3. và nhóm 3 đó là …

3. Nhóm công việc với công sức đổ vào không quá nhiều nhưng giá trị tạo ra lại rất tiềm năng và to lớn

Nghe rất thơm tho, nhưng thực tế, chúng ta không thể đòi hỏi “không làm mà đòi có ăn”, về bản chất loại hình công việc này có thể xuất hiện thì hoặc là do bạn đã có một bề dày thời gian chuẩn bị cho nó, hoặc do bạn quá may mắn. Tuy nhiên may mắn là một khía cạnh khó kiểm soát và cũng khó tái tạo.

Vậy nên xét đi xét lại thì nhóm việc này cũng chính là nhóm việc “có giá trị đầu vào tương đương với giá trị đầu ra“, chỉ có điều, cái giá trị đầu vào đó, có thể chính là việc bỏ công sức ở đúng tới điểm và chịu kiên trì đầu tư đúng đắn, hoặc là việc chúng ta đã có đủ trí tuệ để tận dụng những điểm lợi thế mà mình có. Có thể khái quát trên sơ đồ, là vì chúng ta đã nhìn quá kĩ vào cái giá trị tạo ra sau khi có sản phẩm mà đánh giá thấp giá trị đầu vào.

tạo ra giá trị to vượt trội nhờ công sức đầu vào đúng đắn
Tạo ra được giá trị to lớn từ cái mình đổ công sức vào

Học một ngoại ngữ khi bé, chịu khó kết nối quan hệ và cho đi những giá trị nhỏ, đối xử tốt với nhiều người, …. sẽ tạo cho chúng ta những cơ hội. Cố gắng thêm 1% mỗi ngày, định hướng phát triển cho đội ngũ ta đang xây dựng, hay hoàn thiện từng chút những thế mạnh đang có,… sẽ là các loại việc giúp ta gom về nhiều giá trị hơn trong tương lai. Nhớ khóa cửa, thường xuyên rửa xe hay chịu khó để ý những nguy cơ vụn vặt trong tình cảm,… sẽ là những loại việc giúp chúng ta an toàn và giảm thiểu rủi ro chi phí hay đổ vỡ.

Các việc trên, theo mình, sẽ là những việc mà rơi vào nhóm 3, nhóm việc gieo lấy một hạt giống và gặt cả một cây giá trị trĩu quả. Nếu được phép lựa chọn, hẳn ai cũng muốn mình luôn được tham gia vào quá trình tạo ra giá trị kiểu này. Nhưng nếu mọi chuyện đơn giản thế thì có lẽ nếu như vậy thì thiên hạ thái bình, và từng cá thể con người đều đã đạt được những thứ hoành tráng vô chừng.

… Và những lựa chọn của chúng ta

Lựa chọn ở hướng ứng xử thì mình đã liệt kê ở từng loại đối tượng công việc, tóm tắt ngắn gọn lại thì: giảm công sức cho những việc vặt (nhóm 1), cải thiện hoặc tránh gặp phải những việc tạo ra ít giá trị (nhóm 2) và biến dần mọi loại việc sang thành nhóm 3. Còn những gợi ý thêm để giúp quá trình trở nên dễ dàng và mượt mà thì…

1. Có một góc nhìn đúng về đo đạc giá trị

Nói thì dễ nhưng việc này đòi hỏi chúng ta có nhiều kiến thức hơn và chịu quan sát nhiều hơn, sâu hơn và xa hơn là chỉ mỗi sản phẩm hiển hiện trước mắt mình. Cần phải hiểu về giá trị của những thứ xung quanh theo một bức tranh đa chiều hơn, thay vì chỉ nhìn nhận về sự giản đơn của đáp án.

Chiếc hình khối đơn giản của logo là đáp án của những phương trình rất tinh tế

Như khi giữa hàng loạt những video hướng dẫn cách “làm thế nào” bo góc logo xiaomi trong 5′ chúng ta hãy xem cách thức tác giả đã tìm đường cho cái định hướng logo để hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị của quá trình, và thấy được cái hợp lý trong việc người ta được chi trả cho quá trình tạo ra giá trị của họ.

Hiểu đúng thì vừa giúp mình nhận ra được cách thức giá trị được tạo ra, và cũng nhận ra được cơ chế để áp dụng. Ít nhất là ở mức khái quá và tổng quan.

2. Luôn tìm cách tối ưu hóa cách thức tạo ra giá trị

Tối ưu hóa có nhiều phương pháp và mỗi trường hợp chúng ta lại có những cách thức áp dụng khác nhau.

– Có những định hướng sẽ là làm sao để hàm chứa thật nhiều giá trị vào trong từng hành động và thành phẩm tạo ra. Hoặc mình có thể chọn tác động vào nhóm đối tượng phù hợp để cùng một giải pháp nhưng lại đem nhiều giá trị hơn.

– Có khi khác mình lại chọn hướng gom góp những tri thức hoặc giá trị chuyên môn mình có và đóng gói nó lại thành một phần của quy trình, vừa là chuẩn bị cho tương lai, vừa là xử lý và hạn chế các rủi ro, vậy nên giờ cái sản phẩm tạo ra sẽ chứa luôn cái sự cô đọng của chất liệu kinh nghiệm.

– Hoặc trong tình huống nào đó là đi tìm cho mình những công cụ mới, giúp giản lược đi công sức bỏ vào và gia tăng thêm giá trị tạo ra.

Erling Haaland và ước mơ ghi 5 bàn với 5 pha chạm bóng
ước mơ đơn giản thôi

Việc này, là một việc vừa chung vừa riêng. Nó đã là một bài toán mà ai ai cũng đang tìm cách giải để làm tốt hơn những thứ mình tạo ra, nhưng cũng đồng thời là bài toán riêng của từng dự án, từng cá nhân trong quá trình phát triển những thứ mình tạo lập.

3. Dấn thân vào làm thôi

Như bao nhiêu câu chuyện khác, vẫn là việc ta phải làm để có cho mình những bước chân đầu tiên. Thêm vào đó, chúng ta cần một góc nhìn của người trong cuộc để vừa cân chỉnh lại góc nhìn, vừa thực tập việc tối ưu hóa để tạo ra giá trị. Vậy nên, chỉ đơn giản là bắt đầu làm thôi. Làm ra gì đó thì có thể giá trị tạo ra nó cũng không to, có nhiều cái sai phạm hay chưa tối ưu, nhưng không làm thì đương nhiên là không tạo ra được giá trị gì rồi.

Kết

Mình cố gắng khái quát hóa quá trình tạo ra giá trị, để giúp tự phân định những việc cần làm và phải làm. Mình dùng những sơ đồ tự vẽ ra này để giúp những đồng sự xung quanh phân định các loại hình dự án và công việc để có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho tổ chức và khách hàng.

Hy vọng những chia sẻ này có thể hỗ trợ và tạo ra cảm hứng cho các bạn trong hành trình tạo ra giá trị của riêng mình.

Lưu Trọng Nhân
Creative thinker. Entrepreneur

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.

Xin chào, mình là Lưu Trọng Nhân, và website này được tạo ra để mình trưng bày những thứ hay ho đã làm được cũng như chia sẻ một cách vụn vặt về chuyên môn, những góc nhìn, những lý thuyết ... cũng như những thứ đang diễn ra xung quanh mình.

Bất cứ lời đề nghị hợp tác hay rủ rê cafe bàn chuyện "cùng làm cái gì đó đi" đều rất tuyệt vời đối với mình nên các bạn đừng ngại để lại thông tin hoặc connect qua các kênh social network nhé.

Cảm ơn đã ghé chơi :D.